Các địa phương cần tuân thủ lịch xuống giống để né khô hạn, né rầy
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 12/2024 đến tháng 2/2025, hiện tượng ENSO duy trì ở trạng thái La Nina với xác suất khoảng 65 - 75%. Do đó, sẽ có bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông xuất hiện, gây ảnh hưởng đến đất liền trong thời gian này. Mùa mưa ở Nam Bộ có thể kết thúc muộn hơn bình thường, khoảng nửa cuối tháng 12/2024; tháng 1 - 2/2025 có thể xuất hiện mưa trái mùa. Sở NN&PTNT khuyến cáo lịch thời vụ xuống giống vụ đông xuân năm 2024 - 2025 toàn tỉnh bắt đầu từ ngày 1/11 đến ngày 31/12/2024 (nhằm ngày 1/10 đến ngày 1/12 âm lịch).
Để né khô hạn và chia sẻ nguồn nước, các địa phương thực hiện xuống giống đợt 1 từ ngày 1/11 đến 15/11/2024, tập trung tiểu vùng sản xuất 2 vụ tại các huyện: Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Phú, An Phú, Phú Tân, vùng ngoài đê bao giáp biên giới Campuchia và các tiểu vùng ngưng sản xuất vụ thu đông tại huyện Phú Tân, An Phú, TX. Tân Châu, diện tích khoảng 80.000ha. Trong đợt 2, từ ngày 16/11 đến 15/12/2024, xuống giống vụ đông xuân đại trà đối với vùng sản xuất lúa 3 vụ/năm, diện tích khoảng 120.000ha toàn tỉnh.
Trong đợt 3, xuống giống từ ngày 16/12 đến ngày 31/12/2024, tại các tiểu vùng nằm trong kế hoạch xả lũ vụ thu đông 2024, các diện tích còn lại rải rác tại huyện Tri Tôn, Chợ Mới, Châu Phú, An Phú, TX. Tân Châu, Tịnh Biên. Đồng thời, khuyến cáo các địa phương thực hiện xuống giống né rầy, chia làm 2 đợt: Từ ngày 18/11 đến ngày 30/11/2024, diện tích khoảng 60.000ha; từ ngày 18/12 đến ngày 30/12/2024, diện tích khoảng 80.000 ha.
Căn cứ lịch xuống giống, tổng diện tích né rầy trong vụ đông xuân 2024 - 2025 đạt 61,5% diện tích kế hoạch xuống giống. Diện tích xuống giống ngoài khung lịch né rầy, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh xây dựng kế hoạch riêng để phối hợp với địa phương, cơ quan có liên quan bảo vệ tốt sản xuất. Tùy theo tình hình rầy nâu vào bẫy đèn ở từng địa phương, sẽ có lịch xuống giống cụ thể, nhưng phải tuân thủ lịch xuống giống đồng loạt, tập trung, né rầy và theo khung lịch thời vụ chung của tỉnh.
Về cơ cấu giống lúa, các địa phương tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT. Mỗi địa phương xác định cơ cấu giống gồm 4 - 5 giống chủ lực, 4 - 5 giống bổ sung và vài giống triển vọng mới; cơ cấu mỗi giống không quá 20%; phấn đấu sử dụng 80% giống lúa chất lượng cao. Căn cứ vào số liệu theo dõi về tình hình giá lúa, Sở NN&PTNT nhận thấy các giống lúa: OM9582, Đài Thơm 8, OM5451, OM7347, OM6976, OM18, Jasmine 85, OM9577, OM4900, Nàng Hoa 9… được doanh nghiệp thu mua giá cao và theo chiều hướng tăng. Đây cũng là những giống lúa phù hợp với thời tiết vụ đông xuân, do đó các địa phương có biện pháp chỉ đạo, khuyến cáo nông dân sản xuất trong vụ sản xuất tới. Đối với tiểu vùng có thời gian xuống giống muộn vào cuối tháng 12/2024, nên chọn nhóm giống ngắn ngày, như: OM5451, OM380, OM34 để kịp thời vụ.
Dự kiến, kế hoạch diện tích xuống giống vụ đông xuân 2024 - 2025 là 245.027ha. Trong đó, có 227.916ha lúa và 17.111ha rau màu, vụ mùa 3.643 ha. Ước năng suất lúa bình quân vụ đông xuân đạt 7,4 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng gần 1,7 triệu tấn. Riêng vụ mùa ước năng suất 4,16 tấn/ha, sản lượng đạt 15.156 tấn. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu sản xuất vụ đông xuân 2024 - 2025, Sở NN&PTNT yêu cầu các địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết, tuân thủ lịch xuống giống né rầy, tránh hạn hán và xâm nhập mặn, nhằm đảm bảo diện tích, năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, an toàn sâu bệnh và cân đối cung cầu.
Đặc biệt, cần xây dựng kế hoạch, triển khai tốt sản xuất lúa vụ đông xuân 2024 - 2025 và cả năm 2025 tham gia trong Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Tiếp tục tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình sản xuất giảm phát thải, sản xuất lúa chất lượng cao phát thải thấp, giảm chi phí sản xuất, bảo vệ sức khỏe đất trên cơ sở đảm bảo phòng, chống lũ trong mùa mưa, hạn hán trong mùa khô.
Ngành nông nghiệp tăng cường tập huấn, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt biện pháp kỹ thuật, như: Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, tiêu chuẩn SRP, GlobalGAP, IPHM... Chú trọng bón phân cân đối kết hợp tưới nước tiết kiệm, giúp cây lúa khỏe, hạn chế đổ ngã và giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất. Thường xuyên tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm, hướng dẫn nông dân biện pháp ứng phó kịp thời để bảo vệ năng suất lúa tốt hơn. Cùng với đó, các ngành, địa phương cần chủ động kết nối thông tin doanh nghiệp, thương lái thu mua lúa, nếp, giúp tiêu thụ hết sản lượng thu hoạch của nông dân.
MINH QUÂN