Trông rất kỳ dị
Xế trưa, cái nắng hanh hanh biên giới “dội” vào người khó chịu. Bước vào chợ đã thấy tiểu thương trưng bày những hũ rượu ngâm côn trùng quá “kinh dị”. Gặp chúng tôi, một chị bán hàng giới thiệu rổn rảng: “Con mối chúa này hiếm lắm. Mỗi tổ chỉ đào được một con. Con lớn 40.000 đồng, con nhỏ 30.000 đồng. Lâu lâu mới có hàng. Ông nào sức khỏe xuống dốc, uống một ly rượu ngâm sẽ tráng kiện cả ngày lẫn đêm”.
Nghe giới thiệu, nhiều người tham quan chợ bụm miệng cười! Cạnh đó, một du khách cầm chiếc điện thoại thông minh quay phim say sưa những hũ “mỹ tửu” ngâm côn trùng với thảo dược. Sau đó, anh ta mua một con mối chúa màu trắng to bằng ngón tay cái, nhìn giống đuông dừa.
Chị bán côn trùng nhanh tay vặn nắp hũ rượu, dùng đũa gắp con mối chúa. Không ngần ngại, anh thanh niên bỏ con mối chúa trắng nõn vào miệng cắn “phụp” nhai nhóp nhép thưởng thức, trông rất ngon! “Có vị béo, thơm nhẹ như sữa bò. Đây là lần đầu tiên tôi được ăn mối chúa. Nhiều người đồn, ăn mối chúa về “vợ khen” lắm!” - anh này cười hỉ hả.
Vừa đến chợ, Cường với dáng người nhỏ nhắn, vội vã bước vào tham quan mua sắm. Thấy du khách mua loài côn trùng độc lạ này, Cường tò mò bỏ ra 40.000 đồng mua một con mối chúa trắng nuột bỏ vào chung rượu, rồi lấy chiếc muỗng giằm ra. Thân con mối chúa bể nhừ hòa lẫn với rượu đế có màu trắng đục, giống như sữa bò.
Chủ tiệm bán rượu thúc vội: “Anh uống đi, có gì đâu mà ngại, người ta uống hoài, thơm ngon, bổ khỏe”. Trông ly rượu nổi da gà, vậy mà Cường bưng “ực” một phát, rồi lắc đầu nhăn mặt, vì hơi men nồng nặc xộc thẳng lên mũi. “Hôm nay, chúng em đi tham quan mùa nước nổi, rồi ghé chợ Tịnh Biên dùng thử xem có tác dụng như người ta đồn thổi hay không. Uống vô thấy toàn mùi rượu, ngon gì anh ơi” - Cường trần tình.
Gần đó, có vài mâm bày bán con bổ củi phơi khô không biết dùng để làm gì? Chúng tôi hỏi thăm mới biết, đây là loại côn trùng được cánh mày râu săn mua làm thuốc. Một vị khách ở TP. Hồ Chí Minh cho rằng, muốn dùng bổ củi đúng gu, phải nướng cho đến khi có mùi thơm, rồi giã thật nhuyễn. Sau đó, pha với rượu gạo nấu bằng củi mới hiệu quả. “Mấy ông bước sang tuổi lục tuần, mỗi ngày uống một ly rượu bổ củi, sức khỏe cường tráng như thanh niên” - vị khách này nói.
Đi chợ Tịnh Biên, chúng tôi còn bắt gặp những chiếc thau nhựa trưng bày loài bọ cạp cực độc đen tuyền. Loài côn trùng này lúc nào cũng giương cao cặp càng, giơ mũi kim lên để phòng thủ khi ai đó chạm tới. Nếu vô tình bị loài này chích vào người sẽ đau nhức tận xương.
Chỉ người bán loại côn trùng cực độc tại đây mới biết cách “trị” chúng. Mỗi lần bắt bọ cạp bán cho khách, họ bốc ngay sau đuôi, khống chế chiếc kim để chúng không chích được. “Phía sau đuôi bọ cạp có cây kim chứa nọc độc. Nếu bắt ngay phần đầu, bọ cạp sẽ chích ngay, nọc đọc chạy toàn thân” - một chị bán bọ cạp cho biết.
Rất khó tìm
Theo tìm hiểu, nguồn “sung dược” ở đây do người dân Campuchia cung cấp. Ngoài ra, ở vùng Bảy Núi cũng tồn tại nhiều loài côn trùng lạ. Tuy nhiên, muốn “săn” được chúng, người ta phải tìm kiếm khắp nơi. Đặc biệt là loài mối chúa. Bởi, mỗi tổ mối duy chỉ một con mối chúa “thống trị” cả đàn.
Anh Vũ (người chuyên đào mối vùng Bảy Núi) cho biết, loài này cực hiếm, có khi đào một tổ đất to vẫn không thấy mối chúa trú ẩn. “Loài mối được chia thành nhiều loại: Mối đen, mối đỏ, mối xanh, mối trắng. Trong đó, duy chỉ tổ mối đỏ mới có mối chúa”.
