Chủ động phòng, chống dịch bệnh tay - chân - miệng

07/11/2023 - 06:13

 - Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, ngành y tế, tình hình dịch bệnh trên địa bàn An Giang được kiểm soát chặt chẽ. Dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) tạm ổn, đau mắt đỏ đang giảm bớt... Tuy nhiên, bệnh tay - chân - miệng (TCM) còn nhiều, xuất hiện ca tử vong, nên cần chủ động các biện pháp phòng, chống, không chủ quan, lơ là.

Từ đầu năm đến nay, An Giang có 4.015 ca SXH, giảm 73% so cùng kỳ năm 2022. Bệnh TCM 5.866 ca; tăng 87% so cùng kỳ năm 2022; đặc biệt có 6 ca TCM tử vong (tăng 6 ca so cùng kỳ). Đối với các dịch bệnh mới nổi khác, hiện chưa phát hiện trường hợp nhiễm dịch bệnh mới nào. Ngành y tế tiếp tục theo dõi giám sát, kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh của 11 huyện, thị xã, thành phố và cửa khẩu hàng ngày.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, UBND tỉnh An Giang đã ban hành nhiều công văn yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch; thực hiện hiệu quả Nghị quyết 38/NQ-CP của Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác… không để dịch bùng phát trở lại và hạn chế tối đa xảy ra nguy cơ "dịch chồng dịch".

Với vai trò chủ lực, Sở Y tế An Giang chủ động theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh; chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh. Đẩy mạnh giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch. Tổ chức tốt và chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân. Thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn và triển khai hiệu quả công tác chỉ đạo tuyến, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị; đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực để sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp ngành y tế tăng cường truyền thông phòng bệnh, để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng; thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch. Đặc biệt, các hoạt động truyền thông qua mạng lưới thông tin đại chúng, mạng xã hội, chiến dịch truyền thông theo chủ đề, theo sự kiện y tế, truyền thông lồng ghép được thực hiện với tần suất cao và đạt được kết quả đáng khích lệ.

Trước diễn biến số ca mắc TCM tăng nhanh trong những tuần gần đây, cùng với sự xuất hiện trở lại của Enterovirus 71 genotype B5 (B5 là kiểu gen (subgenotype) của virus Enterovirus 71 - tác nhân gây bệnh TCM nặng ở trẻ em), ngành y tế dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nhiều ca bệnh nặng và tử vong, nếu không tích cực triển khai các giải pháp phòng, chống dịch, cũng như điều trị hiệu quả bệnh TCM.

Theo Sở Y tế, TCM là bệnh có thể gây thành dịch, nhiều biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh. Do vậy, nhận biết sớm các dấu hiệu nặng và chăm sóc trẻ mắc bệnh là yếu tố rất quan trọng giúp giảm tỷ lệ mắc, giảm tử vong. Do đây là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ mụn nước hoặc phân của người nhiễm bệnh. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm dưới 3 tuổi.

Do đó, những trẻ học lớp mầm non, mẫu giáo có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao, vì trong quá trình học tập, vui chơi, trẻ có thể bị lây chéo qua đường miệng, do chơi đồ chơi và thói quen ngậm đồ chơi vào miệng.

Cách phát hiện các dấu hiệu bệnh trở nặng: Đa phần trẻ mắc TCM có diễn biến nhẹ, nhưng bệnh cũng có thể biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh trong vài giờ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì sẽ dẫn đến tình trạng nặng, như: Sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí dẫn đến tử vong.

Các dấu hiệu của bệnh: Sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao) và tổn thương ở da (rát đỏ, mụn nước ở các vị trí: Họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…).

Bệnh trở nặng khi có các dấu hiệu: Sốt cao không hạ và kéo dài; nếu trẻ sốt trên 38,50C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt đường uống, cần được đưa đến bệnh viện ngay. Quấy khóc nhiều: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, thậm chí là quấy khóc cả đêm không ngủ.

Hay giật mình: Đây chính là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm độc thần kinh. Cha mẹ cần chú ý quan sát tần suất trẻ bị giật mình có thường xuyên hay không, ngay cả khi trẻ đang chơi đùa. Nếu thấy trẻ xuất hiện một trong 3 triệu chứng trên, thì cần đưa trẻ đi khám tại những cơ sở y tế uy tín để được điều trị kịp thời. Một số dấu hiệu khác: Nôn nhiều, nôn khan, yếu chân tay, khó nuốt, đi loạng choạng…

Để phòng bệnh TCM, cần thường xuyên rửa tay bằng xà bông dưới vòi nước chảy; nhất là trước khi ăn uống, cho trẻ ăn, chế biến thức ăn, trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi làm vệ sinh và thay tã cho trẻ. Ăn uống hợp vệ sinh, ăn chín, uống nước đun sôi để nguội. Đảm bảo các vật dụng ăn uống phải được rửa sạch sẽ, tốt nhất nên ngâm bằng nước sôi trước khi sử dụng.

Đảm bảo nguồn nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày. Không nhai, mớm thức ăn cho trẻ. Không để trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm đồ chơi. Không để trẻ dùng chung khăn tay, khăn giấy, các vật dụng ăn uống như cốc, chén, thìa, đĩa, bát, đồ chơi...

Thường xuyên vệ sinh bề mặt các vật dụng tiếp xúc hàng ngày, như: Dụng cụ học tập, đồ chơi, tay vịn cầu thang, tay nắm cửa, sàn nhà, mặt bàn/ghế... bằng các chất tẩy rửa thông thường. Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để sớm phát hiện bệnh. Cách ly trẻ với những người đang mắc bệnh hoặc nghi ngờ bị TCM…

HẠNH CHÂU