Tham quan mô hình canh tác lúa theo tiêu chuẩn SRP tại Hợp tác xã Nông nghiệp Vọng Đông (huyện Thoại Sơn)
Nhiều gói hỗ trợ thiết thực
Dự án GIC do Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ, thông qua Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), được triển khai giai đoạn 2021 - 2025 tại 6 tỉnh ĐBSCL, trong đó có An Giang. Năm 2023, dự án với 4 gói hỗ trợ: “Huấn luyện nông dân, xây dựng mô hình và các hỗ trợ khác về sản xuất lúa”, “Lớp học kinh doanh cho nông dân”, “Nâng cao năng lực kinh doanh cho các hợp tác xã (HTX) lúa gạo”, “Nâng cao chuỗi giá trị xoài”, góp phần nâng cao nhận thức của nông dân về sản xuất nông nghiệp bền vững, giảm thiểu tác động đến môi trường…
Theo Ban Quản lý (BQL) Dự án GIC tỉnh An Giang, năm 2023, dự án đã triển khai 62 “Lớp học kinh doanh cho nông dân”, với sự tham gia của 17 HTX, 1.461 lượt nông dân tham gia. Đồng thời, triển khai 8 lớp tập huấn “Nâng cao năng lực kinh doanh cho các HTX lúa gạo” cho 17 HTX, với 170 đối tượng là cán bộ quản lý, điều hành HTX tham gia.
Với gói hỗ trợ “Huấn luyện nông dân, xây dựng mô hình và các hỗ trợ khác về sản xuất lúa”, Dự án GIC đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân nâng cao trình độ canh tác lúa. Trong đó, tập trung các nội dung: Tập huấn canh tác lúa gạo bền vững SRP; tập huấn về quản lý dịch hại tổng hợp, quản lý dư lượng và công nghệ sinh thái; thực hành các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn SRP; hỗ trợ nông dân tham gia chứng nhận SRP; thu thập các dữ liệu và đánh giá về thực hành SRP; tính toán, phân tích và đánh giá các số liệu về phát thải khí nhà kính từ canh tác lúa.
Anh Nguyễn Vũ Linh (cán bộ Dự án GIC) cho biết, SRP (Sustainable Rice Platform) là tiêu chuẩn được nhiều quốc gia áp dụng hiện nay, được Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) và Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) đưa ra vào năm 2011. SRP đưa ra một khung quy định các yêu cầu thực hiện sản xuất bền vững trong chuỗi cung ứng lúa gạo, giúp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng, giá trị và thương hiệu lúa gạo Việt Nam.
Việc huấn luyện giúp nông dân tiếp cận với mô hình canh tác lúa an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường. Theo kết quả trình diễn khi áp dụng các đổi mới sáng tạo, tổng chi phí đầu tư mô hình trình diễn khoảng 21,25 triệu đồng/ha, so với ruộng đối chứng gần 23,7 triệu đồng/ha. Lợi nhuận bình quân ruộng trình diễn đạt gần 40 triệu đồng/ha, còn ruộng đối chứng khoảng 27,5 triệu đồng/ha.
Những chuyển biến tích cực
Dự án GIC còn triển khai gói hỗ trợ “Nâng cao chuỗi giá trị xoài”. Qua đó, đã tổ chức 10 lớp tập huấn trong và ngoài tỉnh, gồm cả lý thuyết, thực hành. Việc triển khai các gói hỗ trợ trong Dự án GIC đã mang lại những kết quả khả quan. Nông dân có những thông tin mới về sản xuất xoài, đặc biệt là kỹ thuật bảo quản, giảm thất thoát trong quá trình sản xuất. Nhà vườn có nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc phân tích dinh dưỡng trong đất, giúp xây dựng được công thức phân bón phù hợp. Dự án còn tập trung hướng dẫn các HTX cách thức quảng bá và giới thiệu sản phẩm nhằm chủ động giải quyết đầu ra nông sản; hỗ trợ phát triển sản phẩm giá trị gia tăng từ trái xoài thô.
Theo anh Linh, hạn chế hiện nay là tỷ lệ nông dân áp dụng quy trình SRP, quản lý sâu hại, dịch bệnh theo IPM vào sản xuất còn thấp, một số yêu cầu khó chưa thực hiện tốt được. Bên cạnh đó, chưa có doanh nghiệp thu mua lúa đạt tiêu chuẩn SRP nên nông dân còn chưa mạnh dạn áp dụng. Các trưởng nhóm nông dân, HTX vẫn chưa thực hiện tốt việc đánh giá nội bộ (cấp độ 1) về thực hành tiêu chuẩn SRP…
Thời gian tới, BQL Dự án GIC tỉnh An Giang đề nghị BQL Dự án Trung ương và Tổ chức GIZ tăng cường các hoạt động giới thiệu và kết nối thị trường đối với lúa, nếp được canh tác theo tiêu chuẩn SRP, đáp ứng MRLs và xoài. Từ đó, dễ dàng triển khai các hoạt động kỹ thuật và thu hút sự quan tâm của các HTX, nông dân đối với việc triển khai, thực hiện dự án… Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng các mô hình đổi mới sáng tạo về nông nghiệp tuần hoàn, giảm phát thải… để nông dân, HTX hiểu, thực hành, ứng dụng vào sản xuất, góp phần cải thiện thu nhập và bảo vệ môi trường.
Đồng thời, tiếp tục công tác tuyên truyền, huấn luyện về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) an toàn và hiệu quả cho nhà vườn; tập trung thí điểm các mô hình mẫu về sử dụng thuốc BVTV vi sinh, phân bón hữu cơ… giúp quản lý tốt dư lượng thuốc BVTV trong sản phẩm.
ĐỨC TOÀN