Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân Phạm Hùng (47 tuổi, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng ăn uống kém, da xanh xao, chân đau nhức, cơ thể mệt mỏi, suy kiệt.
Người đàn ông này bị suy thận độ 3 từ nhiều năm trước, nhưng cảm thấy sức khỏe bình thường, nghĩ đã khỏi bệnh nên không uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Thay vào đó, ông Hùng nghe theo hướng dẫn từ các video trên mạng xã hội, tự ý uống nước săc từ cỏ mực, đậu đen xanh lòng để điều trị bệnh.
Hơn ba tháng qua, ông Hùng duy trì việc uống bài thuốc lạ này hàng ngày. Tuy nhiên, bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm mà cơ thể ngày càng yếu hơn, anh mới nhập viện khám.
Kết quả thăm khám, bác sĩ chẩn đoán người đàn ông đã chuyển sang suy thận cấp trên nền suy thận mãn tính giai đoạn 5, chỉ định lọc máu nhằm tránh nguy cơ hôn mê, tử vong.
Cỏ mực hay còn gọi là cây nhọ nồi, là một vị thuốc trong Đông y, tác dụng thường được biết đến để cầm máu.
Theo bác sĩ, nhiều người bệnh bị suy thận tự dừng điều trị và thay thế hoặc uống kèm thêm các loại lá cây học theo trên mạng xã hội khiến bệnh nặng hơn, không thể hồi phục, phải lọc máu suốt đời.
Thực tế, các loại thuốc khi đưa vào cơ thể có hai cách đào thải là qua gan và thận. Trong trường hợp người bệnh đã suy giảm chức năng thận lại bắt thận làm việc thêm nữa, vô tình góp phần làm chức năng suy giảm hơn.
Bác sĩ khuyến cáo, với bệnh nhân có bệnh lý về thận, tuyệt đối không nên tùy tiện sử dụng các loại thuốc khi không có chỉ định, kể cả những bài thuốc đông y cũng phải do bác sĩ y học cổ truyền kê, tránh tiền mất tật mang.
Tháng 11/2023, một người phụ nữ 60 tuổi (Hà Nội) uống thuốc nam điều trị sỏi thận. 10 ngày sau bị tổn thương da, đỏ thẫm, tổn thương bọng nước nhăn nheo, trợt da, hoại tử da rải rác tay chân, sau đó nhanh chóng lan toàn thân.
Sau thăm khám người bệnh được chẩn đoán dị ứng thuốc thể ten (Toxic Epidermal Necrolysis), hay còn gọi là hoại tử thượng bì nhiễm độc sau dùng thuốc nam điều trị sỏi thận và chỉ định nhập viện điều trị.
Bác sĩ khuyên người dân không tự ý sử dụng thuốc khi có bệnh, nên đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ khám và kê đơn thuốc điều trị thích hợp. Khi có dấu hiệu nghi ngờ dị ứng thuốc như khó thở, đau bụng, nổi ban đỏ, sẩn phù, bọng nước nên dừng ngay thuốc đang uống và đi khám tại các cơ sở y tế gần nhất.
Theo AN BÌNH (VTC News)