Chủ động phòng, chống sạt lở mùa mưa lũ

26/06/2019 - 07:45

 - Mùa mưa lũ đến cũng là thời điểm hiện tượng sạt lở diễn biến phức tạp, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân. Các địa phương đang chuẩn bị các phương án chủ động ứng phó nhằm phòng, chống loại hình thiên tai này và giảm thiệt hại đến mức thấp nhất.

Những năm qua, hiện tượng sạt lở diễn biến phức tạp trên toàn tỉnh, gây nhiều thiệt hại cho người dân. Năm 2018, toàn tỉnh đã xảy ra 62 điểm sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch, dài 2.882m, mất khoảng 11.770m2 đất, ảnh hưởng 141 căn nhà, trong đó có 5 căn sụp hoàn toàn và 15 căn sụp một phần xuống sông. Trước đó, có 54 điểm sạt lở, dài 4.171m, ảnh hưởng đến 221 căn nhà trên toàn tỉnh trong năm 2017. Những con số trên cho thấy, hiện tượng sạt lở đã gia tăng về số vụ cũng như gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với sự an toàn của người dân trước loại hình thiên tai này.

Thực tế, sạt lở đang là nỗi lo của nhiều tỉnh, thành phố tại ĐBSCL chứ không riêng An Giang. Tuy nhiên, do nằm ở vị trí đầu nguồn, nơi 2 nhánh sông Hậu, sông Tiền tác động rất mạnh hàng năm đã khiến sạt lở diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh những năm qua. Trước tình hình đó, UBND tỉnh xác định cần thực hiện ngay các giải pháp khắc phục hậu quả sạt lở dựa trên phương châm “4 tại chỗ” và nguyên tắc “phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương”.

Sạt lở gây thiệt hại lớn đối với các địa phương

Tại TP. Châu Đốc, hiện tượng sạt lở diễn biến phức tạp tại các phường: Vĩnh Mỹ, Vĩnh Nguơn, Châu Phú A… với tổng thiệt hại hơn 775 triệu đồng trong năm 2018. Phó Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Nguyễn Trung Thành thông tin: “Trước diễn biến phức tạp của hiện tượng sạt lở, chúng tôi thường xuyên liên hệ với Trạm Khí tượng thủy văn Châu Đốc và Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để theo dõi sát diễn biến của hiện tượng sạt lở. Trên cơ sở đó, yêu cầu các phường, xã tồn tại các điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở đề cao cảnh giác, kịp thời thông báo đến người dân nếu có dấu hiệu xảy ra. Đồng thời, các địa phương phải tiến hành rà soát công trình đê điều, cống, bọng để tu dưỡng, sửa chữa kịp thời, đặc biệt quan tâm đến những điểm xung yếu dễ xảy ra sạt lở. Tinh thần chung của thành phố là đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân tại những khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở”.

Ở huyện đầu nguồn An Phú, công tác chủ động phòng, chống sạt lở được UBND huyện tích cực triển khai. Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Lê Minh Thuận cho biết: “Do là huyện đầu nguồn nên An Phú chịu tác động rất mạnh của mùa mưa lũ hàng năm. Năm 2018, trên địa bàn huyện đã xảy ra 21 đoạn sạt lở, ảnh hưởng đến 34 căn nhà tại các xã: Phú Hữu, Vĩnh Lộc, Vĩnh Trường, Vĩnh Hậu, Phú Hội, Nhơn Hội và thị trấn Long Bình. Chúng tôi đã yêu cầu địa phương nhanh chóng di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, tấn bao cát và cắm biển báo, lập rào chắn tạm thời khu vực sạt lở để đảm bảo an toàn. Năm qua, An Phú đã hỗ trợ 43 hộ dân trong vùng sạt lở di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm, với kinh phí hơn 860 triệu đồng từ ngân sách Trung ương”.

Xử lý hiện tượng sạt lở cần có các giải pháp mang tính ổn định, lâu dài

Trước mùa mưa lũ năm nay, UBND huyện An Phú đã yêu cầu các xã, thị trấn thực hiện nghiêm một số giải pháp cấp bách nhằm phòng, chống sạt lở. Trong đó tập trung ngăn chặn, xử lý kịp thời tình trạng xây dựng nhà ở, công trình không phép ở bờ sông, nhất là khai thác cát trái phép ở lòng sông. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ, rà soát các khu vực sạt lở trên địa bàn và có kế hoạch di dời đối với hộ dân sống trong vùng nguy hiểm. Phối hợp ngành chuyên môn tổ chức quan trắc lại các khu vực có diễn biến sạt lở làm cơ sở đề xuất các giải pháp xử lý phù hợp. 

“Thực tế, sạt lở luôn là mối lo thường trực của An Phú bởi địa hình của huyện chủ yếu là đồng bằng xen kẽ các sông lớn và rất nhiều kênh, rạch. Cứ mỗi mùa lũ về, An Phú lại đối mặt với những diễn biến phức tạp của hiện tượng này, trong khi kinh phí khắc phục sạt lở rất lớn. Do đó, việc nhanh chóng triển khai các tuyến dân cư phục vụ công tác di dời dân khỏi vùng sạt lở đang là nhu cầu cấp bách hiện nay. Song song đó, việc thi công các công trình phòng, chống sạt lở cần áp dụng những kỹ thuật phù hợp, mang tính ổn định lâu dài trong điều kiện sóng to, gió lớn của xứ đầu nguồn” - ông Lê Minh Thuận phân tích.

UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố chủ động rà soát các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở cao và đề ra phương án di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn. Đồng thời, phối hợp các sở: Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường hoàn chỉnh dự án đầu tư, xây dựng cụm tuyến dân cư để di dời khẩn cấp các hộ dân vùng sạt lở và tham mưu cấp thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, cần lập các dự án xây dựng kè bảo vệ bờ sông, bảo vệ các công trình quan trọng, các dự án chỉnh trị dòng chảy để chủ động phòng tránh hiện tượng sạt lở.

Một mùa mưa lũ nữa đang đến với những diễn biến hết sức phức tạp của hiện tượng sạt lở. Do đó, chính quyền các cấp và người dân cần tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống sạt lở hiệu quả để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản. Đồng thời, cần tích cực tuyên truyền đến cộng đồng về nguy cơ, tác hại của sạt lở nhằm nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại địa phương.

THANH TIẾN