Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh An Giang nỗ lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2024

14/10/2024 - 16:16

 - 9 tháng của năm 2024, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh An Giang đã tập trung chỉ đạo toàn diện các mặt hoạt động, kịp thời giải ngân, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh của hộ nghèo, , cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Qua đó, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới, góp phần ngăn chặn tình trạng “tín dụng đen” trên địa bàn.

Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh An Giang Nguyễn Anh Tuấn báo cáo kết quả hoạt động 9 tháng của năm 2024

Chủ trì hội nghị sơ kết kết quả hoạt động 9 tháng của năm 2024

Người dân đến làm thủ tục vay vốn tại điểm giao dịch xã

Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh An Giang Nguyễn Anh Tuấn cho biết,  9 tháng của năm 2024, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh An Giang đã bám sát chỉ đạo của Ban Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH, các ban chuyên môn nghiệp vụ Hội sở chính, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị  - xã hội nhận ủy thác; cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp… tập trung chỉ đạo toàn diện các mặt hoạt động. Đến ngày 30/9/2024, tổng nguồn vốn đạt 5.404,4 tỷ đồng, tăng 407,4 tỷ đồng so với năm 2023, tỷ lệ tăng trưởng 8,15%. Nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương là 351,2 tỷ đồng; tăng 51,8 tỷ đồng đạt 172,7% kế hoạch giao năm 2024 và chiếm 6,50% tổng nguồn vốn.

Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh An Giang đã kịp thời triển khai phân giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng cho các Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, thị xã, thành phố để tổ chức thực hiện. Kế hoạch tăng trưởng dư nợ được ưu tiên tập trung ở một số chương trình tín dụng cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Các đơn vị đã chủ động tham mưu Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH các cấp phân giao chỉ tiêu kế hoạch, chỉ đạo sát sao công tác tổ chức giải ngân, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng chính sách tại địa phương.

Đến 30/9/2024, tổng doanh số cho vay đạt 1.283,4 tỷ đồng, với 26.809 lượt khách hàng vay vốn; so với cùng kỳ năm 2023, doanh số cho vay tăng 373,1 tỷ đồng (+40,9%). Tổng doanh số thu nợ đạt 867,8 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2023 doanh số thu tăng 331,5 tỷ đồng (+61,8%). Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh An Giang đang thực hiện cho vay 20 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 5.399,6 tỷ đồng, tăng 409,8 tỷ đồng (+8,21%), hoàn thành 88,76% kế hoạch Trung ương giao, với 149.533 khách hàng còn dư nợ.

9 tháng qua, vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp cho 26.809 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính khác được vay vốn, góp phần tạo việc làm cho 4.453 lao động tại địa phương, giúp trang trải chi phí học tập cho 1.138 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; giúp cho 147 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đồng thời, giải ngân cho 11.812 lượt hộ vay vốn để xây dựng, sửa chữa công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn... Qua đó, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới, góp phần ngăn chặn tình trạng “tín dụng đen” trên địa bàn.

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh An Giang Trần Thế Loan đề nghị, 3 tháng cuối năm 2024, các phòng chuyên môn thuộc chi nhánh và các phòng giao dịch huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai thực hiện kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2024 được giao. Đặc biệt, rà soát danh sách hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo đủ điều kiện có nhu cầu để giải ngân kịp thời khi được giao chỉ tiêu bổ sung; xây dựng kế hoạch giảm số hộ, nâng mức cho vay các chương trình, đảm bảo đầu tư vốn hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, từng bước nâng mức dư nợ bình quân/hộ. Tập trung tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương năm 2024 (đối với những đơn vị chưa đạt chỉ tiêu được giao) và năm 2025 sang Ngân hàng CSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng. Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác thu hồi nợ, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, đặc biệt là nợ khoanh đến hạn; kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn. Ngoài ra, phân tích nguyên nhân và củng cố các Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại trung bình, yếu, lãi tồn đọng, tỷ lệ nợ quá hạn cao, nâng cao dư nợ đối với những tổ có dư nợ thấp. Đặc biệt, đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay…

TRUNG HIẾU