Chợ truyền thống trong xu thế phát triển

28/06/2024 - 14:52

 - Cùng với sự phát triển của siêu thị, trung tâm mua sắm hay các loại hình mua sắm trực tuyến… chợ truyền thống vẫn chiếm vị trí quan trọng trong thói quen mua sắm của người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Chất lượng hàng hóa tại chợ truyền thống ngày càng được nâng cao, hành vi mua bán của tiểu thương ngày càng văn minh, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội…

Chợ truyền thống từ trước đến nay được coi là địa điểm mua bán ưa thích của người dân, gắn với nhiều nét đẹp văn hóa đặc sắc, ấn tượng của mỗi vùng miền, địa phương. Trong xu hướng mới, nhiều hình thức kinh doanh hiện đại ra đời, như: Siêu thị, cửa hàng tiện ích, trung tâm thương mại; đặc biệt là sự bùng phát của kinh doanh online, song chợ truyền thống vẫn được đánh giá là hình thức thương mại phổ biến nhất.

Theo thống kê của Sở Công Thương An Giang, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 190 chợ ở huyện, thị xã, thành phố. Đối tượng kinh doanh chủ yếu là tiểu thương, người dân sản xuất và bán trực tiếp sản phẩm. Các mặt hàng kinh doanh tại chợ phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, tập trung chủ yếu vào nông sản địa phương, thực phẩm tươi sống, hàng may mặc, đồ gia dụng...

Chợ truyền thống vẫn là kênh mua sắm chủ yếu của người dân

Trên thực tế, các cửa hàng nhỏ, sạp hàng truyền thống vẫn được nhiều người lựa chọn. Tâm lý “thuận mua vừa bán”, giá cả nhiều loại mặt hàng phải chăng hơn… là ưu điểm nổi bật tại chợ truyền thống. Chị Lê Thị Thanh Hoa (xã Long Điền A, huyện Chợ Mới) cho biết, mặc dù ở gần trung tâm thị trấn Chợ Mới, nhưng gia đình chị vẫn có thói quen mua sắm tại chợ truyền thống.

“Các sản phẩm ở chợ thường tươi mới, do nông dân ở khu vực lân cận thu hoạch đem bán trong ngày. Ngoài ra, một vài sản phẩm đồ gia dụng, hàng may mặc tại chợ có giá thấp hơn khi mua tại siêu thị. Gia đình tôi chỉ đi mua sắm tại siêu thị khi thật sự cần thiết, khi có đám tiệc, lễ, Tết; hoặc tận dụng thời gian cho con vào đó tham quan, mua sắm…” - chị Hoa chia sẻ.

Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống bán lẻ hiện đại và hoạt động thương mại điện tử ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của tiểu thương tại chợ truyền thống. Nhiều người tiêu dùng có xu hướng mua sắm tại các kênh bán lẻ hiện đại hoặc mua trực tuyến thay vì đến chợ. Trước thực tế đó, tiểu thương tại chợ truyền thống đã từng bước thay đổi, đa dạng hóa cách thức phục vụ để bắt kịp với xu hướng tiêu dùng hiện đại.

Điểm nổi bật của việc thay đổi là xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt của người tiêu dùng. Một số tiểu thương nhanh chóng bắt nhịp, tạo tài khoản ngân hàng, mã QR giúp người tiêu dùng thanh toán nhanh chóng, tiện lợi. Không chỉ thay đổi hình thức bán hàng, các tiểu thương thay đổi dần thái độ phục vụ người tiêu dùng, thân thiện mời chào, không còn cảnh chèo kéo, tỏ thái độ khó chịu khi khách không mua và nhất là không còn tình trạng thách giá quá cao.

Thời gian qua, bà con tiểu thương chợ Phú Hòa (huyện Thoại Sơn) quen với hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Tại đây, khách hàng có thể thanh toán bằng cách chuyển khoản thông qua ứng dụng của ngân hàng, thanh toán trực tiếp bằng thẻ qua máy POS (Point of Safe - máy quẹt thẻ ngân hàng), hoặc qua phần mềm hỗ trợ của các đơn vị khác… Việc thanh toán không dùng tiền mặt tạo sự tin tưởng của người dân và bà con tiểu thương, bởi đây là hình thức thanh toán nhanh chóng, tiện lợi và an toàn.

Đại diện cửa hàng tạp hóa Bảy Xế cho biết, bên cạnh hình thức thanh toán truyền thống bằng tiền mặt, thời gian qua, sạp hàng của chị còn hỗ trợ khách hàng, người mua thanh toán thông qua mã QR. Việc thanh toán không dùng tiền mặt dù còn hạn chế nhưng dần trở nên phổ biến tại đây. Không chỉ có khách hàng mua sỉ, mà những người mua lẻ cũng chọn hình thức thanh toán này. Việc đa dạng hình thức thanh toán giúp sạp hàng có thêm cạnh tranh với chuỗi cửa hàng bán lẻ hiện đại, thu hút thêm khách hàng…

Có thể thấy, chợ truyền thống vẫn là nơi trao đổi, mua bán hàng hóa của đông đảo người dân bởi thói quen mua sắm từ lâu đời. Nhận thức rõ vai trò của chợ truyền thống trong việc phân phối, bán lẻ hàng hóa, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, thời gian qua, ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường huy động nguồn lực để cải tạo, nâng cấp chợ.

Nhờ đó, chợ đã được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố với quầy hàng đảm bảo diện tích, sạch sẽ. Đặc biệt, tiểu thương không ngừng đẩy mạnh hoạt động kinh doanh theo hướng hiện đại, phát triển đa dạng mẫu mã, thích ứng với nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Sự đổi thay về diện mạo, chất lượng sản phẩm và sự năng động, nhạy bén bắt kịp thời đại công nghệ số của người kinh doanh đã góp phần giúp chợ truyền thống nâng cao sức cạnh tranh, tránh nguy cơ tụt hậu trong cuộc sống hiện đại ngày nay.

MINH ĐỨC