Chuyện sinh viên làm thêm

07/10/2022 - 07:25

 - Sinh viên làm thêm - câu chuyện đã rất quen thuộc trong thời đại ngày nay. Làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống, tích lũy kinh nghiệm và để bản thân trưởng thành hơn… là chia sẻ của số đông sinh viên khi được hỏi. Song, câu chuyện làm thêm ngày nay cũng có nhiều vấn đề đặt ra, cần suy ngẫm!

Trang trải cuộc sống

Tranh thủ vừa ra ca trực và trống lịch học buổi chiều, cô sinh viên năm cuối Lý Nguyễn Như Ý (ngành Tài chính ngân hàng, Trường Đại học An Giang) khá hào hứng khi nói đến công việc làm thêm. Đầu năm nhất đại học, Như Ý đã tìm việc làm thêm. Từng trải qua nhiều việc như phục vụ, thu ngân… Như Ý hiện là nhân viên chăm sóc, tư vấn khách hàng. Với tiền công 25.000 đồng/giờ, mỗi ngày cô sinh viên này làm từ 6-8 giờ (tùy theo lịch học ở trường).

“Bắt đầu đi làm thêm, em đã không còn xin tiền gia đình hàng tháng. Với một sinh viên xa nhà, số tiền làm thêm hiện tại đủ để em trang trải chi phí. Hàng tháng, em trích từ tiền làm thêm khoảng 1 triệu đồng để đóng học phí. Số còn lại, em tiết kiệm lo cho sinh hoạt, chi tiêu hàng tháng. Ngoài ra, em còn “săn” được học bổng tại trường với thành tích học tập tốt nên gia đình rất yên tâm về quá trình học tập, rèn luyện tại trường” - Như Ý tự tin nói về việc làm thêm của bản thân.

Lợi ích đầu tiên mà sinh viên tìm kiếm công việc làm thêm chính là thu nhập. Học đại học trong điều kiện sống xa gia đình, tài chính luôn là vấn đề cần giải quyết. Cuộc sống sinh viên cần nhiều khoản tiền khác nhau, các bạn tranh thủ làm thêm để giảm nhẹ gánh nặng gia đình. Tiếp theo, sinh viên muốn có thêm kinh nghiệm, kỹ năng sống thông qua đi làm thêm.

Không làm ở một nơi cố định như bạn Như Ý, cô sinh viên Hồ Thị Mỹ Duyên (năm thứ 2, khoa Kinh tế Quản trị kinh doanh, Trường Đại học An Giang) cho biết: “Bản thân em từng làm tiếp thị sản phẩm, làm mẫu “make-up”, mẫu ảnh cho một số studio ở TP. Long Xuyên và làm phục vụ quán cà-phê. Em tự sắp xếp thời gian để việc làm thêm không ảnh hưởng đến học tập. Quá trình làm thêm, em học hỏi và tích lũy nhiều kỹ năng cho bản thân sau này, như: Giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý thời gian…”.

Tự hào “khoe” thành tích học tập cuối năm nhất hơn 8.0, Mỹ Duyên nói rằng vừa nhận được học bổng của trường nên có thể trang trải chi phí học tập cũng như chi tiêu trong cuộc sống.

Làm thêm và những áp lực

Đối với sinh viên, vừa học vừa làm thêm, không phải là chuyện đơn giản. Để đạt hiệu quả, bản thân sinh viên phải tự tìm cách sắp xếp thời gian của mình, phân bổ cân bằng. Thế nhưng, khi đã bị cuốn vào guồng quay của công việc và kiếm tiền, sinh viên phải thật mạnh mẽ, bản lĩnh để hiểu rằng giữa việc học và việc làm thêm, đâu là quan trọng hơn. Bên cạnh những sinh viên biết cân bằng giữa học và làm thêm, vẫn có những bạn dành nhiều thời gian cho việc làm thêm hơn là học. Điều này khiến kết quả học tập tụt dốc, thậm chí có trường hợp phải bỏ học.

Mỹ Duyên và Như Ý đều cho biết, thời gian đầu đến với công việc làm thêm, 2 bạn đều bị cuốn vào công việc, những đồng lương đầu tiên nhận được khiến các bạn cảm thấy rất vui và muốn kiếm thêm nhiều hơn nữa. Vậy là, kết quả học tập liên tục bị sa sút, giờ học thì không tập trung nhiều vì mệt mỏi.

“May mắn là em đã sớm nhận ra vấn đề vào cuối năm nhất, đến đầu năm thứ 2 đã chấn chỉnh việc học lại ngay. Mục tiêu ra trường của em là phải đạt loại giỏi hoặc xuất sắc, nên em đã nhanh chóng điều chỉnh việc làm thêm và việc học. Dành thời gian học nhiều hơn, không phân tâm nhiều đến chuyện làm thêm, tự học, tự nghiên cứu, đến nay, em luôn giữ kết quả học tập tốt” - Như Ý bộc bạch.

Làm thêm trong sinh viên vẫn có áp lực, đó là chia sẻ của bạn Phạm Minh Phát (sinh viên năm thứ 3, khoa Kinh tế Quản trị kinh doanh, Trường Đại học An Giang). Theo Minh Phát, khi vào các kỳ thi hoặc tăng ca, bản thân sẽ đối mặt với những giờ ngủ gật trên giảng đường, những lúc cần ôn bài thi nhưng không thể chuyển ca làm việc cho đồng nghiệp. Vì làm việc kéo dài liên tục trong nhiều ngày, tinh thần học tập sẽ không còn nữa, có thời điểm, Phát cảm thấy mỏi mệt, chán chường và kết quả học tập không tốt.

“Không thể phủ nhận làm thêm giúp em trau dồi nhiều kỹ năng còn hạn chế và tích lũy nhiều kinh nghiệm, vốn sống khi ra trường. Ngoài ra, làm thêm còn giúp em phụ giúp gia đình trang trải chi phí học tập. Số tiền dư ra hàng tháng, em sẽ để dành, khi cần thiết không bị thụ động về kinh tế. Song, đôi lúc làm thêm em cảm thấy bản thân chưa được đối xử công bằng. Chẳng hạn, những lúc cao điểm, em muốn xin nghỉ, thay ca để ôn bài thì không được chấp nhận với lý do: Em rành việc, không có người thay thế được. Sau những lần trao đổi với nơi làm thêm, em cũng được chia sẻ phần nào” - Minh Phát bày tỏ.

Làm thêm giúp ích cho sinh viên rất nhiều, không chỉ trong đời sống xã hội mà còn giúp sinh viên tự khám phá điểm mạnh, yếu của chính mình. Thế nhưng, trước khi quyết định đi làm thêm, bản thân sinh viên cần được tư vấn, dành nhiều thời gian để tìm hiểu cụ thể công việc, địa chỉ môi giới việc làm. Dù làm việc gì cũng không để xao nhãng việc học. 

PHƯƠNG LAN