Chuyện những người đón giao thừa ngoài đường bên cây chổi, thùng rác

21/01/2023 - 19:19

Làm nghề mấy năm cũng là bấy nhiêu năm các công nhân môi trường đón giao thừa ngoài đường bên cây chổi, thùng rác. Nhiều người trong số họ chỉ trở về quê sum vầy khi Tết đã tàn phai trên phố.

20 năm đón giao thừa ngoài phố

Gần 10 giờ đêm 29 tháng Chạp, góc đường Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) vẫn lục cục tiếng thùng rác kéo về điểm tập kết. Gió từ hồ điều hòa gần đó thông thốc thổi sang lạnh buốt. Những tấm lưng áo xanh với những dải phản quang thi thoảng lại rùng mình vì rét.

Mang theo bình nước trà đặc đã pha sẵn từ nhà, chị Ngô Thị Quang, tổ trưởng Tổ môi trường 5, Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội chi nhánh Đống Đa mời mọi người nhưng ai cũng lắc đầu. Hôm nay, lượng rác đã nhiều gấp đôi so với vài ngày trước đó.

“Mấy hôm nay, rác bắt đầu nhiều rồi. Từ sau 23 tháng Chạp đến đêm 30, rác mỗi ngày mỗi tăng. Càng sát Tết, khối lượng công việc ngày càng nhiều. Hôm nay, chắc phải tới 3-4 giờ sáng, mới có thể hoàn thành”, chị Quang kể.

Chuyện những người đón giao thừa ngoài đường bên cây chổi, thùng rác ảnh 1

21 năm trong nghề, chị Quang đã có 20 năm đón Tết ngoài đường. (Ảnh: Thành Đạt)

Cũng theo chị Quang, trong đợt cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán, Tổ môi trường 5 đã quen dần với nhịp làm việc xuyên đêm như thế. “Đêm 30, công việc sẽ còn nhiều hơn nữa. Nhưng anh chị em làm mãi rồi nên cũng thành quen”, vừa cặm cụi quét đường, chị Quang vừa kể.

Giao thừa, thời khắc thiêng liêng, mong chờ nhất trong năm lại là nỗi lo với những người làm môi trường như chị Quang và đồng nghiệp. Bởi ngoài việc phải xa chồng, xa con, xa người thân, họ lại phải đối mặt với cả một “núi” rác từ các công viên, điểm bắn pháo hoa, điểm vui chơi hay những dịch vụ bán cành lộc. Khi mọi người chen nhau ra phố, các chị lại phải “mở thật to mắt”, nhìn trước nhìn sau xem có ai xả rác không để nhặt.

Chuyện những người đón giao thừa ngoài đường bên cây chổi, thùng rác ảnh 2

Dịp Tết, lượng rác thải ngày càng nhiều khiến cho công việc của những công nhân vệ sinh môi trường càng thêm vất vả.

Dịp Tết vất vả là vậy nên anh em trong nghề môi trường mới hay bông đùa với nhau, nếu ai vượt qua được mấy ngày Tết thì sẽ trụ lại được với nghề này lâu dài. Bằng không sẽ chỉ trong ngày một ngày hai là tự khắc nộp đơn xin nghỉ việc.

Ngừng lại một lát, chị Quang tiếp tục kể: Trong suốt 21 năm làm công nhân vệ sinh môi trường thì đã có đến 20 năm chị đón Giao thừa ngoài phố cùng chổi tre và xe rác. Tết đầu tiên phải “ra đường”, nhìn từng cặp đôi nam nữ thanh niên bằng tuổi mình cầm tay nhau đi chơi, nước mắt chị cứ trực trào ra vì tủi thân, vì không được gần gũi, sum vầy với gia đình. Nhưng rồi, công việc cứ cuốn chị đi. Để rồi, sau nhiều năm, gia đình chị có nhịp… cúng năm mới rất khác.

Với công nhân môi trường, Tết như một phép thử. Ai vượt qua được mất ngày Tết thì sẽ trụ lại được với nghề này lâu dài. Bằng không sẽ chỉ trong ngày một ngày hai là tự khắc nộp đơn xin nghỉ việc.

“Thông thường, năm nào cũng vậy, phải rạng sáng Mùng Một chúng tôi mới dọn dẹp cơ bản xong. Lúc ấy, tôi mới có thể về nhà, mang mâm cỗ đã chuẩn bị sẵn… từ hôm trước ra sân cúng, mời các cụ về ăn Tết. Khi ấy, cũng đã 3-4 giờ sáng rồi”, chị Quang bật cười kể.

