Hai tháng nay, lượng điện tiêu thụ ở TP HCM tăng cao kỷ lục do nắng nóng kéo dài. Dưới đây là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Văn Liêm - Đại học Bách khoa TP HCM về kinh nghiệm sử dụng các thiết bị điện tiết kiệm và thông minh.
1. Với hộ gia đình
Theo PGS Liêm, với các thiết bị chiếu sáng, các hộ gia đình nên thay các loại đèn thông thường bằng các loại đèn compact hoặc đèn LED tiêu thụ ít năng lượng hơn. Ngoài ra, ban ngày nên tận dụng ánh sáng tự nhiên và tắt các đèn khi không sử dụng.
Không nên chỉnh màn hình TV ở chế độ quá sáng và âm thanh quá lớn và nên tắt TV khi không có người xem. Nếu TV không được sử dụng trong thời gian dài thì nên tắt TV bằng nút nguồn và rút dây điện ra khỏi nguồn điện.
Tương tự TV, không nên chỉnh âm thanh quá lớn vì như vậy sẽ gây ồn ào và tiêu thụ nhiều điện. Ngoài ra, nếu hệ thống này không được sử dụng trong thời gian dài thì nên tắt và rút dây điện ra khỏi nguồn điện.
Chỉ sử dụng máy giặt khi đủ lượng đồ cần giặt và nên phân loại đồ theo mức độ bẩn để chọn chế độ giặt phù hợp và lưu ý chỉ dùng chế độ giặt nước nóng khi thật cần thiết.
Không nên sử dụng nồi cơm điện quá sớm trước khi ăn nhằm hạn chế thời gian nồi cơm điện tự hâm nóng làm tăng lượng điện tiêu thụ. Ngoài ra, cần thường xuyên lau chùi sạch đáy nồi cơm và mâm nhiệt của nồi cơm điện để tiếp xúc nhiệt giữa chúng tốt hơn góp phần tiết kiệm điện năng tiêu thụ.
Máy lạnh là thủ phạm chính làm tăng điện năng tiêu thụ.
Không nên dùng bàn ủi trong phòng có bật máy lạnh vì điều này sẽ tiêu tốn nhiều điện năng. Thường xuyên lau sạch bề mặt kim loại của bàn ủi sẽ giúp nó hoạt động có hiệu quả hơn. Khi ủi, nên chỉnh nhiệt độ thích hợp cho từng loại vải và tập trung tất cả quần áo để ủi một lần nhằm tận dụng sức nóng của bàn ủi.
Ngoài các thiết bị điện kể trên, PGS Liêm cho rằng, thủ phạm làm tăng điện năng tiêu thụ và tăng tiền điện trong những ngày nắng nóng có thể kể là tủ lạnh, quạt và máy lạnh.
Theo đó, phải luôn kiểm tra gioăng để tủ lạnh không bị hở và không nên đóng mở tủ liên tục với thời gian lâu, vì như vậy tủ lạnh sẽ tiêu thụ nhiều điện năng hơn. Ngoài ra, tuyệt đối không cho đồ ăn nóng vào tủ lạnh. Cài đặt nhiệt độ của tủ lạnh phù hợp với tính chất thực phẩm. Không đặt tủ lạnh sát tường để nhiệt độ dàn nóng dễ dàng toả ra ngoài, khoảng cách ở cả 3 phía với tường không nên dưới 10 cm.
Ông đưa ra dẫn chứng, máy lạnh công suất 2 HP trong 4 giờ sẽ tiêu thụ khoảng 7 kWh (7 số điện). Để tiết kiệm, trước hết, dàn nóng nên đặt nơi thoáng gió, không bị nắng chiếu trực tiếp và không để các nguồn nhiệt trong phòng. Việc định kỳ làm vệ sinh máy lạnh (3–6 tháng một lần) sẽ giúp tiết kiệm 5-7% điện năng tiêu thụ. Ngoài ra, cần làm kín các khe cửa sổ và cửa ra vào, hạn chế số lần mở. Không nên cài đặt nhiệt độ lạnh của máy lạnh quá thấp, tốt nhất nên đặt ở nhiệt độ khoảng 24-25 độ C (ban ngày) và 25-27 độ C (ban đêm, phòng ngủ). Nếu có điều kiện, nên chọn loại máy có hiệu suất làm lạnh cao (inverter) để giảm lượng điện năng tiêu thụ.
Khi sử dụng quạt điện, nên điều chỉnh tốc độ quạt phù hợp với nhu cầu cần thiết vì khi máy quạt làm việc ở tốc độ cao nhất sẽ tiêu thụ điện nhiều nhất. Ngoài ra, cần làm vệ sinh định kỳ và tra dầu vào ổ quạt sau một thời gian sử dụng (thường khoảng 6 tháng).
2. Với các cơ sở sản xuất
PGS Liêm cho biết, để giảm lượng điện năng tiêu thụ các cơ sở sản xuất ngoài việc sử dụng đèn chiếu sáng tiết kiệm điện (Compact, LED) và tận dụng ánh sáng tự nhiên thì cần hạn chế sử dụng công suất lớn vào giờ cao điểm: từ 9h30 đến 11h30, và từ 17h đến 20h (từ thứ hai đến thứ bảy). Tắt các thiết bị điện và đèn chiếu sáng trong giờ nghỉ trưa giữa ca sản xuất và hạn chế các thiết bị hoạt động không tải.
Đối với khối hành chính, tắt các thiết bị không cần thiết khi không sử dụng, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên. Khi ra khỏi phòng (không còn làm việc) và hết giờ làm việc cần tắt hết các thiết bị điện không sử dụng. Đối với máy lạnh, nên cài đặt nhiệt độ làm mát từ 25 độ C trở lên và tắt máy lạnh trước khi hết giờ làm việc ít nhất 30 phút.
Theo HỒNG CHÂU (VnExpress)