Cháy mãi ngọn lửa Gạc Ma

15/03/2018 - 14:53

500 cựu binh Trường Sa của 09 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã hội tụ về thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên trong ngày 14-3, kỷ niệm 30 năm ngày “Sự kiện Gạc ma”. Trong nước mắt, nụ cười của ngày gặp mặt, câu chuyện của những người từng mặc áo lính bảo vệ Trường Sa 30 năm trước cứ dội trong lòng người nghe cảm xúc dâng trào.

Cựu binh Trường Sa tưởng niệm đồng đội hy sinh ở Gạc Ma. Ảnh: Phương Oanh

Sống mãi tuổi 20

Gác lại những tất bật lo toan của cuộc mưu sinh, với những cựu binh Trường Sa, gặp nhau trong ngày kỷ niệm này, chỉ có tình đồng đội và tuổi hai mươi trong sáng mà hào hùng.

Trong niềm xúc động dâng trào, những cựu binh Trường Sa đã siết chặt tay, choàng vai, ôm nhau, cùng hát cho nhau nghe những bài hát về Trường Sa, về biển, kể những câu chuyện về đảo chìm, đảo nổi ở Trường Sa, về những năm tháng gian khổ mà kiên cường cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ biển, đảo Tổ quốc.

Với cựu binh Nguyễn Lê Bắc, chiến sỹ thuộc Lữ đoàn 146 có mặt ở đảo Song Tử Tây, đó là ký ức một thời trai trẻ, được sống với không gian thoáng đãng giữa trùng dương, hít thở mùi tanh, vị mặn nồng của biển mà thèm được thấy bóng dáng một người con gái. “Nhớ những bữa cơm giữa mùa khô cứ thèm một đĩa rau xanh để chấm nước mắm đông cô”, hay “ao ước có thêm một ca nước ngọt ngoài tiêu chuẩn để tráng lại mình cho đỡ rít sau mỗi buổi chiều tắm biển” - anh Bắc nhớ lại.

Chống cây nạng để về với đồng đội trong ngày gặp mặt, anh Trần Văn Hùng, người thương binh đã để lại một chân ở Trường Sa bây giờ chính là người lưu giữ nhiều nhất những kỷ niệm hồn nhiên của một thời tuổi hai mươi giữ đảo. Anh Hùng kể: “Cứ ba tháng, có tàu chở hàng từ đất liền ra, mang theo những lá thư của học sinh các trường học trong đất liền viết gửi, anh em chúng tôi chuyền nhau, đọc đi, đọc lại đến nỗi tờ giấy bị nát, chữ mờ hết. Vậy mà, mỗi lần đọc là thấy vui, như cảm nhận được hơi ấm từ đất liền gửi ra”.

Về với những người đồng đội, ông Nguyễn Hồng Sơn cùng nhiều cựu binh Trường Sa đã xúc động, nghẹn ngào khi được gặp lại người con gái Thiếu úy Trần Thị Thủy và cháu ngoại của anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương, người đồng đội của mình đã ngã xuống trong trận Gạc Ma 30 năm trước. Ngày ấy, anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương ngã xuống mà không hề biết vợ anh đã có thai hơn một tháng. Và sau đó, đứa con gái duy nhất của anh đã lớn lên mà chưa một lần được nhìn thấy và gọi tiếng cha.

Khúc ca bi tráng 14-3

30 năm đã trôi qua kể từ sự kiện 14-3-1988, hình ảnh những người lính sát cánh bên nhau, tạo thành vòng tròn bảo vệ cờ Tổ quốc trên bãi đá Gạc Ma đã trở thành tượng đài bất tử trong lòng dân tộc. Nhiều người dự buổi gặp mặt đã không cầm được nước mắt khi được xem đoạn phim trình chiếu lại, kết nối câu chuyện lịch sử để có một hình dung rõ nét về trận chiến bi hùng của những người lính Trường Sa ngày ấy...

Lúc 17 giờ ngày 13-3-1988, lực lượng công binh của ta bốc dỡ vật liệu xây dựng, hàng hóa từ tàu vận tải HQ604 xuống đảo chìm Gạc Ma. Đại úy Vũ Phi Trừ, thuyền trưởng tàu HQ-604, nhận được lệnh khẩn trương chuyển vật liệu xây dựng lên đảo Gạc Ma để đặt mốc chủ quyền đúng vào lúc 0 giờ ngày 14-3. Thực hiện đúng mệnh lệnh này, cờ Tổ quốc và cột mốc chủ quyền đã được đặt lên đảo.

