Đặc sản nhãn xuồng cơm vàng
Những mâm nhãn xuồng cơm vàng được người dân bày bán dọc 2 bên tuyến Quốc lộ 91 thuộc xã Mỹ Đức báo hiệu mùa thu hoạch nhãn tại 2 xã Khánh Hòa, Mỹ Đức bắt đầu. Chị Phan Hồng Yến (người bán nhãn xuồng cơm vàng trên tuyến Quốc lộ 91 đoạn xã Mỹ Đức) cho biết: “Nhãn xuồng bán ở đây được “lấy” từ các nhà vườn trồng nhãn tại địa phương, rồi bán lại cho khách đi đường. Từ đầu vụ đến nay, mỗi ngày tôi bán được trên 20kg nhãn xuồng cơm vàng cho khách tham quan, hành hương đi qua tuyến đường này. Mặc dù nhãn đầu mùa có giá hơi cao (khoảng 80.000-90.000 đồng/kg) nhưng vẫn được khách hàng ưa chuộng nên bán rất chạy”.
Rời Quốc lộ 91, tôi men theo con đường rợp bóng cây thuộc ấp Khánh An (xã Khánh Hòa) tìm đến một số vườn nhãn của người dân để được mục sở thị những gốc nhãn đang mùa thu hoạch. Là nhà vườn có gần 30 năm kinh nghiệm trồng cây nhãn, ông Nguyễn Văn Vinh (sinh năm 1947) nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm canh tác nhãn của gia đình: “Nhãn là loại cây dễ trồng, ít bị sâu bệnh nên không phải tốn nhiều phân, thuốc. Vào tháng 2, tháng 3 (âm lịch) hàng năm là thời điểm cây nhãn bắt đầu trổ bông, giai đoạn này chỉ cần phun vài đợt thuốc để cây đậu trái là xong. Đến tháng 5 là nhãn đủ độ lớn để thu hoạch dần, khoảng đầu tháng 8 là cuối vụ. Sau mỗi vụ, tôi sửa cây, tưới nước rồi bón phân, phun thuốc dưỡng cho cây ra lá, sau đó ngưng nước cho đến mùa nắng năm sau bắt đầu tưới lại để cây trổ bông cho vụ mùa mới”.
Ông Vinh cho biết, thông thường nhãn chỉ trồng khoảng 1 năm, khi cây “phát lên” là bắt đầu ra bông cho trái, nhưng hầu hết các nhà vườn sẽ cắt bỏ đợt bông đầu tiên để cây có sức tiếp tục phát triển. Đến năm thứ 2 hoặc thứ 3 mới “nuôi” bông ra trái và thu hoạch. Tùy điều kiện thời tiết và tuổi đời của cây mà mỗi gốc nhãn có thể cho trái từ vài chục đến trên 100kg/vụ. Chỉ tay về phía cây nhãn nằm ở góc sân nhà, ông Vinh cho biết: “Cây nhãn này trồng được 4 năm, nó là cây mới nhưng năm vừa rồi thu hoạch khoảng 50kg trái, năm nay gặp phải đợt nắng nóng đầu năm nên trái không nhiều như năm trước, nhưng cũng hái được khoảng 30kg trái. Trồng nhãn có cái lợi là vậy, khi thất mùa thì chỉ ít trái hơn, chứ không bị “trắng cây” như những loại khác”. Từ đầu vụ đến nay, gia đình ông Vinh cân nhãn cho bạn hàng với giá từ 65.000-70.000 đồng/kg, cao hơn giá bán mùa nhãn năm trước khoảng 10.000-15.000 đồng/kg.
Vườn nhãn nhà ông Nguyễn Văn Vinh vào mùa thu hoạch
Hỗ trợ phát triển
Trên địa bàn xã Khánh Hòa hiện có trên 70ha diện tích trồng nhãn, trong đó có nhiều vườn tuổi đời trên 10 năm. Để thay đổi tập quán canh tác truyền thống, hướng đến sản xuất theo hướng ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định, UBND xã Khánh Hòa đã thành lập Tổ hợp tác nhãn xuồng Khánh Hòa, với 25 hộ dân canh tác nhãn trên địa bàn xã tham gia. Tổ hợp tác đã tập huấn cho nông dân kỹ thuật trồng nhãn, quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn sản phẩm, nhằm hướng đến việc đăng ký mã vạch cho sản phẩm. Đặc biệt, để phát triển quy mô, nâng diện tích trồng nhãn tại xã Khánh Hòa, ngành nông nghiệp huyện Châu Phú từng bước triển khai xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nhãn xuồng ứng dụng công nghệ cao tại xã Khánh Hòa, với quy mô trên 170ha. Khi dự án hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi, phục vụ vùng sản xuất nhãn xuồng cơm vàng theo hướng tập trung và đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, mở ra hướng đi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm nhãn xuồng cơm vàng của bà con nông dân.
Với hơn 11ha diện tích trồng nhãn, xã Mỹ Đức là địa phương có diện tích trồng nhãn nhiều thứ 2 tại huyện Châu Phú. Vừa qua, có 10 hộ dân trồng nhãn tại các ấp: Mỹ Hòa, Mỹ Phó, Mỹ Thạnh được giải ngân nguồn vốn từ Dự án trồng và chăm sóc nhãn xuồng Mỹ Đức, với tổng số tiền 400 triệu đồng, trích từ quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương. Hoạt động nhằm tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận nguồn vốn để cải tạo, phát triển vườn nhãn xuồng của gia đình, góp phần thực hiện tốt chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương.
MỸ LINH