Các hụi viên trình bày vụ việc
Đại diện các hụi viên gửi đơn khiếu nại đến Báo An Giang, chị Nguyễn Thị Thiên (sinh năm 1988) trình bày: “Bà Huỳnh Thị M.E (sinh năm 1965) là hàng xóm, quen biết với tôi, có "thâm niên" làm chủ hụi. Được người khác rủ rê, một phần vì hám lợi, 3 người trong gia đình tôi tham gia nhiều đầu hụi của bà. Đến tháng 8-2017, bà M.E tuyên bố vỡ hụi, cho rằng con gái Nguyễn Thị M.L (sinh năm 1989) làm chủ hụi, bà không biết. Tổng số tiền mẹ, anh tôi (Nguyễn Văn Nghĩa) và tôi bị chiếm đoạt gần 500 triệu đồng, trong đó phần của tôi 270 triệu đồng. Anh tôi đã khởi kiện vụ việc ra tòa án. Kết quả xét xử của 2 cấp tòa án vào năm 2018, xác định bà M.E làm chủ hụi thời gian dài, hưởng hoa hồng từ hụi viên mua sắm tài sản và làm ăn. Bản án tranh chấp về “Hợp đồng góp hụi” của tòa án có hiệu lực pháp luật, tuyên buộc bà Huỳnh Thị M.E trả gần 54 triệu đồng cho anh tôi, nhưng đến nay bà vẫn không thực hiện. Từ khi tuyên bố “vỡ hụi”, gia đình bà tìm đủ cách tẩu tán tài sản với hình thức mua, bán, chuyển nhượng, sang tên cho người khác. Nhiều hụi viên đến nhà đòi tiền, nhưng bà không chịu trả, còn thách thức hụi viên đi khiếu nại, tố cáo. Vì bực tức, ngày 10-1-2018, khi thấy chồng bà M.E điều khiển Honda, các hụi viên chặn xe, thông báo công an địa phương đến giải quyết. Vụ việc không được xem xét, ngược lại người có liên quan còn bị xử phạt vi phạm hành chính”.
Bà Kiều Thị Thức (một nạn nhân), cho biết: “Ai cũng biết bà M.E là chủ hụi, sổ hụi ghi tên bà, nhưng đến khi “có sự cố”, bà đổ hết cho con gái mình. Được biết, 1 chân hụi thu tiền đến 2 người, thực chất là hụi khống, hụi ma. Thậm chí, chủ hụi còn tự hốt dây hụi của hụi viên để bán lại cho người khác, rồi nói hụi viên đã hốt. Khi bị phát hiện, nếu chối cãi không được nữa, bà sẽ ghi giấy nhận nợ. Rất nhiều hụi viên “được” nhận giấy này. Bà phân trần rằng người chơi đã hốt hụi mà không chịu đóng hụi chết, nên bà phải ôm nợ. Theo tính toán, số hụi viên bị giật hụi hơn 33 người, số tiền bị chiếm dụng trên 5 tỷ đồng. Người chơi hụi đều ngụ từ tổ 20 đến 30, ấp Hòa Tây A. Riêng nhà tôi có 2 người chơi, 14 dây hụi, tiền bị mất (không tính lời) đến 320 triệu đồng. Tôi sẽ đi đến cùng để đòi lại số tiền này”.
Bà Nguyễn Thị Ghê bức xúc: “Các dây hụi bà M.E tổ chức đều bị “vỡ”, trị giá từ 200.000 đồng/đầu đến 5 triệu đồng/đầu. Các hụi viên hầu hết làm mướn, nhà nghèo khó, dành dụm tiền nuôi hụi để hốt chót kiếm chút lợi nhuận. Tôi chơi nhiều đầu hụi, chuẩn bị hốt chót 1 đầu thì bị bể, tiền mất trên 100 triệu đồng. Bà Trương Thị Kim Hương cùng tương tự, số tiền mất 230 triệu đồng. Các hộ: Nguyễn Thị Lệ, Lê Thị Thắm, Đỗ Thị Kim Nga, Trần Thị Ánh Tuyết, Phan Thanh Tùng, Nguyễn Ngọc Chí, Nguyễn Văn Nghĩa… bị mất từ vài chục đến trên 100 triệu đồng. Hiện nay, nhiều hộ bị giật hụi phải đi xa mưu sinh. Chuyện hụi hè, đòi tiền nóng từng ngày, như ngồi trên đống lửa”.
Khi xảy ra sự việc, anh Nguyễn Văn Tâm đại diện nhiều bà con báo tin tố giác tội phạm đến Công an huyện Thoại Sơn. Ngày 31-5 và 31-7-2018, Công an huyện gửi thông báo kết quả giải quyết nguồn tin báo về tội phạm, quyết định giải quyết khiếu nại về vụ việc. Theo đó: “Bà Nguyễn Thị M.L đã tổ chức chơi hụi với nhiều người, làm chủ hụi nhưng lấy tên mẹ Huỳnh Thị M.E ghi trong sổ hụi. Qua 4 năm chơi hụi, khi nhiều hụi viên đã hốt xong, sau không đóng hụi chết nên chủ hụi mất khả năng thanh toán. Do chưa đủ cơ sở chứng minh bà Huỳnh Thị M.E và Nguyễn Thị M.L dùng thủ đoạn lừa đảo để chiếm đoạt tiền của các hụi viên, nên hành vi không cấu thành tội phạm, không khởi tố vụ án hình sự theo quy định”.
Nói về vụ việc, một cán bộ lãnh đạo địa phương (xin giấu tên) cho biết. “Nạn hụi hè ở đây xảy ra đã lâu, chính quyền khuyến cáo không tham gia hoạt động dễ mất tiền này, nhưng bà con vẫn lao vào. Nay tiền mất tật mang, tình hàng xóm sứt mẻ vì hụi. Việc lấy lại tiền đã mất không dễ. Khó xử lý hình sự các chủ hụi, do họ tìm mọi cách “đối phó” với pháp luật. Trước khi tuyên bố vỡ hụi, họ sẵn sàng ghi giấy nợ, không bỏ trốn khỏi địa phương nhưng âm thầm chuyển quyền sở hữu tài sản cho người thân. Sau khi có phán quyết của tòa án, tài sản đâu còn để thi hành án! Qua sự cố này, mong bà con từ bỏ vấn nạn nguy hiểm này”.
Luật sư Trần Văn Sáu, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh An Giang cho biết: “Theo Luật Dân sự hiện hành, hụi là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán, trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau, cùng định ra số người, số tiền, thời gian, thể thức góp, lãnh, hốt hụi, quyền và nghĩa vụ của các thành viên. Pháp luật nghiêm cấm việc tổ chức hụi để cho vay nặng lãi, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm hoặc các hành vi trái pháp luật khác. Nếu có đủ cơ sở xác định các hành vi nói trên, cơ quan chức năng sẽ khởi tố vụ án hình sự. Trường hợp chủ hụi tuyên bố bị vỡ nợ, các hụi viên thương lượng, thỏa thuận, tìm phương án xử lý. Nếu không tìm được tiếng nói chung, cần khởi kiện ra tòa án để xem xét, phán quyết”.
Bài, ảnh: N.R