Chuyển tải ý kiến cử tri đến Quốc hội

05/06/2023 - 07:13

 - Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tiếp nhận nhiều ý kiến đóng góp chất lượng, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), trong đó có đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, góp phần quan trọng hoàn thiện thể chế pháp quyền, tiếp tục mở đường cho đổi mới của đất nước.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương phát biểu

Đóng góp các dự án luật

 Góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến (Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng, ĐBQH tỉnh) cho biết, về xét phong quân hàm cấp tướng, cấp tá, nên đưa tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện vào luật, không cần ban hành nghị định áp dụng. Quy định về độ tuổi thăng quân hàm trước niên hạn nên theo luật chuyên ngành, Luật Lao động; nhưng với phụ nữ phụ trách lĩnh vực nguy hiểm, nặng nhọc, độc hại trong ngành công an, cần có lộ trình phù hợp.

Tại Điều 33, dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, cần có cách quản lý đối tượng này, vì không phải người nước ngoài nào cũng đều ở cơ sở lưu trú, mà họ thường du lịch “phượt”...

Quy định không quá 24 giờ phải nộp bản khai báo là chưa tạo thuận lợi cho người nước ngoài, cơ sở lưu trú; nên linh hoạt bằng phương thức gọn nhẹ, hiệu quả. Về thẩm quyền tiếp nhận khai báo, đề nghị cần rà soát theo luật quốc tế và Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng, 4 nghị định của Chính phủ quy định về người nước ngoài ở khu vực biên giới, tránh trùng lắp, chồng chéo.

Tham gia thảo luận dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đôn Tuấn Phong (ĐBQH tỉnh) cho hay, luật bổ sung đối tượng cấp hộ chiếu ngoại giao, thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông rút gọn là rất cần thiết, nhưng cần quy định rõ đối tượng sử dụng loại hình hộ chiếu hay giấy tờ ngoại giao.

Đối với hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, quy định nâng thời hạn thị thực điện tử từ “không quá 30 ngày” lên “không quá 3 tháng”, Chính phủ cần ban hành danh sách các nước được cấp thị thực. Trong đó, xem xét, cân nhắc mức độ quan hệ của Việt Nam với từng nước cụ thể, đảm bảo về an ninh quốc gia.

Với dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), ông Đôn Tuấn Phong cho rằng, các điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí cần tham chiếu với Luật Thi đua - khen thưởng. Việc bổ sung bậc hàm cấp tướng, cấp tá là cần thiết. Về hạn tuổi nghỉ hưu, cần cân nhắc để đồng bộ Luật Lao động, nên cá thể hóa một số vị trí có tính chất đặc thù.

Đóng góp dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), ĐBQH Hoàng Hữu Chiến đề nghị làm rõ hơn khái niệm “chứng thư điện tử” cho đồng nhất, cần giải thích cụm từ “dữ liệu chủ” hay “dữ liệu gốc”; “tài khoản giao dịch điện tử”, tránh tình trạng xung đột pháp luật. Trong dự thảo luật, quy định trách nhiệm của các chủ thể trong quản lý nhà nước. Đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định chi tiết hơn thẩm quyền của Bộ Quốc phòng, nêu rõ vai trò, trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ đối với việc quản lý, khai thác, cung cấp chữ ký số chuyên dùng công vụ.

Đề nghị tháo gỡ khó khăn cho ĐBSCL

Thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương thống nhất báo cáo: “Nội dung thảo luận này là một sự đổi mới để Quốc hội ngày càng gắn bó hơn với cử tri. Đặc biệt, cử tri hoan nghênh trước sự thay đổi mạnh mẽ, toàn diện trong hoạt động của Quốc hội: Dân chủ, công khai, minh bạch, ngày càng đi vào cuộc sống”.

ĐBQH Trần Thị Thanh Hương phản ánh, do vị trí địa lý đặc thù, kinh tế ĐBSCL chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Hiện nay, chi phí vật tư, công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao, cử tri rất lo lắng. Đề nghị Chính phủ tăng cường giải pháp bình ổn giá đầu vào; cần có chiến lược cụ thể, rõ ràng, thiết thực hơn trong quy hoạch vùng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ cụ thể hơn với doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ xúc tiến ban hành chủ trương điều chỉnh hợp nhất, bổ sung cơ chế chính sách, hỗ trợ kinh phí sự nghiệp hàng năm, giúp các tỉnh ĐBSCL sớm triển khai đầu tư xây dựng cụm tuyến dân cư, nhà ở vùng ngập lũ, đáp ứng yêu cầu di dời, ổn định đời sống cho hộ khó khăn đang sinh sống trong vùng ngập lũ, vùng có nguy cơ sạt lở nguy hiểm, trước biến đổi khí hậu hiện nay.

Ngoài ra, ĐBQH Trần Thị Thanh Hương đề nghị cơ quan thẩm quyền khẩn trương ban hành chính sách hỗ trợ, cải thiện nhà ở đối với người có công cách mạng, thân nhân người của họ. Đây là chủ trương lớn được Đảng, nhà nước quan tâm, chỉ đạo thực hiện liên tục, địa phương cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn.

Phản ánh ý kiến của cử tri liên quan đến bảo hiểm y tế (BHYT), ĐBQH Trần Thị Thanh Hương cho biết, Luật BHYT cần được sửa đổi để thống nhất với Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Việc tham gia BHYT của học sinh tại trường học cao hơn tham gia tại hộ gia đình, hộ gia đình có đông người. Trong khi chờ điều chỉnh luật, với quan điểm “cái gì có lợi cho dân thì hết sức làm”, cử tri tỉnh An Giang đề nghị Chính phủ, Quốc hội nên đưa vấn đề này vào nghị quyết kỳ họp, cho chủ trương người dân được quyền lựa chọn nơi tham gia BHYT (tại trường hoặc theo hộ gia đình).

N.R