Chủ động phòng, chống dịch bệnh trước thềm năm học mới

30/08/2024 - 05:29

 - Năm học mới 2024 - 2025 bắt đầu khi thời tiết vẫn còn mưa nhiều, mùa mưa kết thúc muộn (dự kiến đến gần cuối học kỳ 1). Mưa, lũ tạo điều kiện cho muỗi và vật truyền bệnh phát triển, gây bệnh sốt xuất huyết (SXH) và một số dịch bệnh nguy hiểm khác cho học sinh và người dân, cần chủ động đề phòng, ứng phó.

Chăm sóc sức khỏe Nhân dân

Dịch bệnh được kiểm soát tốt

Theo ghi nhận của Sở Y tế, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành tại địa phương cơ bản được kiểm soát, hạn chế số ca mắc và tử vong, ngăn chặn dịch bệnh mới phát sinh trên địa bàn tỉnh. Số ca mắc SXH trên địa bàn giảm 64% so cùng kỳ 2023. Đối với bệnh tay - chân - miệng, có chiều hướng giảm từ cuối năm 2023 và duy trì ca mắc ổn định đến tháng 5/2024 (20 - 25 ca/tuần).

Từ đầu tháng 6, tuy số mắc tăng nhẹ, nhưng vẫn nằm trong đường dự báo dịch của tỉnh. Số ca mắc tập trung nhiều ở huyện Chợ Mới, Châu Thành, Thoại Sơn và TP. Long Xuyên. Tỉnh không ghi nhận trường hợp nào mắc Chikungunya, Zika, tả, bạch hầu, cúm A/H5N1, A/H1N1; các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa ít biến động. Tuy nhiên, một số bệnh truyền nhiễm khác có biến động, tăng hơn so với cùng kỳ năm 2023, như: Lỵ a míp, viêm gan virus A,B,C, thủy đậu, uốn ván khác.

Trong hoạt động tiêm chủng mở rộng, ngành y tế tập trung tiêm đủ 8 loại vaccine cho trẻ em dưới 1 tuổi (lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, viêm gan siêu vi B, viêm não do Hemophilus influenza); tiêm ngừa uốn ván cho phụ nữ có thai (VAT 2+), tiêm nhắc vaccine MR (sởi - rubella) cho trẻ 18 tháng tuổi; tiêm nhắc vaccine DPT mũi 4 (bạch hầu, ho gà, uốn ván) cho trẻ 18 tháng...

Tăng cường cơ sở vật chất

Cùng với triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, tỉnh còn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, phát triển chuyên môn kỹ thuật, như: Can thiệp mạch não, can thiệp tim mạch, phẫu thuật tim hở, phẫu thuật đặt mảnh ghép sa tạng chậu trong sản phụ khoa, hồi sức sơ sinh và nuôi sống trẻ 800gr - 1kg, cấy ghép Implant, phẫu thuật Phaco...

Đồng thời, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở. Tỉnh duy trì thực hiện tầm soát, quản lý các bệnh không lây nhiễm theo nguyên lý y học gia đình tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn; đảm bảo 100% trạm y tế có bác sĩ làm việc; duy trì thực hiện khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế tại các trạm y tế trên địa bàn.

Theo Giám đốc Sở Y tế An Giang Trần Quang Hiền, tỉnh tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo các cơ sở y tế. Ngoài ra, tranh thủ nguồn vốn vay ưu đãi (ODA) thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cho các đơn vị y tế theo hướng phát triển chuyên sâu tuyến tỉnh và phổ cập ở tuyến cơ sở.

Theo đó, bước đầu chuẩn bị các điều kiện thực hiện dự án đầu tư nâng cấp trang thiết bị 6 trung tâm y tế tuyến huyện của tỉnh An Giang sử dụng vốn tín dụng đầu tư công (PIF) của Chính phủ Phần Lan, với tổng vốn đầu tư gần 779,8 tỷ đồng; đầu tư mở rộng Bệnh viện Tim mạch An Giang giai đoạn I, quy mô 350 giường, với tổng vốn dự kiến hơn 938,9 tỷ đồng; đầu tư hệ thống máy chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tân Châu, nguồn kinh phí dự kiến 11,17 tỷ đồng...

Phối hợp phòng bệnh

Bước vào năm học mới 2024 - 2025, ngành y tế phối hợp ngành giáo dục và đào tạo, các địa phương tập trung phòng, chống các dịch bệnh, như: SXH, tay - chân - miệng, các bệnh dịch lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa, cảnh giác bệnh tả, cúm A/H5N1, viêm não virus... Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt công tác KCB, chống quá tải tại các bệnh viện, nâng cao chất lượng KCB.

Theo Sở Y tế, để đạt được mục tiêu đề ra là khống chế về số ca mắc và tử vong do dịch bệnh, cần có sự phối hợp tích cực của cả hệ thống chính trị và người dân. Đối với bệnh SXH, tăng cường công tác tuyền thông, nhắc nhở người dân thực hiện diệt lăng quăng, phòng, chống SXH; tiếp tục công tác xử lý triệt để ổ dịch SXH, tổ chức thực hiện đợt 3 chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống SXH (chủ động thực hiện khi tình hình dịch chưa bùng phát); chủ động giám sát các khu vực nguy cơ và thực hiện phun hóa chất diện rộng chủ động tại khu vực nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đối với bệnh tay - chân - miệng, mỗi người dân cần chủ động vệ sinh cá nhân thường xuyên, như: Rửa tay bằng xà bông trước khi tiếp xúc với trẻ, sau khi đi vệ sinh và trước khi cho trẻ ăn... Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông đến người nuôi trẻ, giữ trẻ, giáo viên các trường học, đặc biệt là trường mầm non về công tác phòng, chống bệnh tay - chân - miệng ở trẻ; chỉ đạo tuyến cơ sở tăng cường kích hoạt hệ thống giám sát dựa vào sự kiện (EBS), nhằm tầm soát và phát hiện sớm ca bệnh, chùm ca bệnh trong cộng đồng; thực hiện xử lý ca tản phát và xử lý ổ dịch đúng theo Quyết định 581/QĐ-BYT, ngày 24/2/2012 của Bộ Y tế. Trong đó, lưu ý điều tra dịch tễ các ca bệnh có liên quan đến nhà trẻ, trường mầm non, nhằm khống chế ổ dịch tại trường học kịp thời.

Đối với bệnh sởi, chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch sởi; tăng cường công tác giám sát, điều tra các trường hợp sốt phát ban nghi sởi trên địa bàn tỉnh. Đối với bệnh lây truyền từ động vật sang người, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh theo dõi sát tình hình dịch, liên hệ chặt chẽ Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang nhằm phát hiện, xử lý sớm ổ dịch trên động vật; tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Tỉnh tăng cường kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh truyền nhiễm tại các cửa khẩu biên giới, nhất là các dịch bệnh mới nổi; tập huấn chuyên môn các tuyến về giám sát, chẩn đoán, điều trị và xử lý đối với các dịch bệnh mới nổi.

Ngành y tế đề nghị các đơn vị chuyên môn, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền cộng đồng cần thường xuyên vệ sinh cá nhân (rửa tay bằng xà bông, đeo khẩu trang nơi công cộng); thực hiện ăn chín, uống chín đảm bảo an toàn thực phẩm; không chủ quan, lơ là trước tình hình bệnh còn diễn biến phức tạp, nhất là đảm bảo an toàn cho học sinh.

HOÀNG XUÂN