Ăn Tết, đón Xuân xưa nay vốn là chuyện vui của những ngày đầu năm mới. Trong niềm mong ngóng của bao người về thời khắc đoàn tụ bên gia đình, người thân, nhưng cái lý do rất được chờ đợi đó cũng song hành với bao nỗi âu lo...
AA
Ảnh minh họa (sưu tầm)
Chuyện ứng xử ngày Tết ngỡ đơn giản nhưng thực tế không phải bao giờ cũng đem lại sự thoải mái, bởi đâu đó vