Chiến lược xúc tiến thương mại của An Giang

07/03/2022 - 03:37

 - Theo Chương trình xúc tiến thương mại vừa được UBND tỉnh ban hành, đến năm 2025, kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực ĐBSCL và đạt mức trung bình cả nước. Để làm được điều đó, tỉnh đẩy mạnh sức tiêu thụ hàng hóa, giữ vững ổn định thị trường, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp (DN) mở rộng thị phần tiêu thụ nội địa, đa dạng kênh phân phối; khai thác thế mạnh kinh tế biên giới, gia tăng lưu lượng hàng hóa xuất khẩu.

Đa dạng hóa thị trường

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, năm 2022 tỉnh đặt mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa theo hướng đa dạng hóa thị trường, chú trọng mặt hàng chủ lực và tiềm năng, giữ vững thị trường truyền thống. Hỗ trợ DN triển khai dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ theo hướng chuỗi giá trị, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng giá trị xuất khẩu mặt hàng chủ lực của tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại thông qua thương mại điện tử, nền tảng số, trí tuệ nhân tạo, ứng dụng công nghệ 4.0 để hỗ trợ DN tăng cường cơ hội tiếp cận thị trường.

Để đạt mục tiêu, tỉnh đẩy mạnh xuất khẩu tăng kim ngạch 10-12% vào thị trường truyền thống Châu Á (ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan); Liên minh Châu Âu (EU), Nga, Đông Âu; Tây Á (UAE, Ả-rập Xê-út, Israel); Châu Phi; Hoa Kỳ và Mỹ La-tinh đối với mặt hàng gạo, thủy sản, rau quả. Đối với thị trường, như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, EU, Trung Đông, xuất khẩu các mặt hàng gạo cao cấp, thủy sản giá trị gia tăng, chất lượng cao, rau quả an toàn.

Tăng cường quan hệ hợp tác giữa An Giang và Hàn Quốc

Đối với thị trường trong nước, biên giới, tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến thị trường trọng điểm TP. Hồ Chí Minh, miền Trung, Tây Nguyên, Hà Nội cho các mặt hàng rau củ quả, thủy sản tươi sống, thực phẩm, đồ uống đến với người tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng trên 15%/năm. Phát triển thị trường biên giới Campuchia - Lào - Trung Quốc để tạo thuận lợi cho xuất khẩu.

 Trong xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương, đối với các mặt hàng chủ lực (lúa gạo, thủy sản, trái cây, rau màu), tỉnh tích cực tham gia xúc tiến thương mại tại các thị trường truyền thống, như: Gạo tập trung thị trường Châu Á, Châu Phi, Malaysia, Mexico; thủy sản tập trung vào thị trường EU, Brazil, Trung Quốc, Hàn Quốc; rau quả, trái cây duy trì thị trường Châu Âu, Hoa Kỳ. Trong đó, ưu tiên xúc tiến thị trường Trung Quốc, Campuchia bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp.

UBND tỉnh An Giang sẽ hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường cao cấp. Đồng thời, chủ động tiếp cận, mời đoàn DN, như: EU, Trung Đông, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông… tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh và hợp tác với DN tỉnh tiêu thụ thủy sản, lúa gạo, rau quả. Tổ chức và hỗ trợ DN tham gia hội chợ nước ngoài; phối hợp cơ quan, đơn vị của Việt Nam tại các nước kết nối, giao dịch thương mại nước ngoài. Phối hợp tổ chức hoặc tham gia các diễn đàn DN, diễn đàn xuất khẩu do bộ, ngành Trung ương, tổ chức xúc tiến.

Không bỏ ngỏ tiềm năng trong nước

Tỉnh chú trọng  phát  triển  thị  trường  nội  địa (đặc  biệt  là  các  tỉnh  có  nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, thành phố lớn) để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa. Hỗ trợ DN tham gia hội chợ ngoài tỉnh; kết nối giao thương giữa DN An Giang với DN trong và ngoài nước. Phối hợp Trung tâm Xúc tiến thương mại các tỉnh đưa hàng hóa DN An Giang thâm nhập siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối của TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố.

Tăng cường quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại sản phẩm đặc trưng của tỉnh

Khai thác thương mại biên giới, tỉnh duy trì tổ chức 2 hội chợ thương mại quốc tế tại huyện Tịnh Biên và An Phú; hội thảo gắn kết DN, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam - Campuchia; đưa hàng Việt về biên giới… Cùng với  đó, hỗ trợ DN, hợp tác xã, tổ hợp tác ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất - kinh doanh. Quảng bá thương hiệu sản phẩm, thương hiệu DN trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. 

Giải pháp then chốt về cơ chế, chính sách, tỉnh sẽ ban hành quy định hỗ trợ DN; xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại có trọng tâm, trọng điểm theo đối tác, lĩnh vực, ngành nghề, bám sát nghị quyết, chương trình hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; thu hút nhiều nguồn vốn, vận động đóng góp của tổ chức, DN, cá nhân tham gia xúc tiến thương mại. Phát triển đội ngũ cán bộ có đủ năng lực chuyên môn, trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Cùng với đó, tăng cường liên kết, hợp tác, nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại với các tỉnh, thành phố lân cận, thị trường trọng điểm. Lồng ghép xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư và du lịch.

Năm 2021, tỉnh An Giang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao trong thực hiện “mục tiêu kép”, tích cực phối hợp quảng bá môi trường đầu tư, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cũng như đầu tư mở rộng sang địa bàn lân cận. An Giang đã linh hoạt thu hút đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, với 18 dự án đầu tư (17 dự án trong nước), tổng vốn đăng ký 947 tỷ đồng.


Bài, ảnh: HẠNH CHÂU