Chiêu lừa “việc làm thu nhập cao” mùa dịch

27/07/2021 - 07:07

 - Nhắm vào tâm lý và hoàn cảnh của nhiều người đang cần việc làm, thu nhập trong thời điểm dịch bệnh, nhiều “nhà tuyển dụng” đã đưa ra chiêu dụ hấp dẫn về việc làm online, như: không cần vốn, việc nhẹ, không lệ thuộc thời gian, không cần kinh nghiệm, không bằng cấp… Tuy nhiên, thực tế không có “việc nhẹ lương cao”, chỉ ở nhà an nhàn với máy tính, điện thoại mà kiếm được đến vài chục triệu đồng/tháng như lời cam kết.

Chỉ cần tìm kiếm từ khóa “việc làm mùa dịch”, sẽ nhanh chóng có rất nhiều kết quả hội, nhóm, Fanpage liên quan với lượng thành viên tham gia đến hàng ngàn người. Trong đó, ngoài các tin đăng tải của thành viên với tư cách tuyển dụng, rất nhiều cá nhân đăng nhu cầu tìm việc làm, mong muốn có thể làm thêm ở nhà trong thời điểm này để có thu nhập. Chỉ cần bấm nút “like” (thích) vào bài viết bất kỳ, các đối tượng sẽ tự gửi lời mời kết bạn, giới thiệu hàng loạt thông tin “bóng bẩy” về cá nhân và công việc: họ là CEO của tập đoàn lớn, đang tìm đối tác kinh doanh phát triển mở rộng thị trường 3 châu lục, pháp lý đầy đủ…

Đi kèm với đó là “bằng chứng” ảnh chụp màn hình những cá nhân đã và đang làm việc rất hiệu quả, tin nhắn hiển thị tài khoản được chuyển liên tục, các “mẹ bỉm” thành đạt ngồi xe hơi ôm hàng chục cọc tiền chỉ nhờ làm việc online. Nắm bắt đa số người tìm việc là phụ nữ, nhiều bài viết còn “đánh” vào đúng tâm lý: dịch bệnh không có việc làm, ở nhà giãn cách, chỉ thao tác trên điện thoại có thể kiếm rủng rỉnh tiền, hay “phụ nữ thời đại phải tự chủ tài chính”, “phụ nữ không kiếm ra tiền thì mất quyền lên tiếng”…

“Khoe” thành quả thu nhập để thu hút sự chú ý nhưng không nói rõ công việc cụ thể

Rút kinh nghiệm sau khi những hình thức lừa đảo quen thuộc bị truyền thông thông tin, cảnh báo, người đăng bài nhấn mạnh thêm “không phải việc làm gia công dán tem, thêu tranh, xâu chuỗi, làm mi giả”… Điểm qua các công việc phổ biến được “tuyển dụng” hiện nay, nghe có vẻ rất nhàn, chẳng hạn: đọc báo dò lỗi chính tả, xem quảng cáo được trả tiền, đọc email kiếm tiền, viết bình luận, đăng bài viết theo mẫu, làm cộng tác viên cho các trang thương mại điện tử lớn… đổi lại được 7-10 triệu đồng/tháng. Chúng tôi kết nối với một tài khoản có tên P.T, tự xưng là CEO (nhưng không rõ lĩnh vực cụ thể).

Trang cá nhân của T. nhan nhản các bài đăng tuyển dụng và khẳng định bản thân từng thất nghiệp, tìm kiếm việc làm nhiều nơi mới có được công việc ưng ý này. Hầu hết bài viết T. không nói cụ thể việc làm, chỉ đăng lời mời quen thuộc: “Việc làm vốn 0 đồng, miễn phí vĩnh viễn, mỗi ngày kiếm được 300.000 - 850.000 đồng, mình làm 2 ngày được gần 1 triệu đồng rồi, còn ai chưa làm không, liên hệ mình tư vấn ngay”. Đáng nói, những người theo dõi, like bài viết đa số là nick ảo.

Vì dịch bệnh, công ty cắt giảm nhân sự, chị V.T. thất nghiệp hơn 3 tháng nay. Dù không mấy tin tưởng nhưng chị không còn cách nào khác phải tìm kiếm các công việc trực tuyến (online) để xoay sở.

“Tôi được một cá nhân kết bạn và mời tham gia làm tiếp thị liên kết cho các web thương mại lớn của Việt Nam, như: Shopee, Tiki, Lazada, tài chính, bảo hiểm... và hàng chục website thương mại khác. Nhiệm vụ được yêu cầu khá đơn giản, chỉ cần vào các website thương mại copy link sản phẩm rồi dán lên trang Facebook cá nhân, các hội, nhóm, group… mục đích quảng bá sản phẩm và được nhà sản xuất trả hoa hồng. Định kỳ ngày 18-25 hàng tháng, được trả thù lao, thu nhập cam kết từ 10-20 triệu đồng/tháng. Không nghĩ có công việc “dễ ăn” như vậy nên tôi hỏi rất kỹ, người đó chỉ trả lời bằng cách chuyển tiếp các tin nhắn soạn từ trước rồi đề nghị tôi đóng 300.000 đồng để làm thành viên mới được tư vấn” - chị T. cho biết.

Tương tự, khi thấy dòng quảng cáo chỉ cần đăng bài là có tiền triệu, chị H.K.L trao đổi với người tuyển dụng, ngay bước 1, đã yêu cầu đóng 286.000 đồng để được quản trị viên cho vào nhóm “đào tạo chuyên sâu”. Người này nhấn mạnh, đây là phí đào tạo, hỗ trợ, “cầm tay chỉ việc”, nếu không vào nhóm sẽ không biết cách kiếm tiền.

Những trường hợp chia sẻ với chúng tôi khi tìm việc làm online mùa dịch đã không chọn cách đóng phí để tham gia sâu vào các vị trí “việc nhẹ lương cao”. Trước phản ứng này, phía tuyển dụng còn khuyên “nếu các bạn cứ suy nghĩ dè chừng thì không bao giờ kiếm được tiền trên điện thoại qua mùa dịch này, chỉ mãi làm công ăn lương thôi”.

Tuy nhiên, cẩn trọng vẫn hơn bị mắc lừa, dù số tiền “khởi nghiệp” ban đầu lớn hay nhỏ, nhất là từ những cá nhân sử dụng mạng xã hội, website không có thông tin minh bạch về cơ quan, tổ chức hay cá nhân đại diện, không có địa chỉ giao dịch cụ thể. Bởi, dịch bệnh COVID-19 đang làm thay đổi đời sống xã hội, nhiều dịch vụ việc làm online chỉ là một trong rất nhiều "chiêu bài" của những kẻ lợi dụng để lừa đảo mọi người.

MỸ HẠNH