Phát biểu tại buổi họp báo tổ chức tại Vientiane hôm 26-7, Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào Khammany Inthirath cho biết, ủy bạn điều tra sẽ bao gồm các đơn vị chức năng, cùng nhà thầu dự án và các công ty tham gia đầu tư vào dự án thủy điện này, cũng như các công ty chuyên về nghiên cứu an toàn xây dựng.
Trao đổi với phóng viên, ông nhận định: "Nguyên nhân chính của sự cố vỡ đập phụ là do mưa quá nhiều cộng thêm việc đập mới hoàn thiện nên hoạt động chưa tốt. Có thể có vết nứt trong đập khiến nước chảy qua và tạo một lỗ hổng lớn gây vỡ".
Sự cố vỡ đập thủy điện ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân Lào. Ảnh: KPA
Cũng theo ông, về mặt kỹ thuật, một con đập mới hoàn thành cần thời gian chờ cho đến khi tích đủ nước và tất cả các phần của đập được liên kết với nhau hoàn toàn. Đến khi đó, đập mới có thể chống chịu được mực nước dâng cao.
Ông cũng không loại trừ khả năng rằng đập bị vỡ có thể vì cấu trúc của nó không bền vững. RTA dẫn lời ông Khammany cho biết, đập mới được hoàn thành khoảng 91% và chỉ có thể chứa đủ nước, nhưng lượng mưa quá lớn đã làm hỏng cấu trúc đập.
Hàng nghìn người dân mất nhà cửa, phải sơ tán sau sự cố vỡ đập. Ảnh: Reuters
Trước đó, công ty SK Engineering & Construction của Hàn Quốc, một trong những đối tác chính của dự án, đã khẳng định họ đã phát hiện vết nứt 1 ngày trước khi sự cố xảy ra và đã "ngay lập tức cảnh báo chính quyền và bắt đầu sơ tán vùng hạ lưu".
Đập phụ "Saddle dam D" của dự án thủy điện tỷ đô Xe-Pian Xe-Namnoy ở huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, Lào bị vỡ vào khoảng 20h tối 23-7, trút lượng nước lớn xuống khu vực hạ lưu, gây lũ quét và ngập úng tại nhiều ngôi làng thuộc huyện Sanamxay.
Sự cố vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy miền Nam nước Lào đã khiến nhiều người chết, 131 người mất tích, và hơn 3000 người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, biến đây trở thành thảm họa tồi tệ nước mà quốc gia này phải đối mặt trong nhiều thập niên, theo Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith.
Hôm 25-7, tại một cuộc họp báo, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith cho biết chính phủ đã thành lập một ủy ban đặc biệt do Phó thủ tướng Sonexay Siphandone đứng đầu để đánh giá thiệt hại và tiến hành một cuộc điều tra để tìm ra nguyên nhân thực sự dẫn đến vỡ đập.
Bên cạnh công tác cứu hộ và tìm kiếm người mất tích, giới chức Lào cùng sự hỗ trợ của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đang tiến hành cung cấp viện trợ và trợ giúp người dân khắc phục hậu quả sau bão.
"Ưu tiên trước mắt là cung cấp đồ viện trợ cho người dân bị ảnh hưởng. Kế hoạch dài hạn là tái thiết cuộc sống, nhà cửa và những cơ sở cần thiết khác cho họ", Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào Khammany Inthirath cho biết.
Theo Công an nhân dân