Chuẩn bị hồ sơ Khu Di tích Văn hóa Óc Eo - Ba Thê trở thành Di sản thế giới

25/04/2022 - 06:42

 - Sau gần 4 năm thực hiện đề án “Nghiên cứu Khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam Bộ)”, các nhà nghiên cứu đã có thêm nhiều minh chứng khoa học về nền văn hóa Óc Eo. Với những kết quả nghiên cứu đạt được, cùng những nỗ lực tôn tạo, bảo tồn di tích xuyên suốt nhiều thập niên qua, Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê đã chính thức được UNESCO đưa vào danh sách dự kiến lập hồ sơ Di sản thế giới.

 

Lãnh đạo tỉnh An Giang và các chuyên gia nghiên cứu, tìm hiểu hiện vật tại Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo

Dấu ấn đô thị cổ

Tại lễ công bố kết quả thực hiện đề án, PGS.TS Bùi Nhật Quang (Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, sau gần 4 năm thực hiện (2017-2020), kết quả khai quật khảo cổ học tại Óc Eo - Ba Thê (tỉnh An Giang) và Nền Chùa (tỉnh Kiên Giang) đã phát hiện được nhiều loại hình di tích quan trọng. Trong đó có minh chứng rõ ràng và thuyết phục về đặc điểm, tính chất của “đô thị cổ” trên cánh đồng Óc Eo, vốn là nơi tụ cư ven kênh rạch với sinh kế nông nghiệp và thương nghiệp nổi trội, có mối giao lưu văn hóa, thương mại, hàng hải phát triển, liên kết nhiều khu vực trên thế giới thời bấy giờ.

TS Phạm Quốc Quân (Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia) thông tin, trong phạm vi đô thị cổ Óc Eo, mặc dù đã bị phá hủy rất nhiều, nhưng kết quả khai quật tại 4 địa điểm: Gò Giồng Cát, gò Giồng Trôm, gò Óc Eo, Lung Lớn trong diện tích 5.816m2 đã thu được nhiều tư liệu mới. Đã tìm thấy 2.376.466 hiện vật khảo cổ, xác nhận rõ ràng và đầy đủ về tính chất, niên đại của khu vực này trong phức hợp của đô thị cổ Óc Eo.

Đây từng là khu vực cư trú sầm uất trên các điểm gò cao và ven dòng kênh cổ của đô thị Óc Eo đương thời, trong khoảng thời gian từ thế kỷ II-V. Từ phát hiện và nghiên cứu này, các nhà khoa học khẳng định, Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa được xem như là một phức hợp đô thị cổ có vai trò quan trọng trong việc hình thành Vương quốc Phù Nam - quốc gia cổ đại từng phát triển rực rỡ, ảnh hưởng trực tiếp, mạnh mẽ đến các quốc gia Đông Nam Á, tồn tại từ đầu công nguyên đến thế kỷ VII.

Nhận xét những điểm mới của đề án, PGS.TS Bùi Văn Liêm (Tổng Biên tập Tạp chí Khảo cổ học, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia) cho biết, tại chân núi Ba Thê, kết quả tái điều tra và khai quật mới tại 4 địa điểm: Chùa Linh Sơn, Linh Sơn Bắc, gò Sáu Thuận và gò Út Trạnh trong tổng diện tích khai quật 10.185m2 đã phát lộ quần thể kiến trúc tôn giáo được quy hoạch xây dựng có quy mô lớn và rất kiên cố, gồm: Hệ thống đền thờ, cổng, tường bao, con đường hành lễ, giếng nước thiêng… nhằm phục vụ cho các hoạt động nghi lễ tôn giáo của đô thị Óc Eo, có niên đại từ khoảng thế kỷ I đến thế kỷ XII. Trong đó, khu vực Linh Sơn và gò Sáu Thuận được xem là vùng lõi của trung tâm tôn giáo quan trọng này.  

Các phát hiện và nghiên cứu mới góp phần nhận diện rõ nét đời sống vật chất, tinh thần, tính chất của các di tích kiến trúc, vai trò của dòng kênh cổ Lung Lớn, các hình thái cư trú và quan hệ văn hóa của cư dân Óc Eo qua hệ thống thương mại hàng hải thời bấy giờ. “Đề án đưa ra nhận định, khu di tích Óc Eo - Ba Thê là một trung tâm đô thị, trung tâm kinh tế, trung tâm văn hóa, trung tâm tôn giáo lớn và quan trọng nhất của Vương quốc Phù Nam. Đây là nhận định có sức thuyết phục cao, phản ánh giá trị di sản văn hóa Óc Eo, minh chứng An Giang là trung tâm đô thị, trung tâm kinh tế, văn hóa của Vương quốc Phù Nam trong lịch sử” - PGS.TS Bùi Văn Liêm nhấn mạnh.

Khai quật khảo cổ học Khu Di tích Văn hóa Óc Eo - Ba Thê

Chuẩn bị hồ sơ minh chứng

Giám đốc Ban Quản lý Khu Di tích Văn hóa Óc Eo Nguyễn Hữu Giềng cho biết: “Đến nay, ban quản lý đã có văn bản trình UBND tỉnh An Giang, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, gửi Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, có công hàm đến UNESCO để cử chuyên gia quốc tế hỗ trợ tư vấn đánh giá, củng cố hồ sơ. Cùng với đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định về việc thành lập ban chỉ đạo và Tổ công tác xây dựng hồ sơ khu Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê (tỉnh An Giang) trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Theo hướng dẫn của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, công tác xây dựng hồ sơ phải đảm bảo đúng tiến độ, yêu cầu, hoàn chỉnh theo mẫu quy định gửi tới Trung tâm Di sản thế giới UNESCO. Cùng với đó, Ban Quản lý Khu Di tích Văn hóa Óc Eo tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học làm rõ những giá trị nổi bật của khu di tích. Đến nay, các nội dung của hồ sơ khoa học di tích đã cơ bản đi vào giai đoạn 2, dự kiến thời gian cho các cuộc khảo sát và đánh giá có thể diễn ra từ tháng 7 đến tháng 10/2022”.

“Từ những kết quả nghiên cứu mới nhất, cùng với quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê đã tạo nền tảng vững chắc để khu di tích có thể hoàn thiện hồ sơ minh chứng hướng đến được công nhận là Di sản thế giới. Cùng với đó, các quy hoạch đã nêu những định hướng cụ thể trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê trở thành khu nghiên cứu khảo cổ học, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, du lịch của địa phương.

Những tiêu chí, điều kiện để Khu Di tích Óc Eo - Ba Thê trở thành Di sản thế giới đã hội tụ đầy đủ, điều quan trọng nhất là quá trình làm hồ sơ minh chứng, thuyết minh và bảo vệ tại hội đồng. Chúng tôi đang nỗ lực thực hiện theo sự hướng dẫn của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, để Khu Di tích Văn hóa Óc Eo - Ba Thê sớm trở thành Di sản thế giới” - ông Nguyễn Hữu Giềng thông tin.

NGỌC GIANG