Buôn lậu vẫn còn
Nhận định về tình hình buôn lậu (BL), gian lận thương mại và hàng giả (GLTM&HG) trên địa bàn tỉnh, ông Lê Văn Nưng khẳng định, mặc dù các cơ quan chức năng như: hải quan, biên phòng, công an, quản lý thị trường và quần chúng Nhân dân đã nỗ lực hết mình nhưng tình hình BL, GLTM&HG vẫn còn. Bốn tháng đầu năm 2018, trên khu vực biên giới (BG), thuốc lá điếu ngoại, đường cát Thái Lan, quần áo cũ, vải, mỹ phẩm, rượu, bia, nước ngọt các loại, phụ tùng xe ôtô, hàng điện tử và điện lạnh đã qua sử dụng, gỗ xẻ và sản phẩm gỗ, ngoại tệ, vàng trang sức, hàng gia dụng bằng gốm sứ… tiếp tục được đối tượng BL, tìm mọi cách đưa hàng qua BG, vận chuyển sâu vào nội địa để tiêu thụ.
“Hàng lậu được tập kết sát BG, chờ thời cơ thuận lợi (lúc trời tối, sáng sớm), sau đó sử dụng các xe môtô, ghe, xuồng máy tốc độ cao hoặc thuê nhiều người đai vác, lén lút vận chuyển qua BG theo các đường mòn, kênh, rạch. Sau khi qua BG, hàng lậu nhanh chóng được cất giấu vào các kho hàng, chia nhỏ cất giấu trong nhà, tập kết tại các nơi vắng hoặc nhanh chóng chuyển lên các xe môtô, ôtô, ghe, tàu đang chờ sẵn để tiếp tục vận chuyển vào sâu trong nội địa…” - ông Nguyễn Hoàng Vân, phụ trách cơ quan Thường trực BCĐ 389 tỉnh chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng thị sát tình hình mua, bán tại chợ Châu Long (TP. Châu Đốc)
Khảo sát trên khu vực BG cho thấy, tuyến và địa bàn trọng điểm để các đối tượng BL đưa hàng qua BG là: khu vực kênh ngọn Cả Hàng (xã Vĩnh Hội Đông, An Phú), khu vực dòng sông chung thị trấn Long Bình (An Phú); thị trấn Tịnh Biên, (Tịnh Biên); xã Vĩnh Xương (TX. Tân Châu); khu vực gò Tà Mâu (phường Vĩnh Nguơn, TP. Châu Đốc) và tuyến Quốc lộ 91, tuyến sông Tiền...
“Việc khẳng định, tình hình BL, GLTM&HG “vẫn còn” là nhìn thẳng sự thật, không né tránh, không bao che từ đó tiếp tục tìm giải pháp, làm sao công tác này thật sự chuyển biến trong thời gian tới. Tôi rất đồng tình với thái độ dứt khoát, phát ngôn của người đứng đầu BCĐ 389 tỉnh, “Chống buôn lậu (CBL) không có vùng cấm” và đề xuất với Trung ương cho An Giang làm thí điểm, thưởng 50% giá trị hàng hóa bắt được cho quần chúng mạnh dạn tố giác, cùng lực lượng chức năng tham gia CBL...” - ông Trần Văn Năm (xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu) chia sẻ.
Tăng cường giải pháp
Theo BCĐ 389 tỉnh, năm 2017, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện vi phạm 2.149 vụ mua, bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu. Tổng trị giá hàng hóa bắt giữ trên 58,6 tỷ đồng (tăng 6,9% so cùng kỳ); 4 tháng đầu năm 2018, các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện vi phạm 677 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, tổng trị giá hàng hóa bắt giữ trên 12,93 tỷ đồng.
“BL vẫn còn, chúng ta phải tăng cường các giải pháp, trước mắt là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động mọi người không tham gia, tiếp tay cho BL. Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng; nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu. Tiếp tục xem báo chí là kênh thông tin quan trọng trong công tác CBL” - ông Lê Văn Nưng kêu gọi.
Với thái độ dứt khoát, nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh, không bao che… các lực lượng CBL trên địa bàn tỉnh đang ngày đêm vào cuộc, xây dựng kế hoạch, xây dựng cơ sở để có nguồn tin chính xác, phục vụ cho công tác CBL.
Để lập lại trật tự trong công tác này, BCĐ 389 tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp kiểm tra liên ngành đối với các mặt hàng trọng điểm; tổ chức cao điểm đấu tranh, triệt xóa các đường dây BL, tụ điểm, ổ nhóm trên địa bàn.
Đẩy mạnh tuyên truyền, nghiên cứu đề xuất UBND tỉnh chính sách hỗ trợ, vận động chuyển đổi nghề cho các đối tượng đai vác, vận chuyển tiếp tay cho BL; khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác CBL, GLTM&HG; nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân do hành vi buông lỏng quản lý, có biểu hiện tiêu cực trong công tác CBL, GLTM&HG…
Với những giải pháp cụ thể trên, hy vọng thời gian tới công tác CBL, GLTM&HG trên địa bàn tỉnh sẽ có những chuyển tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất BL, góp phần hỗ trợ tích cực cho sản xuất trong nước phát triển.
“Công tác CBL, GLTM&HG là nhiệm vụ khó khăn, lâu dài và đầy thách thức, vì vậy đòi hỏi các lực lượng chức năng “thận trọng, quyết tâm, đầy sáng tạo”; Phải mới mẻ trong suy nghĩ, sáng tạo trong cách làm và nhịp nhàng trong phối hợp. Với vai trò là người đứng đầu, từng đơn vị, lực lượng phải đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong nội bộ để cán bộ, chiến sĩ tham gia CBL không “nhúng chàm” - ông Lê Văn Nưng chỉ đạo
|
Bài, ảnh: MINH HIỂN