Châu Thành phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững

28/08/2023 - 05:19

 - Từ nhiệm vụ cụ thể, giải pháp tập trung, quyết liệt, ngành nông nghiệp huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) đạt nhiều kết quả trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành Nguyễn Phạm Tuấn cho biết: “Xác định sản xuất nông nghiệp là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, huyện chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai nhiều giải pháp, nhằm đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững.

Trong đó, công tác tuyên truyền được quan tâm, triển khai đồng bộ ngay từ đầu, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và rộng khắp. Qua đó, góp phần đáng kể nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, Nhân dân về tái cơ cấu nông nghiệp, từng bước thay đổi tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún sang phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn”.

Các ngành chức năng, địa phương đẩy mạnh liên kết sản xuất, mô hình kinh tế tập thể, phát huy mô hình đặc thù kinh tế nông nghiệp tiêu biểu. Huyện khuyến khích tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp (DN) đầu tư, hỗ trợ nhân rộng mô hình tiềm năng phát triển sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; củng cố, nâng cao năng lực hợp tác xã và tổ hợp tác tại vùng quy hoạch sản xuất, hình thành liên kết phục vụ chuỗi sản xuất…

Dù phải đối mặt với thời tiết bất lợi, dịch bệnh, nhưng với sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác (theo giá hiện hành) gần 237 triệu đồng; hệ số sử dụng đất là 2,83 lần. 6 tháng đầu năm 2023, tổng diện tích xuống giống lúa 55.530ha. Trong đó, tổng diện tích sản xuất lúa được ứng dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng” chiếm 96,4% diện tích xuống giống; “1 phải, 5 giảm” chiếm hơn 64%.

Thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Châu Thành từng bước xây dựng vùng chuyên canh sản xuất tập trung, với những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp và thích ứng biến đổi khí hậu. Diện tích chuyển đổi sang cây ăn trái, rau màu trong 6 tháng đầu năm gần 840ha (trên 807ha rau màu).

Xuất hiện một số mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, được địa phương duy trì và nhân rộng, như: Ứng dụng hệ thống tưới phun tự động bằng pin năng lượng mặt trời phục vụ trồng cây ăn trái; trồng nấm rơm dạng trụ và tận dụng phụ phẩm sau trồng nấm để ủ phân hữu cơ; canh tác lúa thông minh, ứng dụng bón lót, phun giống, thuốc bằng máy bay không người lái (drone); trồng dưa hấu theo hướng hữu cơ; ứng dụng chế phẩm sinh học và thảo dược trong nuôi dê; nuôi cá chạch lấu trong mùng. Qua đó, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm và tăng thu nhập.

Đổi mới tư duy sản xuất, nâng cao thu nhập nông dân

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông Trần Văn Thủy (ngụ ấp Vĩnh Hòa 1, xã Vĩnh Nhuận) thành công với mô hình trồng sầu riêng, mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Ông Thủy cho biết: “Nhờ chính quyền địa phương tạo điều kiện, giúp đỡ, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăm sóc kết hợp tham quan các mô hình trồng cây ăn trái hiệu quả, tôi mạnh dạn trồng hơn 1ha sầu riêng. Ngoài ra, tôi còn “lấy ngắn nuôi dài”, trồng thêm cây hạnh và các loại rau ăn lá để tăng thu nhập”.

Không chỉ tận dụng ủ rơm trồng nấm, ông Trần Văn Thanh Tuyền (ấp Tân Thành, xã Vĩnh Thành)  sử dụng rơm rạ sau thu hoạch lúa (hoặc rơm sau khi trồng nấm) ủ thành phân hữu cơ sinh học, bón cho cây trồng. Cách làm này góp phần giảm giá thành sản xuất, hạn chế việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường. Với 2 trại trồng nấm rơm dạng trụ (40m2/trại), ông Tuyền thu nhập từ 36 - 40 triệu đồng/năm.

"Nhờ sự hỗ trợ của khoa học - kỹ thuật, việc trồng nấm rơm khá đơn giản, quy trình xử lý rơm, xử lý vi khuẩn nhà trồng nấm được rút ngắn đáng kể, hiệu quả kinh tế cao gấp đôi so trồng nấm rơm ngoài trời. Thị trường nấm rơm tiêu thụ rộng, giá cả ổn định nên người trồng rất yên tâm” - ông Tuyền chia sẻ.

Ông Nguyễn Phạm Tuấn thông tin, thời gian tới, huyện Châu Thành sẽ tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với việc khai thác và tận dụng tốt lợi thế địa phương để phát triển nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học - công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh.

Đặc biệt, tập trung phát triển kinh tế tập thể; kinh tế trang trại; phát huy hiệu quả, sử dụng chế phẩm vật tư nông nghiệp thân thiện môi trường; đảm bảo nguồn giống tốt để sản xuất. Ngoài ra, phối hợp chính quyền địa phương và DN tăng cường liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

TRUNG HIẾU