Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga chia sẻ thông tin về quá trình phát triển của Việt Nam hiện nay. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Tại sự kiện, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Phương Nga bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân Việt Nam đối với sự ủng hộ, giúp đỡ hết sức quý báu mà Hội đồng Hòa bình thế giới và bạn bè quốc tế đã dành cho nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do, hòa bình, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Chia sẻ thông tin về quá trình phát triển của Việt Nam hiện nay, Đại sứ Nguyễn Phương Nga cho biết, trải qua 35 năm Đổi mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử: Kinh tế - xã hội ổn định, ngày càng phát triển, đời sống của nhân dân được cải thiện, nâng cao rõ rệt cả về mức sống và chất lượng cuộc sống. Hệ thống chính trị được xây dựng, củng cố vững mạnh; an ninh quốc phòng được giữ vững, tăng cường; đối ngoại, hội nhập quốc tế không ngừng mở rộng, vai trò, vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao.
Thu nhập bình quân đầu người hơn 3.700 USD năm 2021; quy mô thương mại đạt 670 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá cao. Hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cùng xu hướng chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được hình thành và bước đầu phát triển. Đặc biệt, trong 10 tháng năm 2022, Việt Nam đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Trong hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam có quan hệ kinh tế thương mại với 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã có trên 70 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Việt Nam đã tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn rất cao như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA...).
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại và hội nhập quốc tế. Việt Nam đặc biệt chú trọng gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển, không "hy sinh" tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Đến nay, Việt Nam đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, đang tích cực triển khai thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Giáo dục tiếp tục là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Hệ thống tổ chức y tế tiếp tục được kiện toàn. Quy mô, năng lực, chất lượng y tế dự phòng, khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch, chăm sóc sức khỏe nhân dân có bước phát triển, tiếp cận được nhiều kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là trong phòng, chống đại dịch COVID-19. Việc chăm sóc, bảo vệ người khuyết tật và các nhóm yếu thế được quan tâm thực hiện, thông qua việc trợ cấp cho người khuyết tật, xây dựng các cơ sở đào tạo người khuyết tật; quan tâm hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, chăm sóc người cao tuổi.
Việt Nam cũng đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực bình đẳng giới, ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình, có nhiều hình thức và quy định bảo vệ phụ nữ; là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất Mục tiêu Thiên niên kỷ về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ và hiện đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững 2030, trong đó có các mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.
Đại biểu quốc tế tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu được chú trọng, bước đầu đạt kết quả tích cực. Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết của Việt Nam đưa phát thải ròng về "0" vào 2050 và tham gia nhiều sáng kiến, cam kết khác như Cam kết giảm phát thải mê-tan toàn cầu, Cam kết toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch, Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất...
Chia sẻ về chính sách đối ngoại của Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Phương Nga cho biết, Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế của Việt Nam tiếp tục mở rộng và đi vào chiều sâu, tạo khung khổ quan hệ ổn định, bền vững với các đối tác cả ở cấp độ song phương và đa phương, trên cả ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Các tổ chức nhân dân Việt Nam tích cực thiết lập quan hệ với hàng nghìn tổ chức nhân dân và tổ chức phi chính phủ nước ngoài, góp phần tạo nên mạng lưới quan hệ vững chắc, bền chặt với bạn bè truyền thống và các đối tác mới.
Về đường lối phát triển đất nước trong thời gian tới, Việt Nam quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức chống chịu với những biến động bên ngoài và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, chủ động, thực chất, hiệu quả. Mục tiêu tổng quát là phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đến giữa thế kỷ XXI trở thành một nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cụ thể: Đến năm 2025 - kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 - kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam sẽ là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tại sự kiện, các đại biểu đều bày tỏ vui mừng được dự Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới tại Việt Nam, một đất nước hòa bình, ổn định, phát triển. Nhiều đại biểu cho rằng, đây là cơ hội tìm hiểu, học tập những bài học kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình chiến đấu giành độc lập dân tộc, công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.
Trước đó, Đoàn đại biểu dự Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới đã viếng Lăng Bác và thăm quan Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh- Chiến sỹ Hòa bình số 1, Chủ tịch danh dự của Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam (nay là Ủy ban Hòa bình Việt Nam).
Theo TTXVN