Chuyện ở lớp học đờn ca tài tử miễn phí

11/03/2019 - 07:59

 - “Thật ra không phải người ta bỏ đờn ca tài tử, đôi khi do cách dạy khó quá, không bắt đầu từ những điều sơ đẳng nên các em khó yêu thích. Đừng nói người ta không mê, mà tại mình làm không hay. Quan trọng là cách dạy như thế nào và tùy theo trình độ. Vợ chồng tôi mở lớp dạy đờn ca tài tử nhằm thực hiện ước mong truyền nghề cho lớp trẻ để góp phần duy trì loại hình này”- đó là lời trần tình của nghệ nhân Sáu Lơn (tên thường gọi của Nghệ nhân ưu tú Đặng Hoàng Linh).

Nghệ nhân Đặng Hoàng Linh chia sẻ, đờn ca tài tử là “máu” của ông từ thuở nhỏ. Ông được truyền nghề từ cha mẹ và cô, đồng thời tham gia ca, diễn từ rất sớm. Suốt những năm tháng tham gia kháng chiến đến khi hòa bình, đảm nhận nhiều nhiệm vụ trong Đoàn văn công, Đoàn cải lương, Nhà hát nghệ thuật của tỉnh, Câu lạc bộ đờn ca tài tử… ông vẫn không ngừng đóng góp tài năng và tâm huyết của mình. Đồng hành với ông trên chặng đường ấy là nghệ Nhân ưu tú Phương Hồng Thắm, cũng là người bạn đời có cùng đam mê nghệ thuật sâu đậm như ông. Ngôi nhà riêng của vợ chồng nghệ nhân Sáu Lơn ở khóm Đông An 6 (phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) hiện là nơi tổ chức lớp đờn ca tài tử vào chủ nhật hàng tuần. Suốt chặng đường dài đóng góp và cống hiến cho nghệ thuật đờn ca tài tử, ông bà nhận ra rằng, danh hiệu và giải thưởng đạt rất nhiều nhưng thế hệ trẻ ngày càng vắng. Phát hiện một vài tiềm năng ở các nơi cũng có người dạy, nhưng để chính thức dạy về loại hình này thì chưa ở đâu làm. Tháng 6-2017, ông bà Sáu Lơn được phong tặng là Nghệ nhân ưu tú đờn ca tài tử, cảm thấy trách nhiệm của mình nhiều hơn nên cùng bàn bạc mở lớp dạy đờn ca tài tử miễn phí. Khởi đầu là tập trung những em nhỏ có năng khiếu từ các cuộc thi và được truyền dạy từ căn bản. Biết được tin, có em ở huyện Chợ Mới, Châu Phú cũng tìm đến học.

Vợ chồng Nghệ nhân ưu tú Đặng Hoàng Linh, Phương Hồng Thắm và các học trò lớp đờn ca tài tử

Nghệ nhân Sáu Lơn quan niệm lớp học không cần nhiều, mà quan trọng là chất lượng, tuyển chọn em nào dạy được và thấy có khả năng phát triển mới nhận. Lớp học của ông có 8 học viên, lớn nhất 17 tuổi, nhỏ nhất 11 tuổi. Ở lớp học này, các em được truyền dạy từ những kiến thức căn bản nhất về đờn ca tài tử: nguồn gốc xuất xứ, đi đến đâu, trụ ở đâu, vào Nam Bộ phát triển như thế nào, hơi điệu, ngũ cung, nhạc cụ, sinh hoạt, không gian… cho đến chuyên môn ca, diễn. Ông thừa nhận mình là một thầy giáo vừa khó mà vừa dễ. Ngoài dạy chuyên môn, ông còn dạy đạo đức làm nghề để các em biết đối nhân xử thế, biết lễ nghĩa, thái độ học tập. Hầu hết các em đều ngoan, có những em hoàn cảnh nghèo, nhờ tài ca hát thành đạt mà kiếm được tiền đỡ đần gia đình. Điển hình như em Hồng Yến, cha mất sớm, mẹ bị tật ở chân, hàng ngày phải đẩy xe đi mua phế liệu mưu sinh. Sinh thời, cha của Hồng Yến bị mù, biết chút đỉnh về đàn nên dạy cho em. Theo học tại lớp của nghệ nhân Sáu Lơn, em được đánh giá là học viên khá nhất, có tiềm năng phát triển trong tương lai, qua các cuộc thi: Tài tử miệt vườn, Thử tài siêu nhí, Hội thi ca múa nhạc ngành giáo dục… em đã khẳng định bằng những giải thưởng. Điều nghệ nhân Sáu Lơn lấy làm hạnh phúc là đến nay, tất cả các em đều thành đạt, am hiểu về đờn ca tài tử, hơi, điệu, nhịp nhàng, có thể biểu diễn các chương trình, hội thi, kể cả tại liên hoan đờn ca tài tử giao lưu với các tỉnh.

Tuổi càng về già, ông bà Sáu Lơn càng bận bịu nhiều hơn. Ngoài lớp học này, ông bà Sáu Lơn còn dàn dựng nhiều chương trình ở huyện, tham gia biểu diễn các sự kiện âm nhạc. Tuy nhiên, ông Sáu Lơn vẫn canh cánh ước mong góp phần giữ gìn loại hình đờn ca tài tử trong lớp trẻ. Năm nay, ông dự định vào dạy trong các trường học theo lời mời của một số đơn vị.

MỸ HẠNH