Chất vấn song hành cùng xây dựng

27/03/2023 - 07:24

 - Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao. Các nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn vừa có tính thời sự, vừa quan trọng, gắn với yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, được đại biểu Quốc hội (ĐBQH), nhân dân, cử tri và xã hội quan tâm.

Trong 1 ngày, 64 lượt ĐBQH đăng ký chất vấn, 49 lượt ĐBQH chất vấn, 10 lượt tranh luận; 4 bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn. Trong những ý kiến chất vấn, ĐBQH thể hiện rõ việc nắm chắc tình hình thực tiễn; phản ánh sát đời sống, nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Đồng thời, trong câu chất vấn mang nội hàm chỉ ra hạn chế, yếu kém cần khắc phục.

Thời gian qua, số lượng các loại vụ án phải thụ lý giải quyết tăng nhiều, tính chất ngày càng phức tạp, trong khi số lượng biên chế TAND được giao không tăng thêm. Nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực lớn của cán bộ, công chức, viên chức ngành TAND, chất lượng, hiệu quả, công tác xét xử ngày càng được nâng lên. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại, hạn chế, như: Một số vụ án giải quyết quá thời hạn luật định, do nguyên nhân chủ quan; tỷ lệ bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa, do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra…

Tỉnh An Giang tham dự phiên chất vấn trực tuyến

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương đặt vấn đề: “Báo cáo của ngành cho biết, một trong những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc giải quyết vụ án hình sự, kinh tế, tham nhũng là do nhận thức giữa các cơ quan tố tụng về một số vấn đề quy định của pháp luật chưa thống nhất. Đề nghị Chánh án TAND tối cao cho biết giải pháp căn cơ nhất để khắc phục? Trong năm 2022, ngành thụ lý số vụ và giải quyết tăng cao hơn so năm trước 7,7%. Tuy nhiên, vẫn còn một số vụ án giải quyết quá thời hạn so luật định, do nguyên nhân chủ quan. Cần làm rõ nguyên nhân chủ quan, có giải pháp hạn chế vấn đề này”.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, nguyên nhân chủ quan là do áp lực công việc quá lớn, phải giải quyết khối lượng gấp đôi quy định, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án. Tuy nhiên, tình trạng này đang từng bước được khắc phục, giảm thiểu. Một số nguyên nhân chủ quan khác là về năng lực, trách nhiệm của thẩm phán... Tòa án sẽ tiếp tục khắc phục các nguyên nhân này trong thời gian tới.

Tương tự, hơn 10 năm qua, khối lượng công việc tăng lên gấp đôi, yêu cầu pháp luật ngày càng cao, biên chế, chế độ, chính sách, cơ sở vật chất còn hạn chế, nhưng toàn ngành kiểm sát đã tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ; thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp về hình sự; công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự; kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự, hành chính; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm…

Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp TAND trả hồ sơ để yêu cầu khởi tố tội phạm mới và người phạm tội mới; đình chỉ vụ án, đình chỉ quyết định khởi tố bị can, do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm án hành chính, kháng nghị giám đốc thẩm án dân sự chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra…

Tại phiên chất vấn, nhiều ĐBQH đề nghị VKSND tối cao cần có giải pháp cụ thể để làm tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Đồng thời, xử lý kịp thời, ngăn chặn việc chuyển nhượng, tẩu tán tài sản trong các vụ án này. Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho biết, đơn vị yêu cầu kiểm sát viên các cấp thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục và biện pháp do Luật Tố tụng hình sự quy định, gắn chặt công tố với điều tra ngay từ đầu; nhất là trong thực hiện 7 biện pháp điều tra cơ bản (bắt khám, xét, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, hỏi cung đối chất về mặt nhận dạng…).

Đồng thời, ngành chỉ đạo tập trung làm tốt khâu thụ lý tin báo, tố giác tội phạm để hạn chế oan sai, lọt tội phạm ngay từ đầu. Kiểm sát viên phải yêu cầu xác minh, điều tra và thu thập chứng cứ theo cả 2 hướng (buộc tội và gỡ tội); yêu cầu nắm chắc và áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội, đảm bảo quyền bào chữa của người bị buộc tội, trọng chứng hơn trọng cung, án tại hồ sơ và không được suy diễn; chứng cứ đến đâu xử lý đến đó; không hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trên cơ sở kết quả phiên chất vấn, Ủy ban Tư pháp chủ trì, phối hợp TAND tối cao, VKSND tối cao, Chính phủ và các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Để nghị quyết vào cuộc sống, các ngành, đơn vị thực hiện quyết liệt giải pháp, cam kết trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vị ĐBQH, trước nhân dân và cử tri cả nước.

Trong công tác xét xử, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chánh án TAND tối cao tiếp tục triển khai giải pháp, nhất là giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án, bảo đảm tranh tụng trong xét xử. Xét xử vụ án hình sự phải bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. Trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện trưởng VKSND tối cao tiếp tục nâng cao chất lượng công tác, chấp hành nghiêm thời gian tố tụng, khắc phục triệt để việc xảy ra trường hợp oan. Chú trọng phát hiện sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước, là nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm, tội phạm, để kiến nghị khắc phục, phòng ngừa và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

GIA KHÁNH