Canh tác rau màu trên nền lúa mùa nổi

16/08/2024 - 06:44

 - Tuy năng suất thấp, nhưng lúa mùa nổi là loại lúa sạch, có giá trị dinh dưỡng, giá bán cao. Tận dụng nền gốc rạ từ lúa mùa nổi để canh tác rau màu giúp giảm chi phí, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, người dân huyện Tri Tôn yên tâm bám lúa mùa nổi, canh tác thuận thiên theo hướng bền vững.

Loài lúa thuận thiên

Lúa mùa nổi truyền thống đã được người dân vùng ĐBSCL sản xuất từ nhiều thập kỷ trước. Đặc tính nước đến đâu, cây lúa vươn lóng vượt lên khỏi mặt nước đến đó, nên người dân gọi là “lúa mùa nổi”. Với cơ chế sinh học vô cùng độc đáo, không cần chăm sóc, không thuốc trừ sâu, cây lúa tự ngậm sương mà nảy mầm, rồi lớn.

Nhờ tận dụng nền gốc rạ hữu cơ sau thu hoạch lúa mùa nổi, nông dân xã Vĩnh Phước, Lương An Trà (huyện Tri Tôn) trồng thêm nhiều loại hoa màu khác nhau, mang hiệu quả tích cực về mặt kinh tế, đồng thời tạo ra phương thức sản xuất thuận thiên, hài hòa trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Do không sử dụng phân, thuốc hoá học, lúa mùa nổi được các nhà khoa học chứng minh là một trong những mô hình khả thi giúp cải thiện môi trường cho vùng đất Vĩnh Phước, Lương An Trà. Cây lúa không chỉ tạo được sản phẩm thuần tự nhiên, mà còn góp phần tạo nền tảng giúp đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi cho nông dân. Đây là mô hình canh tác hoàn toàn tự nhiên, không chỉ tốt cho môi trường sinh thái, mà còn tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Tận dụng nền rơm rạ lúa mùa nổi trồng cây màu

“Hiện nay, chúng tôi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa mùa nổi với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời. Diện tích 50ha đất, sản lượng lúa thu hoạch khoảng 100 tấn đều được Lộc Trời thu mua. Ngoài sản phẩm lúa mùa nổi, hợp tác xã (HTX) còn liên kết sản xuất lúa bình thường 2 - 3 vụ/năm, diện tích khoảng 1.000ha” - ông Võ Văn Thảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Vĩnh Lợi (xã Vĩnh Phước) thông tin.

Sản lượng lúa mùa nổi khó có thể bằng lúa cao sản, nhưng giá bán khá cao, ổn định. Đây là sản phẩm hữu cơ, có hàm lượng dinh dưỡng cao so với nhiều loại gạo khác, đặc biệt là chỉ số đường rất thấp, được khách hàng quan tâm chọn dùng. Một ưu điểm nổi trội khác của mô hình lúa mùa nổi là quá trình canh tác để lại nền đất sạch với nhiều dưỡng chất, đảm bảo độ ẩm, tơi xốp cho đất, giúp cho nhiều loại rau màu canh tác sau vụ lúa đạt hiệu quả, ít tốn chi phí.

Kinh tế tuần hoàn

Anh Tôn Long Ràng, kỹ thuật viên nông nghiệp xã Vĩnh Phước phân tích: “Đầu tháng 6 (âm lịch), người dân bắt đầu xuống giống lúa mùa nổi, khoảng 6 tháng sau thì thu hoạch. Trong quá trình canh tác, không sử dụng phân hóa học, cây lúa tự phát triển.

Nông dân thu hoạch xong sẽ để lại rạ lúa mùa, sau đó tận dụng rạ này để trồng màu. Rạ lúa mùa nổi có đặc tính dài, phủ dày lên mặt đất, giúp giữ độ ẩm cho đất, người dân trồng khoai mì và kiệu không cần tưới nước. Sau 1 - 2 tháng, rơm rạ tự mục, tạo thành phân hữu cơ, bổ sung dinh dưỡng cho cây màu”.

Tận dụng nền rơm rạ lúa mùa nổi trồng khoai mì

Đã hơn 10 năm nay, nông dân Dương Minh Giang (xã Vĩnh Phước) theo đuổi đề án lúa mùa nổi ở địa phương. Anh cho hay, mô hình lúa mùa nổi kết hợp trồng màu cho thu nhập tốt, bởi trong quá trình sản xuất lúa, hầu như nông dân không cần thăm đồng hay đắn đo sử dụng phân, thuốc gì như các loại cây trồng khác. Riêng đối với vụ màu sau lúa, anh chọn khoai mì kè để canh tác.

Đến nay, đã gần 10 vụ lúa và khoai mì, đều đạt năng suất cao. “Tổng diện tích 5ha, trồng lúa mùa xong là trồng lại khoai mì, năng suất bình quân 2 tấn/công (1.000m2). Với 2 tấn khoai mì bán được 12 triệu đồng, bỏ chi phí còn lời 6 triệu đồng, chưa kể tiền bán lúa” - anh Giang phấn khởi.

Ngoài trồng khoai mì, nhiều người dân tận dụng nền lúa mùa nổi trồng kiệu, ớt, cà tím, bí hồ lô... theo nhu cầu thị trường. Việc duy trì diện tích lúa mùa nổi giúp tạo không gian chứa lũ, bảo tồn nguồn gen quý, là một trong những giải pháp thuận thiên thích ứng với biến đổi khí hậu theo kinh tế tuần hoàn. Do vậy, cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ về giống, thu hút doanh nghiệp liên kết đầu ra vụ màu để người dân yên tâm duy trì, mở rộng diện tích.

HOÀNG XUÂN