Châu Đốc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

17/02/2020 - 07:48

Thực hiện Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy và Kế hoạch 44 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Châu Đốc (An Giang) về thực hiện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) giai đoạn 2012-2019, những năm qua, nông nghiệp thành phố đã có những bước phát triển vượt bậc, trình độ cơ giới hóa, ƯDCNC vào sản xuất luôn được quan tâm, đẩy mạnh áp dụng. Nhờ đó, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản; tăng hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, phù hợp với đặc thù nông nghiệp của một đô thị lớn.

Hiệu quả cao

Từ khi Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy và Kế hoạch 44 của Thành ủy ra đời, ngành nông nghiệp có những bước phát triển đáng ghi nhận. Theo đó, trình độ cơ giới hóa, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất được áp dụng, như: sử dụng hệ thống tưới phun cố định trên rau ăn lá, tưới nhỏ giọt trên cây ăn trái, màng phủ nông nghiệp, trồng cây trên giá thể, cây con cấy mô, nhà màng, nhà lưới, chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi thủy sản và gia súc, gia cầm... Đồng thời, xây dựng thành công nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, như: trồng hoa, rau màu trong nhà lưới; sản xuất rau an toàn, bảo quản nông sản sau thu hoạch…

Chất lượng nông phẩm được cải thiện, năng suất tăng lên đáng kể, nhiều hộ nông dân thoát nghèo và vươn lên trở thành hộ làm ăn giỏi nhờ áp dụng thành công các tiến bộ khoa học-kỹ thuật. Đến nay, diện tích sản xuất rau màu ƯDCNC trên địa bàn thành phố là 200ha/vụ (tăng 38,4ha so năm 2012); trên 53% diện tích sản xuất lúa áp dụng “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng” chiếm 84% diện tích (trên 6.605ha)... Giá trị thu nhập năm 2019 đạt 99 triệu đồng/năm/ha đất canh tác nông nghiệp, đạt 194,65% so kế hoạch (50,6 triệu đồng/năm trở lên).

Chủ tịch Hội Nông dân phường Châu Phú B Huỳnh Mộc Khải cho biết: “ƯDCNC trong sản xuất đã giúp ngành nông nghiệp phường chuyển biến, đổi mới, định ra hướng đi đúng cho nông dân trong việc chú trọng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm đáp ứng theo nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập… Phường hiện có 1 hợp tác xã, 6 tổ hợp tác sản xuất, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 80-90 triệu đồng/ha/năm, đóng góp vào giá trị tăng trưởng về kinh tế cho phường và thành phố”.

Nông dân ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt trồng hoa

Chỉ tay vào nhà lưới, nông dân Hồ Tấn Phong (ngụ khóm Châu Long 8, phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc) phấn khởi cho biết: “Được sự hỗ trợ của nhà nước, hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp và với hơn 40 năm kinh nghiệm làm nông, việc ƯDCNC vào sản xuất đã giúp tôi nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tăng lợi nhuận… Điều tôi vui mừng là mình đã cung cấp cho người tiêu dùng những nông sản sạch. Mô hình “đa canh ứng dụng công nghệ cao tạo cảnh quan phục vụ du lịch” của tôi còn góp phần làm đa dạng sản phẩm du lịch của thành phố”.

Xây dựng nền nông nghiệp đô thị hiện đại

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2020 và những năm tiếp theo, TP. Châu Đốc tiếp tục đẩy mạnh ƯDCNC vào sản xuất nông nghiệp. Phó Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Nguyễn Trung Thành cho biết: “Thời gian tới, quan điểm phát triển NNƯDCNC của địa phương phải gắn với thị trường, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững bảo vệ môi trường và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phù hợp với chủ trương, chiến lược và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc ƯDCNC được triển khai đồng bộ và hiệu quả trên các yếu tố có mối quan hệ với nhau: thị trường tiêu thụ, quy hoạch vùng và sản phẩm; lựa chọn công nghệ; đào tạo và thu hút nguồn nhân lực”. Theo đó, tiếp tục duy trì, củng cố, mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn. Hỗ trợ nông dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Tập trung sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, như: lúa, nếp, rau màu các loại, xoài VietGAP, chuối cấy mô, cá giống chất lượng cao...

Tiếp tục nhân rộng mô hình trồng các loại rau màu, hoa kiểng, cây ăn trái kết hợp du lịch, nuôi các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao phục vụ nhân dân địa phương và khách tham quan, du lịch. Tăng cường mở rộng, kêu gọi các công ty, doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần ổn định sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân. Chủ động sản xuất nguồn rau an toàn, củ, quả, trái cây tại chỗ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho sức khỏe của cộng đồng.

Song song đó, hỗ trợ nông dân việc duy trì quy trình sản xuất, kiểm định rau màu; thực hiện chính sách ưu đãi đối với sản xuất nông nghiệp; tìm thị trường tiêu thụ. Tăng cường sản xuất, quản lý chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản, vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông - lâm - thủy sản trên địa bàn. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường xung quanh, nhất là sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn chất lượng, vì sức khỏe người tiêu dùng, kết hợp phục vụ du lịch sinh thái... Qua đó, TP. Châu Đốc hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững, có hàm lượng chất xám cao, công nghệ hiện đại.

THU THẢO