Để chứng minh cho chúng tôi xem, anh Vũ dùng thuổng bổ mạnh vào tổ mối xanh, bên trong trống rỗng, toàn mối nhỏ bò dày đặc. Kinh nghiệm lâu năm trong nghề đào mối, anh Vũ biết rất rành về đặc tính sinh sản của loài côn trùng này. Hàng ngày, mối chúa được mối đực tìm mồi vỗ béo. Khi mối chúa sinh sản xong sẽ kết thúc vòng đời. Sau đó, có một con mối chúa nhỏ được đàn mối đực vỗ béo lớn lên để tiếp nối nhiệm vụ sinh sản, duy trì nòi giống.
Quả thật, con mối chúa được giới đi “săn” cho rằng rất quý hiếm cũng không sai. Chúng tôi theo chân suốt quãng đường quanh triền núi, chỉ thấy họ đào được vài con. Tiếp tục dẫn chúng tôi leo lên các triền núi tìm tổ mối đỏ, lau mồ hôi ngang trán, anh Vũ xuýt xoa: “Hồi đó, một ngày tôi đào được vài chục con mối chúa. Bắt được bao nhiêu, bạn hàng mua hết, với giá 20.000 đồng/con. Giờ đây, lâu lâu tôi đi kiếm chỉ được chục con. Hiện nay, mối chúa rất hiếm, mỗi con (bằng ngón tay) có giá 30.000 đồng”.
Vũ nói thêm, ban đầu chỉ mình anh đi đào bán lại cho bạn hàng ở chợ Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và chợ Châu Đốc. Giờ đây, ngày càng nhiều người đi đào, nên nguồn mối chúa hiếm dần trong tự nhiên.
Tính đến nay, anh Vũ đã có hơn chục năm đào mối chúa. Thấy người ta ngâm rượu mối chúa uống ngon, trong quá trình săn tìm, anh để lại ngâm một keo dùng thử. “Mối chúa ngâm rượu bắt nguồn từ đồng bào Khmer. Món rượu mối chúa thơm ngon, bổ dưỡng nên dân Sài Gòn rất thích. Mỗi khi đến chợ Tịnh Biên, nhiều du khách mua về dùng” - anh Vũ cho biết.
Trong quá trình đi “săn”, những người đào mối chúa mang theo một chai rượu “gốc”. Khi đào được con nào, họ bỏ vào rượu để giữ nguyên độ tươi ngon, vì để bên ngoài vài phút mối chúa sẽ vỡ bụng chết.
Đối với loài cực độc bọ cạp trông hình thù quái dị, nhưng chúng trú ngụ trong hang sâu dưới đất, rất dễ bắt. Bổ từng nhát cuốc xuống lớp đất cứng, Tùng lấy một cành cây chọc vào hang, ngay lập tức, bọ cạp giương càng kẹp mạnh cành cây. Tùng chỉ cần kéo bọp cạp ra khỏi hang, bắt dễ dàng. “Nếu bắt chúng bằng tay rất nguy hiểm. Bọ cạp chích một phát, xem như bỏ ăn mấy ngày liền. Có người bị bọ cạp chích nhức quá phải chở đến bệnh viện” - Tùng cho hay.
Giới chuyên sử dụng bọ cạp cho rằng, loài này sống trong hang sâu, ăn côn trùng, cuốn chiếu, bọ rầy, rễ cây nên rất bổ dưỡng. Nhiều người mua về chiên giòn ăn rất ngon. Ngoài ra, loài hung tợn này còn dùng để ngâm rượu uống hoặc xoa bóp trị nhức mỏi, trật gân, trật khớp…
Mùa này, du khách về biên giới ngắm cánh đồng lũ trắng xóa, sẵn tiện ghé thăm chợ Tịnh Biên sẽ tận mắt thấy những loài côn trùng lạ lẫm, độc đáo nhất miền Tây.
Những lương y giàu kinh nghiệm cho biết, rắn, rết, côn trùng, thảo dược được ngâm, ủ lâu ngày có thể tiết ra chất độc hòa lẫn với rượu. Do đó, khuyến cáo người dân nên hạn chế sử dụng rượu ngâm động vật, côn trùng với số lượng nhiều, tránh nguy cơ ngộ độc.
“Ngoài ra, có trường hợp chưa am hiểu về những loại dược liệu trong rừng, tự ý đem về ngâm rượu dùng bồi bổ sức khỏe, dễ gây hệ lụy xấu. Trong dân gian có rất nhiều bài thuốc quý, nhưng phải am hiểu, bốc đúng thuốc, đúng liều, uống đúng giờ mới mang lại hiệu quả cao” - một lương y khẳng định.
|
HOÀNG MỸ