Chuyển đổi cây trồng thích ứng thổ nhưỡng tại xã Lương An Trà

06/09/2021 - 23:56

 - Không còn độc canh cây lúa, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) đã tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển các loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao. Nhiều mô hình đã và đang phát triển thuận lợi, giúp nông dân nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.

Cây na Thái là một trong những cây trồng mới được đưa vào canh tác tại xã Lương An Trà

Lương An Trà là xã vùng sâu của huyện miền núi Tri Tôn, người dân chủ yếu canh tác lúa. Tuy nhiên, địa phương có nhiều vùng đất bị nhiễm phèn, khiến cho việc canh tác của bà con gặp khó khăn. Ngoài ra, việc canh tác lúa thời gian gần đây không được thuận lợi bởi sâu bệnh, dịch hại thường xuyên xảy ra. Do đó, không ít nông dân mạnh dạn lựa chọn loại cây trồng phù hợp để đưa vào sản xuất.

Trước đây anh Lê Minh Sang chủ yếu trồng lúa, diện tích canh tác khoảng 15ha, nhưng hiệu quả không cao. Nhận thấy mô hình trồng cây na Thái đang phát triển ở nhiều địa phương, năm 2019, anh Sang quyết định chuyển đổi 1,8ha đất để trồng loại cây tiềm năng này. Đến nay, sau 2 năm canh tác, diện tích na Thái của gia đình anh đã cho “trái ngọt”.

Anh Sang cho biết, cây na Thái dễ sống, không kén chọn đất. Loại cây trồng này ít bị sâu bệnh, trong quá trình canh tác không sử dụng nhiều phân bón, thuốc hóa học nên chi phí đầu tư thấp. Đặc biệt, cây na Thái có thể cho trái 2 đợt/năm, giúp nông dân đảm bảo được nguồn thu. Tuy nhiên, đặc thù địa phương là đất phèn, nên trước khi xuống giống phải xử lý đất trước, đồng thời sử dụng thuốc kích rễ tạo điều kiện cho cây phát triển khỏe mạnh, hạn chế sâu bệnh.

“Cây na Thái trồng 1,5 năm là có thể cho trái. Cây trồng càng lâu, tán càng lớn, cho năng suất càng cao. Vụ đầu tiên sản xuất, tôi xử lý ra trái và thu hoạch 1/2 diện tích, năng suất ước đạt 2 tấn. Nhờ cây cho trái to, đẹp, nên thương lái thu mua với giá khá cao: 50.000 đồng/kg đối với trái loại 1 và 25.000 đồng/kg đối với trái loại 2. Sau khi trừ chi phí sản xuất, gia đình tôi thu về lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng. Hiệu quả bước đầu rất khả quan. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này trên toàn bộ diện tích đất của gia đình” - anh Sang chia sẻ.

Giống như anh Sang, ông Phạm Tấn Lộc (ngụ ấp Cà Na) thấu hiểu những khó khăn trong việc canh tác lúa. Tuy nhiên, ông Lộc chọn cây mít Thái làm cây chủ lực để phát triển kinh tế gia đình. Theo ông Lộc, một trong những ưu điểm của cây mít Thái là thời gian cho trái khá sớm (khoảng 18 tháng sau khi trồng) nên nông dân mau thu hồi vốn. Loại cây này rất dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư hầu như không đáng kể.

Ngoài ra, giá loại nông sản này dù biến động, nhưng nhờ thu hoạch quanh năm nên người trồng ít bị ảnh hưởng. “Giá mít Thái có thời điểm khoảng 60.000 đồng/kg, thấp nhất 17.000-18.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nhờ chi phí thấp nên nông dân vẫn đảm bảo được lợi nhuận” - chú Lộc chia sẻ.

Trên đây là 2 trong nhiều nông dân mạnh dạn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương. Có thể thấy, việc chuyển đổi đã và đang mang lại hiệu quả rõ nét, thu nhập của nông dân tăng cao so với trước. Chủ tịch Hội Nông dân xã Lương An Trà Nguyễn Đông cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, toàn xã chuyển đổi trên 43ha đất diện tích trồng lúa sang các loại cây trồng khác nhau, tập trung chủ yếu, như: nhãn, chanh, xoài, mít Thái, na Thái… Nhiều loại cây trồng thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng, lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây trồng truyền thống trước đó tại địa phương.


“Để giúp đỡ hội viên nông dân chuyển đổi hiệu quả, ngoài công tác tuyên truyền và vận động, Hội Nông dân xã triển khai các nguồn vốn vay để hội viên đầu tư, mở rộng sản xuất. Ngoài ra, Hội Nông dân xã còn phối hợp các đơn vị tổ chức lớp đào tạo nghề; hội thảo khoa học; hỗ trợ đầu ra cho nông sản... Từ đó đã tạo điều kiện để nông dân mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất” - ông Đông chia sẻ.

Thời gian tới, địa phương sẽ tích cực tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tận dụng tiềm năng và thế mạnh của địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân trong việc tiếp cận nguồn vốn, khoa học - kỹ thuật... giúp nông dân biết được nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả để phát triển kinh tế gia đình.

ĐỨC TOÀN