Chuyển biến trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động

30/05/2018 - 07:04

 - Những năm qua, các ngành chức năng phối hợp doanh nghiệp (DN) đã triển khai nhiều hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực, trong đó có công tác tuyên truyền an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Qua đó, góp phần tạo chuyển biến về nhận thức của DN cũng như người lao động (NLĐ) trong công tác đảm bảo ATVSLĐ, ngăn ngừa nguy cơ gây tai nạn, tạo môi trường làm việc an toàn cho NLĐ.

Chuyển biến tích cực

Để thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo ATVSLĐ cho NLĐ, thời gian qua, công tác tuyên truyền, giáo dục được thực hiện thường xuyên trong tất cả các cơ quan, đơn vị, DN và toàn xã hội, tạo sự chuyển biến tích cực trong các đơn vị. Biểu hiện rõ nhất là việc đổi mới dây chuyền công nghệ, quan tâm thực hiện các vấn đề đảm bảo ATVSLĐ.

Ngoài ra, công tác thanh, kiểm tra được tăng cường thực hiện ở các đơn vị sản xuất ở các ngành, nghề, lĩnh vực có nhiều nguy cơ không đảm bảo ATLĐ. Qua đó, kịp thời nhắc nhở và hướng dẫn các DN khắc phục thiếu sót, tăng cường công tác huấn luyện ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ.

Nhờ các hoạt động trên nên nhận thức của NLĐ và người sử dụng LĐ được nâng cao rõ rệt. Công tác đảm bảo ATVSLĐ đã thu hút sự quan tâm của toàn xã hội; điều kiện làm việc ở các DN được cải thiện, tai nạn LĐ và bệnh nghề nghiệp giảm.

Đảm bảo ATVSLĐ, doanh nghiệp hưởng lợi nhiều nhất

Theo Phó Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đặng Văn Kể, nhận thức của người sử dụng LĐ và NLĐ về công tác ATVSLĐ đang có chuyển biến tích cực.

Thể hiện rõ nhất là các đơn vị đã chủ động phối hợp đoàn kiểm tra liên ngành trong việc thanh, kiểm tra công tác đảm bảo ATVSLĐ tại đơn vị, thay vì trốn tránh hoặc đối phó như trước đây.

Nhiều đơn vị xem những đợt kiểm tra liên ngành là cơ hội để họ khắc phục những tồn tại, thiếu sót và hoàn thiện hơn trong thực hiện pháp luật LĐ, ATVSLĐ hướng đến xây dựng văn hóa ATLĐ trong đơn vị.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đơn vị chưa thực hiện tốt công tác đảm bảo ATVSLĐ, chủ yếu tập trung ở các DN vừa và nhỏ, kinh tế hộ gia đình. Các đơn vị này do điều kiện khó khăn nên chỉ tập trung vào sản xuất - kinh doanh mà chưa xây dựng được các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ.

Giảm tần suất tai nạn LĐ

Giai đoạn 2016-2020, thực hiện chương trình quốc gia về ATVSLĐ, tỉnh đề ra mục tiêu: trung bình hàng năm giảm 5% tần suất tai nạn LĐ chết người; trên 50% NLĐ làm việc tại các cơ sở có nguy cơ bị các bệnh nghề nghiệp phổ biến được khám và phát hiện bệnh nghề nghiệp; trên 70% DN lớn, 30% DN vừa và nhỏ có nguy cơ cao về bệnh nghề nghiệp thực hiện quan trắc môi trường LĐ; 100% người LĐ đã xác nhận bị tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp được điều trị và phục hồi chức năng LĐ theo quy định của pháp luật; 100% số vụ tai nạn LĐ chết người được khai báo, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật...

Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đặng Thị Hoa Rây, để thực hiện mục tiêu trên, thời gian tới, ngành chức năng, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Luật An toàn LĐ, công tác ATVSLĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ. Tăng cường hướng dẫn người sử dụng LĐ, tập huấn, huấn luyện cho người LĐ về công tác ATVSLĐ...

Đồng thời, NLĐ cần chấp hành nghiêm những nội quy, quy trình và biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc; sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang bị; tham dự đầy đủ các lớp tập huấn về ATVSLĐ và chủ động phòng, ngừa các yếu tố nguy hiểm, có hại nơi làm việc, có biện pháp ngăn ngừa nhằm hạn chế các tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp xảy ra.

“Đảm bảo ATVSLĐ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN, tác động trực tiếp đến năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị của sản phẩm. Vì vậy, đảm bảo ATVSLĐ, DN được hưởng lợi nhiều nhất”- ông Đặng Văn Kể nhận định.

 

ĐỨC TOÀN