Trong suốt hơn 20 năm gắn bó với nghề, duy nhất một năm chị Quang… được ăn Tết với gia đình một cách bất dĩ. Vào năm 2007, khi đi làm việc trên đường Nguyễn Chí Thanh, chị bị một chiếc xe máy tông gãy chân. Chấn thương nặng buộc chị phải nghỉ 11 tháng, đồng thời cũng cho chị cơ hội hiếm hoi được ở cạnh người thân khoảng khắc xuân về.

Tết xa quê để giữ cho Thủ đô xanh

23 giờ đêm 29 tháng Chạp. Tiếng lọc cọc của bánh xe rác trên đường, tiếng chổi tre loẹt quẹt vẫn vọng lên trong con ngõ nhỏ. Nguyễn Ngọc Anh (31 tuổi, quê Hải Dương) cong người đẩy chiếc xe nặng trĩu. Rác ngập cao lên quá đầu cô công nhân của Tổ môi trường số 5. Mặc dù trời rất lạnh, nhưng trên trán Ngọc Anh vẫn lấm tấm điểm vài giọt mồ hôi.

Chuyện những người đón giao thừa ngoài đường bên cây chổi, thùng rác ảnh 3

Rất nhiều công nhân môi trường chấp nhận xa quê, không được sum vầy cùng gia đình trong dịp Tết để ở lại giữ Hà Nội xanh.

Về tới điểm tập kết tại số 73 Hoàng Cầu, cô công nhân sinh năm 1992 ngồi phệt xuống vỉa hè, hổn hển thở. Ngay bên cạnh, vài đồng nghiệp khác cũng đã trở về, mặt đỏ gay. Sau khi đã lấy lại hơi, Ngọc Anh tâm sự: Chị đã có 8 năm gắn bó với nghề công nhân vệ sinh môi trường; đồng thời cũng có từng ấy năm chưa được về quê đón Giao thừa cùng chồng con hay bố mẹ.

Năm nào cũng thế, cứ đến sát Tết, chồng chị lại đưa con về quê trước. Căn nhà trọ nằm sâu trong con ngõ nhỏ tại quận Đống Đa chỉ còn lại một mình Ngọc Anh với nhịp làm việc… căng thẳng gấp 3-4 lần ngày thường.

Buồn nhất là đêm 30, chỉ cần thoáng thấy bóng trẻ em được ba mẹ dắt đi dạo đường, chị lại chạnh lòng, len lén tìm chỗ tối để… khóc.

“Nhưng em không thể bỏ về. Công việc của cả tổ còn bộn bề. Em nghỉ nghĩa là các anh chị khác sẽ phải khổ, phải vất vả thêm nhiều lần. Mọi người cứ động viên nhau như thế rồi cố gắng. Mãi rồi thì thành… quen”, Ngọc Anh cười nói.

Mãi rồi cũng thành quen - đó cũng là cách mà Cao Thị Hè, đồng nghiệp của Ngọc Anh vượt qua khó khăn, gắn bó với nghề tới tận hơn 10 năm qua. Quá một thập kỷ đón Tết trên vỉa hè, chị không thể quên được Giao thừa năm 2020.

“Chiều hôm ấy, mưa bất ngờ như trút. Nước nhanh chóng biến các tuyến phố… thành sông. Vào ca, tất cả anh chị em vừa lội bì bọp đến quá gối, vừa vơ từng túi nilon, rác rến nổi lên trên. Dù mặc áo mưa, nhưng cả người vẫn ướt như chuột lột”, Hè kể.

Chuyện những người đón giao thừa ngoài đường bên cây chổi, thùng rác ảnh 4

Cao Thị Hè (thứ hai từ phải sang) không thể quên được Giao thừa năm 2020 khi chị phải lội nước, vớt rác. "Lúc ấy, vừa cực, vừa tủi thân đến phát khóc", nữ công nhân quê Thanh Hóa tâm sự.

 

Giao thừa năm ấy không có pháo hoa, không có hoa đào ngoài phố. Giao thừa đó cũng vắng cả bóng người do mưa và… Covid-19. Nhìn những con phố mênh mông, trắng xóa nước, Hè cùng nhiều chị em đã bật khóc.

Nỗi nhớ nhà, trong khoảng khắc ấy bỗng len lỏi và bùng lên dữ dội trong lòng họ.

4 giờ sáng, ì oạp lội về tới phòng trọ, trước mắt Hè, mọi đồ đạc đã… lềnh phềnh bơi. Gia đình về quê nhà Thanh Hóa đón Tết hết, một mình giữa màn nước, lại nhìn phòng ở tan hoang, cô công nhân xa nhà lại thêm một lần nức nở.

Theo Tổ trưởng Tổ môi trường 5, Công ty TNHH Một thành viên môi trường đô thị Hà Nội chi nhánh Đống Đa, cả tổ hiện 25 thành viên thì có tới 17 người ngoại tỉnh. Suốt nhiều năm qua, toàn bộ 17 người như Ngọc Anh, Hè… đều chấp nhận ở lại thức xuyên Tết để giữ cho Thủ đô sáng, xanh, sạch, đẹp.

