Nhiều HTX hoạt động hiệu quả
Thời gian qua, trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Châu Phú đã có nhiều HTX, THT được thành lập và phát triển, giúp nông dân liên kết để chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phát triển thành sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, hiệu quả. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đưa cơ giới hóa vào sản xuất; nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; gia tăng giá trị sản phẩm thu hoạch và thu nhập cho nông dân.
Nghề nuôi ếch xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú) được hình thành cách đây hơn 20 năm. Từ vài hộ riêng lẻ, nghề dần phát triển, thu hút đông đảo nông dân tham gia. Trên đà phát triển, năm 2021, HTX Thương mại và dịch vụ chăn nuôi ếch Khánh Hòa được thành lập, đánh dấu bước phát triển mới phong trào chăn nuôi ếch của địa phương.
Phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác giúp nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống
Lúc mới thành lập, HTX có 10 thành viên. Đến nay, số lượng thành viên đã phát triển lên 30 người, canh tác trên 3ha mặt nước. Tham gia HTX, các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác; tìm kiếm, mở rộng thị trường... nên việc chăn nuôi ngày càng thuận lợi, thu nhập của thành viên tăng cao.
Ông Trần Minh Hải (Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Thương mại và dịch vụ chăn nuôi ếch Khánh Hòa) cho biết, thành viên canh tác chủ yếu giống ếch Thái Lan. Thời gian nuôi từ 2 - 2,5 tháng, năng suất bình quân từ 500kg/bể (diện tích mỗi bể 20m2). Mỗi vụ thu hoạch, sau khi trừ chi phí, mỗi thành viên trong HTX thu về lợi nhuận khoảng 4 triệu đồng/bể.
Với quy trình chăn nuôi khép kín, thành viên chủ động sản xuất con giống chất lượng; được cung cấp thức ăn chăn nuôi; thu mua ếch thương phẩm nên hoạt động sản xuất gặp nhiều thuận lợi. Đặc biệt, ếch thương phẩm của HTX được kiểm định chất lượng kháng sinh, phù hợp yêu cầu xuất khẩu.
Ông Hải cho biết, quá trình canh tác, thành viên tuân thủ quy định về kháng sinh, chỉ sử dụng khi thật sự cần thiết để điều trị bệnh cho ếch; không được dùng trước thu hoạch 15 ngày. Nguồn nước được xử lý trước khi bơm vào bể, được thay mỗi ngày nên ếch ít bị bệnh, hạn chế sử dụng chất kháng sinh. Ngoài ra, nước thải được bơm vào ao, hầm nuôi cá, ít ô nhiễm môi trường.
Đến nay, toàn huyện Châu Phú có 29 HTX. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 44 THT hoạt động lĩnh vực nông nghiệp, trong đó: 29 THT cung cấp dịch vụ bơm tưới; 15 THT cây ăn trái, chăn nuôi, trồng nấm.
Phát triển kinh tế tập thể
Dù số lượng các loại hình kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Châu Phú đáng kể, tuy nhiên, nhiều THT, HTX hoạt động chưa hiệu quả. Trong số 29 HTX có 11 đạt loại khá, 7 trung bình, 7 yếu (2 HTX chưa đánh giá và 2 HTX dừng hoạt động). Mặt khác, có 17 THT được xếp loại khá, 10 xếp loại trung bình, 8 xếp loại yếu (9 THT mới thành lập dưới 6 tháng, không có đánh giá).
Trước tình hình hoạt động của HTX, THT nêu trên, UBND huyện Châu Phú đã xây dựng kế hoạch thành lập mới và triển khai các giải pháp củng cố, nâng chất các loại hình kinh tế tập thể.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú Nguyễn Thị Ngọc Lan, kế hoạch nhằm giúp các HTX, THT hoạt động tốt hơn, củng cố nhân sự điều hành, đảm bảo đủ trình độ về quản lý hoạt động. Xây dựng lại phương án sản xuất - kinh doanh; tổ chức lại sản xuất, thực hiện chuỗi liên kết rau màu, “Cánh đồng lớn”... Kế hoạch còn hướng đến mục tiêu tập hợp, hỗ trợ thành viên và nông dân khắc phục khó khăn; giảm chi phí trong sản xuất - kinh doanh; tăng lợi nhuận, tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương. Đồng thời, giúp thành viên và nông dân ở nông thôn có thu nhập ổn định, góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới.
Theo kế hoạch, năm 2024, huyện Châu Phú sẽ thành lập mới 3 HTX ở các xã: Bình Long, Bình Mỹ và Vĩnh Thạnh Trung. Thành lập mới 59 THT; bình quân mỗi xã, thị trấn 4 THT, như: THT làm dịch vụ bơm tưới, tiêu; liên kết tiêu thụ sản phẩm, trồng cây ăn trái, nấm, ươm cây giống rau màu và các mô hình chăn nuôi…
Để thực hiện mục tiêu trên, UBND huyện Châu phú yêu cầu các phòng, ban, địa phương… củng cố hoạt động; hoàn thiện trình tự thủ tục giải thể; giải thể tự nguyện; chấm dứt hợp đồng đối với các HTX, THT yếu kém. Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền Nghị quyết của Đảng, pháp luật và chính sách của Nhà nước; giới thiệu về mô hình HTX điển hình, sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Bên cạnh đó, tuyên truyền về quyền, lợi ích và nghĩa vụ của nông dân khi tham gia góp vốn làm thành viên HTX; các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với nông dân tham gia các loại hình liên kết... Đồng thời, tổ chức tập huấn nâng cao về kỹ năng chỉ đạo, quản lý và hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể cho Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, HTX huyện, xã, thị trấn…
ĐỨC TOÀN