Chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản

12/12/2023 - 07:04

 - ĐBSCL nói chung, tỉnh An Giang nói riêng quen gắn bó, sống nhờ vào nguồn lợi thủy sản thiên nhiên “trời ban”. Nhưng nguồn lợi vơi dần, tái tạo không kịp tốc độ “tận diệt” của một bộ phận người dân. Điều này đã được nhận ra từ lâu, cảnh báo liên tục, gây bức xúc trong đời sống xã hội.

Người dân khai thác thủy sản

Quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản là nội dung trọng điểm được đưa ra chất vấn tại kỳ họp thứ 8 (giữa năm 2022) HĐND tỉnh. Cam kết trước cử tri, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang khẳng định sẽ chủ trì, tiếp tục phối hợp lực lượng công an, UBND các cấp tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm theo thẩm quyền đối với hành vi sử dụng hóa chất cấm, chất độc, xung điện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác thủy sản; tuyên truyền số điện thoại đường dây nóng để người dân báo tin ngành chức năng, xử lý kịp thời. Sau ngày 1/1/2023, Sở NN&PTNT tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm theo Thông tư 01/2022/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT.

Sở NN&PTNT ban hành Công văn 2321/SNNPTNT-CCTS, ngày 14/11/2022, triển khai tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi
thủy sản trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch 88/KH-SNNPTNT, ngày 11/9/2023 về tuyên truyền Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn liên quan. Trong đó, tập trung công tác phối hợp chặt chẽ giữa sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương, tuyên truyền việc quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên
địa bàn tỉnh.

Nhiều kỳ họp HĐND tỉnh sau đó, nhất là kỳ họp thứ 17 (cuối năm 2023), nội dung này tiếp tục được đưa ra chất vấn. Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh An Giang Bùi Công Bằng đặt vấn đề: “Chúng tôi chứng kiến cảnh người dân xuyệt điện đánh bắt cá ban đêm tại TP. Long Xuyên, trong khi ngành chức năng thường chỉ kiểm tra ban ngày. Những hành vi này ảnh hưởng thế nào đến nguồn lợi thủy sản, môi trường sống? Giải pháp xử lý triệt để cần thực hiện là gì?”.

Theo Sở NN&PTNT An Giang, từ năm 2022 đến nay, đơn vị phối hợp Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ, tỉnh Đồng Tháp, Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT), các địa phương trong tỉnh tổ chức 3 đợt thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản; tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp trên 2 tỷ đồng; thả tái tạo được hơn 3,2 tấn cá giống (khoảng 1,3 triệu loại quý, hiếm, bản địa và có giá trị kinh tế).

Đơn vị phối hợp triển khai 42 đợt kiểm tra tuyến sông Hậu, sông Tiền và các sông, kênh, rạch khác trong tỉnh, điểm nóng về khai thác thủy sản bằng ngư cụ cấm. Kiểm tra 209 phương tiện khai thác thủy sản, phát hiện 52 vụ vi phạm về kích thước mắt lưới, sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản; xử phạt vi phạm hành chính trên 110 triệu đồng, tịch thu tang vật vi phạm (25 dynamo, 27 kích điện, 27 bình ắc-quy). Cấp huyện triển khai 88 đợt, kiểm tra 300 phương tiện khai thác thủy sản, phát hiện 90 vụ vi phạm về kích thước mắt lưới, sử dụng công cụ kích điện; xử phạt vi phạm hành chính trên 150 triệu đồng, tịch thu 40 dynamo, 30 kích điện, 30 bình ắc-quy, 20 ngư cụ khai thác trái phép.

Lần trả lời chất vấn này, Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho rằng, giải pháp đơn vị đặt ra trọng tâm vẫn là tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản; đẩy mạnh nội dung tuyên truyền về bảo vệ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; ngăn chặn phát tán loài thủy sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại môi trường, với hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, phù hợp với thực tế.

Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh, UBND cấp huyện tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm theo thẩm quyền đối với hành vi sử dụng hóa chất cấm, chất độc, xung điện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác thủy sản. Sở NN&PTNT tiếp tục chủ trì, phối hợp sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, tổ chức tôn giáo trong tỉnh tổ chức thả cá định kỳ để tái tạo nguồn lợi thủy sản.

“Chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp sử dụng ngư cụ cấm khai thác thủy sản; người điều khiển tàu cá không có bằng thuyền trưởng, không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ trang
thiết bị an toàn tàu cá; có chính sách đào tạo nghề mới cho ngư dân (đặc biệt là ngư dân sử dụng ngư cụ cấm) về học nghề, vay vốn ưu đãi, hỗ trợ sản xuất ban đầu ở ngành nghề mới. Tiếp tục tuyên truyền số điện thoại đường dây nóng trên phương tiện thông tin đại chúng, trụ sở chính quyền, cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp và một số nơi công cộng, để người dân kịp thời báo tin khi phát hiện trường hợp vi phạm” - Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm nhấn mạnh.

“Việc xử lý khai thác thủy sản bằng ngư cụ cấm không thể giải quyết trong ngày một ngày hai, mà cần thời gian, cần sự phối hợp của nhiều đơn vị, địa phương. Toàn tỉnh phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng đề nghị.

VẠN LỘC