“Nỗi niềm thì ai cũng có, vất vả cũng quá nhiều, nhưng họ vẫn cố gắng từng giờ, từng ngày vì môi trường chung của thành phố”, chị Quang nói.

Nhặt cả niềm vui trên phố

Công việc đặc thù vất vả là thế nhưng những lao công như chị Quang có cách đón giao thừa rất đặc biệt. Năm nào chị cũng được phân công làm nhiệm vụ thu gom rác tại khu vực hồ Hoàng Cầu, quận Đống Đa. Đây cũng là điểm tổ chức bắn pháo hoa chào mừng năm mới. Chính vì thế cảm xúc của chị cùng nhiều công nhân khác vô cùng đặc biệt.

Chuyện những người đón giao thừa ngoài đường bên cây chổi, thùng rác ảnh 5

Đi ngang qua... Tết.

“Vào thời điểm đó, cảm xúc của tôi rất vui và hồ hởi. Tôi được nhìn thấy nhiều người tấp nập đi xem pháo hoa. Vào thời khắc giao thừa, tất cả anh em sẽ dừng tay, cùng ngắm pháo hoa, cùng chúc nhau an lành trong năm mới. Có người tranh thủ gọi về nhà. Tới 12 giờ 30, cả tổ mới tiếp tục làm”, chị Quang cười.

Lúc này, công việc của cả tổ là thu gom các thùng pháo đưa ra điểm tập kết để chuyển đi. “Thùng pháo rất nặng nên mỗi lần xe chỉ đẩy được 3-4 thùng. Ngày hôm đó riêng công việc này cũng khiến anh chị em toát mồ hôi. Dọn thùng pháo xong mọi người tiếp tục quét dọn đường phố đến khi sạch bóng rác trở về nhà nghỉ ngơi cũng đã 3-4 giờ sáng”, chị Quang tâm sự.

Tối muộn 29 tháng Chạp. Điện thoại của người viết bỗng rung lên. Từ phía đầu Hoàng Cầu, chị Quang nhắn chúng tôi ra ăn bữa cỗ tất niên của Tổ 5 ngay trên vỉa hè phố Hoàng Cầu.

“Hôm nay, anh chị em đi làm được người dân cho xôi, gà, hoa quả rồi. Ra em nhé”, điện thoại tiếp tục rì rì báo.

Đúng hẹn, 20 giờ 30, chúng tôi có mặt tại điểm tập kết rác đối diện hồ Hoàng Cầu. Lúc này, tổ vừa lúc tạm nghỉ sau khi đưa rác lên xe chuyên chở. Chị Quang thì lúi cúi đồ lại xôi trong chiếc chõ nhôm đã cũ. Hè thì lọ mọ trong bóng tối bổ mít. Một vài anh chị em trải bạt ra vỉa hè, bày biện đĩa gà đã chặt cùng cá khô, cơm, nước ngọt… chuẩn bị cho bữa cỗ tất niên.

“Hôm nay, anh chị em đi thu rác ai cũng có quà. Cái Hè thì được biếu trái mít. Chị được cho gà và xôi. Ngọc Anh thì góp nồi cơm và cá kho. Mỗi người một tay là ra ngay bữa cơm cuối cùng chào năm cũ”, vừa nhấc chõ ra mâm, chị Quang vừa khoe.

Chuyện những người đón giao thừa ngoài đường bên cây chổi, thùng rác ảnh 6

Bữa Tất niên chào năm cũ ngay trên phố đông.

Rất nhanh, gần chục người của cả tổ ngồi lại với nhau. Xôi, gà được chia, nước ngọt cũng rót tràn đầy. Những câu chuyện đơn giản lại tíu tít rộn cả một góc phố đã vắng người.

Khi được hỏi, các anh chị ước mơ gì trong năm mới, chị Quang bảo: Các chị chỉ cần nhận một vài lời động viên của người dân như chúc mừng năm mới, chia sẻ công việc là đã đủ vui rồi.

“Có lúc đang đi làm nhiều người đi qua gửi lời chúc mừng năm mới, có người dừng xe lại lì xì 20 nghìn cùng lời chúc Tết tôi thấy ấm áp vô cùng. Đó cũng là động lực để mình tiếp tục công việc của mình”, chị tâm sự.

Sau bữa cơm vội vàng, cả tổ lại tỏa đi, đẩy xe lọc cọc lẫn vào màn đêm. Trời đêm cuối năm vẫn hun hút gió…

Chuyện những người đón giao thừa ngoài đường bên cây chổi, thùng rác ảnh 7
 

Theo SƠN BÁCH - THÀNH ĐẠT (Nhân dân)