Chất lượng điều trị HIV/AIDS ở Việt Nam trong nhóm đầu thế giới

26/01/2023 - 08:51

Chất lượng điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam đã đạt những kết quả quan trọng khi tỷ lệ người bệnh có tải lượng vi-rút HIV dưới ngưỡng ức chế đạt 95% và tỷ lệ kháng thuốc ở mức 5%.

Tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai. (Ảnh NHƯ NGUYỆT)

Những con số này góp phần giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng và đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới; tiến tới đạt mục tiêu chấm dứt dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

Theo Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Phan Thị Thu Hương, điều trị thuốc kháng vi-rút (ARV) bắt đầu triển khai tại Việt Nam từ năm 2000 ở Thành phố Hồ Chí Minh. Từ vài ba cơ sở ban đầu, đến cuối năm 2022, Việt Nam đã có 499 cơ sở điều trị ARV cho gần 170.000 người bệnh, trong đó có 3.450 trẻ em.

Đáng chú ý, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên và có hiệu quả khi thực hiện cam kết mục tiêu 95-95-95 của Liên hợp quốc (95% số người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng vi-rút dưới ngưỡng ức chế). Việt Nam đang đi gần đến đích của mục tiêu này với số nhiễm mới và tử vong do HIV/AIDS giảm hai phần ba trong mười năm qua.

Để có những kết quả quan trọng này, Việt Nam đã luôn cập nhật kịp thời và thực hiện hiệu quả các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Bộ Y tế đã nâng tiêu chuẩn bắt đầu điều trị ARV cho người lớn nhiễm HIV.

Cụ thể, giai đoạn 2005-2009, bắt đầu được điều trị ARV ở mức CD4≤200 TB/mm3; giai đoạn 2009-2011, ở mức CD4<250 TB/mm3; giai đoạn 2011-2014 bắt đầu điều trị ARV ở mức CD4<350 TB/mm3 và điều trị ngay, không phụ thuộc số lượng tế bào CD4 ở giai đoạn III và IV; giai đoạn 2015-2017, bắt đầu điều trị ARV ở mức CD4<500 TB/mm3 và điều trị ngay ở một số nhóm có hành vi nguy cơ cao.

Từ năm 2017 đến nay, người nhiễm HIV được điều trị ARV ngay sau khi được chẩn đoán, không phụ thuộc giai đoạn giảm miễn dịch và lâm sàng. Đây là yếu tố quan trọng để mở rộng độ bao phủ tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV mà ít quốc gia trong cùng điều kiện áp dụng.

Song song với việc mở rộng cơ sở điều trị ARV về đến tuyến huyện và xã để thuận lợi cho việc người bệnh tiếp cận và tuân thủ điều trị, nhiều mô hình chăm sóc điều trị được triển khai, như: Mô hình Treatment 2.0 (đưa dịch vụ điều trị về tuyến xã); điều trị trong ngày có nghĩa là cùng ngày với ngày chẩn đoán nhiễm HIV; cấp phát thuốc nhiều tháng thay vì hằng tháng, người bệnh đến khám và nhận thuốc; lồng ghép dịch vụ tư vấn xét nghiệm-điều trị ARV, lồng ghép dịch vụ HIV/lao, HIV/viêm gan vi-rút...

Đáng chú ý, phác đồ điều trị ARV luôn được cập nhật, với việc loại bỏ các thuốc nhiều tác dụng không mong muốn, thay thế bằng thuốc có tác dụng và hiệu quả hơn. Từ năm 2020, Việt Nam thực hiện phác đồ ARV tối ưu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Hiện nay, gần 80% số bệnh nhân sử dụng phác đồ tối ưu, bao gồm cả điều trị cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Phác đồ này cũng đã được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả, cho nên người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế cũng được bảo đảm điều trị với chất lượng tốt nhất. Công tác điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc ARV là một trong các ưu tiên của Chiến lược quốc gia phòng, chống AIDS của Việt Nam. Với việc mở rộng và sử dụng phác đồ ARV tối ưu, số trẻ nhiễm HIV từ mẹ đang giảm mạnh, từ 1.500 trẻ (năm 2012) xuống còn hơn 600 trẻ ở những năm gần đây.

Việc mở rộng điều trị ARV với chất lượng cao như trên đã góp phần quan trọng giảm số người tử vong do AIDS, giảm số nhiễm mới. Trong giai đoạn 2007-2009, mỗi năm có khoảng 7.000 đến 10.000 trường hợp tử vong; phát hiện 25 đến 30.000 người nhiễm mới thì đến nay số ca tử vong báo cáo khoảng 1.000 đến 2.000 ca tử vong và 10 đến 13.000 người nhiễm mới mỗi năm, giữ vững tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,03%.

Tuy nhiên, Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS Phan Thị Thu Hương nêu rõ, việc quan trọng nhất trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS là phải bảo đảm nguồn lực tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đang là một thách thức to lớn đối với Việt Nam. Trong thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực để huy động các nguồn lực tài chính trong nước và chuyển giao thành công chương trình điều trị HIV/AIDS cho hơn 170.000 người nhiễm HIV sang nguồn Quỹ bảo hiểm y tế.

Mặc dù vậy, kể cả nguồn tài chính trong nước và nguồn tài trợ quốc tế mới chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu kinh phí hằng năm. Để đạt mục tiêu chấm dứt bệnh dịch HIV vào năm 2030, Việt Nam còn rất nhiều việc cần phải làm, nếu chủ quan, dịch có thể bùng phát trở lại. Kết thúc dịch AIDS không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV, không còn người tử vong do AIDS, mà kết thúc dịch HIV là khi đó AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng.

Mục tiêu kết thúc dịch HIV là khi Việt Nam đạt được các tiêu chí: số người nhiễm HIV phát hiện dưới 1.000 ca mỗi năm (hiện nay đang ở mức hơn 10.000 ca/năm); tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến AIDS dưới một ca/100.000 dân (hiện nay ước tính 3,5 người/100.000 dân); tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con dưới 2% (hiện nay 6%).

Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tích lũy đến nay, Việt Nam có khoảng 242.580 ca nhiễm HIV/AIDS, tập trung ở độ tuổi 16 đến 39. Tích lũy từ năm 1990 đến nay, đã có 112.368 người tử vong do HIV/AIDS. 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam phát hiện 9.025 người nhiễm HIV mới và có 1.378 trường hợp tử vong.

Số phát hiện mắc nhiều tại các tỉnh phía nam, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh (28%) và đồng bằng sông Cửu Long (26%). Trong đó, tỷ lệ HIV mới phát hiện trong nhóm nam cao hơn rất nhiều so với nữ (chiếm hơn 80%). Đường lây nhiễm HIV đã thay đổi hình thái, nếu như trước đây chủ yếu lây qua đường tiêm chích ma túy, thì nay 50% lây chủ yếu qua nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới.

Theo THANH MAI (Nhân Dân)