Chủ động các phương án ứng phó với thiên tai

19/09/2024 - 14:04

Hiện nay, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đã mạnh lên thành bão số 4, gây ảnh hưởng đến thời tiết các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam đã đưa ra cảnh báo để các tỉnh, thành phố kịp thời, chủ động ứng phó với diễn biến của thiên tai.

Cảnh báo lũ kết hợp triều cường gây ngập úng

Chú thích ảnh

Toàn cảnh sông Mekong từ trên cao. Ảnh tư liệu: Đỗ Bá Thành/PV TTXVN tại Lào

Theo dự báo của Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam, trong ngày 19/9, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 40-80mm, có nơi trên 150mm, tập trung vào chiều và đêm. Viện cảnh báo về diễn biến lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, lũ đầu nguồn sông Cửu Long tại trạm Tân Châu và Châu Đốc đang có xu thế tăng mạnh do lũ thượng nguồn đổ về kết hợp triều cường tăng cao.

Mặt khác, Viện nhận định, nguồn nước trên các trạm dòng chính sông Mê Công khu vực hạ Lào sẽ có xu thế tăng trở lại trong các ngày tới. Trong đó, mực nước khu vực Campuchia tại trạm Kratie sẽ có xu thế tiếp tục tăng khá mạnh trong 5 ngày tới. Do đó, lưu lượng lũ thượng nguồn đổ về đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc sẽ tiếp tục tăng, triều cường dự báo đạt đỉnh vào ngày 19/9. Lũ kết hợp triều cường nên nhiều khả năng đỉnh lũ tháng 9/2024 tại Tân Châu đạt mức từ 3,1 - 3,2m, tại Châu Đốc đạt 2,9-3,0m, đạt đỉnh vào khoảng ngày 21-22/9. Mực nước sau đó có xu thế biến đổi chậm rồi giảm nhẹ do thủy triều các ngày sau đó giảm mạnh dù lưu lượng trên dòng chính sông Mê Công đổ về vẫn có xu thế tăng.

Thông tin về diễn biến đỉnh lũ nội đồng Đồng bằng Sông Cửu Long trong kỳ triều cường kết hợp mưa, lũ thượng nguồn đổ về từ ngày 19-22/9, Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam thông tin, mực nước nội đồng các trạm vùng Thượng phổ biến dưới mức báo động 1. Một số trạm biến đổi từ báo động 1 đến báo động 2; có 2 trạm gồm Long Xuyên và trạm Vàm Nao tỉnh An Giang sẽ vượt báo động 2. Mực nước các trạm vùng giữa phổ biến ở mức từ báo động 2 đến báo động 3. Một số trạm ven sông chính vượt mức báo động 3 gồm các trạm Cần Thơ thuộc thành phố Cần Thơ; trạm Mỹ Thuận thuộc tỉnh Vĩnh Long; trạm Cao Lãnh, Lai Vung thuộc tỉnh Đồng Tháp và một số trạm khác.

Do đó, nguy cơ cao sẽ xảy ra ngập úng do triều cường kết hợp mưa lũ ở các khu vực có địa hình thấp trũng ở Đồng bằng Sông Cửu Long từ ngày 19-22/9. Đặc biệt là ở vùng giữa và ven biển, gồm thành phố Cần Thơ, các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh; các huyện ven sông và giữa 2 sông của Đồng Tháp; khu vực trung tâm vùng bán đảo Cà Mau như thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy của tỉnh Hậu Giang. Cùng với đó là các huyện Phước Long, Hồng Dân của tỉnh Bạc Liêu; thị xã Ngã Năm, huyện Mỹ Tú của tỉnh Sóc Trăng; huyện Trần Văn Thời, Thới Bình, thành phố Cà Mau tỉnh Cà Mau và một số khu vực ở vùng thượng như thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp

Ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre cho biết, các địa phương trong tỉnh đã chủ động rà soát, phối hợp với đơn vị quản lý đê điều, thủy lợi, tăng cường kiểm tra, khắc phục ngay những vị trí hư hỏng, xuống cấp. Đồng thời gia cố, tôn cao những nơi thấp, tràn nước, khu vực trọng yếu như đê bao các cồn, vườn cây ăn trái, khu vực nuôi thủy sản, công trình đầu mối, tuyến bờ bao. Tỉnh tăng cường kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư đang sinh sống ven biển, ven sông, kênh, rạch, đặc biệt là khu vực các cồn Phú Đa, Thành Long, Tam Hiệp; điểm sạt lở bờ biển ở huyện Ba Tri, Thạnh Phú, sạt lở bờ sông Giao Hòa...

Tại Bình Dương, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các Sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố, đơn vị triển khai ứng phó mưa dông, ngập lụt và gió mạnh. Toàn tỉnh rà soát, cập nhật điều chỉnh, bổ sung phương án ứng phó với hình thái thiên tai cụ thể, phù hợp với tình hình và điều kiện tại địa phương, đặc biệt là phương án ứng phó với bão, xả lũ các hồ chứa và mưa lớn, dông lốc, sấm sét; di dời người dân ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở bờ sông đến nơi an toàn.

Để chủ động ứng phó với thiên tai như mưa lớn, dông lốc, gió mạnh, lũ, lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Nai yêu cầu lực lượng chức năng kiểm tra, rà soát các vùng trọng điểm ven sông, ven suối, các vùng  thường xuyên có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét khi có mưa lớn. Đồng thời chủ  động phương án, kế hoạch của ngành, địa phương, đơn vị để ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để huy động di dời người và tài sản đến nơi an toàn - ông Trần Đình Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai thông tin.

Theo TTXVN