Đến 5 giờ sáng, các chiến sĩ của ta bị tấn công. Thiếu úy Phương trúng đạn nhưng lập tức nhiều đồng đội của anh đã chạy lên hỗ trợ giữ cờ. Dù bị bắn trọng thương, anh Phương vẫn cố ngoi lên mặt nước, tay luôn giữ chặt lá cờ, và nói như ra lệnh: “Thà hy sinh chứ không thể để mất đảo, hãy để máu chúng ta tô thắm lá cờ Tổ quốc”. Cứ thế, thấy người trước ngã xuống, người sau tiếp tục lao tới tự biến mình thành cột cờ sống trên biển. Trong cuộc đụng độ không cân sức trên đảo chìm Gạc Ma, Thiếu úy Phương cùng 64 đồng đội đã ngã xuống.

Thời gian trôi qua, khá nhiều đổi thay trong cuộc đời, song câu chuyện về những năm tháng sống giữa Trường Sa, từng tận mắt chứng kiến cảnh đồng đội mình nằm xuống trong ngày 14-3 vẫn sống mãi trong ký ức cựu binh Nguyễn Xuân Hồng, lúc đó là Đại đội phó Đại đội Phòng không ở đảo Sinh Tồn thuộc lữ đoàn 146.

Anh Hồng kể, sáng sớm 14-3-1988, như mọi ngày, tiếng kẻng báo thức vang lên trên đảo Sinh Tồn, cán bộ, chiến sỹ trên đảo thức dậy tập thể dục. Nhưng rồi nếp sinh hoạt ấy bị phá vỡ khi từ đồi quan sát, trinh sát báo rằng ngoài biển có mục tiêu rất lạ. Lính đảo lập tức lên các điểm cao, dõi mắt ra khơi. Cựu chiến binh Trường Sa Nguyễn Xuân Hồng cho biết, anh và đồng đội nghe có tiếng đạn pháo kèm những cột khói đạn từ phía cụm đảo Len Đao, Cô Lin và Gạc Ma bốc lên....

Các cựu binh Trường Sa xúc động khi gặp lại con gái và cháu ngoại anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương, người đồng đội đã hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma 30 năm trước. Ảnh: Phương Oanh

Anh Hồng kể tiếp, khoảng 8 giờ sáng, chúng tôi nhận lệnh từ chỉ huy, bơi xuồng về phía các cụm đảo để hỗ trợ, cứu chữa anh em. Từ đảo Sinh Tồn, anh em chúng tôi thả những chiếc xuồng dây, bơi về phía cụm đảo này. Tuy gần nhất so với các đảo khác, song khoảng cách từ đảo Sinh Tồn đến cụm đảo này đến 17 cây số.

Rất sốt ruột, chúng tôi cố hết sức quạt mái chèo để đến nơi nhanh nhất. 3 giờ chiều, xuồng đến gần Gạc Ma, chúng tôi nhìn thấy một vùng máu đỏ loang khắp mặt biển quanh bãi đá mà nhói lòng. Một số xuồng của đồng đội đi tìm, vớt anh em bị thương đang trôi lênh đênh trên biển. Xuồng chúng tôi cập vào bãi đá ngầm Cô Lin, đón một số anh em thương binh và đưa thi thể Thiếu úy Trần Văn Phương (trước đó được đồng đội tàu HQ 505 chuyển từ bãi Gạc Ma sang) về đảo Sinh Tồn. Anh em chúng tôi vừa bơi, vừa chèo, thay nhau đẩy xuồng. 9 giờ đêm, xuồng về đến đảo Sinh Tồn.

Giọng chùng xuống, người cựu binh Trường Sa kể chuyện trong nghẹn ngào: “Đâu có sự chuẩn bị trước cho một cuộc tiễn đưa người đồng đội. Chúng tôi đắp mộ cho anh rồi đứng lặng xung quanh. Anh em ai cũng nhói lòng, giữa trùng dương, không có nén nhang đốt lên cho ấm cúng. Vậy rồi, có đồng đội bẻ mấy nhánh san hô, đem vào cắm lên trên mộ, như thay cho hoa. Gió mùa Đông Bắc rất mạnh, tiếng sóng biển vỗ vào gành san hô ầm ào. Không ai nói được lời nào, tất cả nghẹn lại trong nổi thương nhớ người đồng đội. Đó cũng là lúc quyết tâm giữ đảo trong những người lính chúng tôi mạnh mẽ hơn bao giờ”.

Theo PHƯƠNG OANH (Báo Biên Phòng)