Chia sẻ của độc giả Anh Phạm sau khi đọc bài viết Người đầu tiên ở xã có 50 người đăng ký hiến tạng được đăng tải trên VietNamNet hôm qua (ngày 22/8):
Cuộc sống là vô thường, sống chết chẳng thể nào đoán trước được, bởi vậy tôi làm thẻ hiến tạng này với suy nghĩ có thể cống hiến phần thân thể của mình cho khoa học, ít nhất là có thể làm mẫu cho sinh viên y khoa thực nghiệm.
Điều ngạc nhiên là với văn hóa Việt Nam thì khi đang sống sẽ chẳng mấy ai nói chuyện chết chóc, khi chết thì phải chết toàn thây, do đó đang sống mà đi làm thẻ hiến tạng thì nghe có vẻ kỳ kỳ.
Tuy vậy, khi biết tôi có ý định hiến tạng thì rất nhiều người ủng hộ. Hóa ra suy nghĩ về chuyện hiến tạng của nhiều người đã thay đổi rất nhiều: cởi mở hơn chứ không cứng nhắc, bảo thủ như những năm trước đây.
Ảnh minh họa: Trần Tuyên.
Để có được sự thay đổi tích cực như vậy, một phần là chúng ta có thể gặp ở trong thực tế hay qua các phương tiện truyền thông những điều kỳ diệu của việc hiến tạng.
Cuộc sống tưởng như đã khép lại với nhiều người do mắc bệnh hiểm nghèo về thận, tim; nhiều người tưởng như không bao giờ được nhìn thấy ánh sáng do bệnh lý về mắt... nhưng cuộc đời lại được hồi sinh nhờ những nghĩa cử hiến tạng cao đẹp.
Nhiều quả thận, tim, giác mạc... của những người chết não, thậm chí của những người đang sống vẫn đang hoạt động ở những cơ thể khác. Đúng là: “Cho đi là còn mãi”.
Sự thay đổi tích cực đó còn đến từ việc làm thủ tục đăng ký hiến tạng giờ đây rất đơn giản: Ở Hà Nội thì có thể đến làm thủ tục trực tiếp ở trụ sở chính của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia để làm thủ tục, còn nếu ở tỉnh thì có thể vào trang web của Trung tâm này rồi tải mẫu đơn hiến tạng về.
Điền thông tin vào mẫu đơn này rồi gửi kèm với 2 ảnh 4×6 đến địa chỉ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia. Khoảng 2 tuần sau sẽ nhận được thẻ. Thế là xong, rất đơn giản.
Hiến tạng khi qua đời, thậm chí cả khi còn đang sống, minh chứng cho câu thơ: "Sống là cho, chết cũng là cho" (Tố Hữu). Cuộc đời sẽ càng đẹp hơn nhờ những nghĩa cử cao đẹp như vậy.
Theo Vietnamnet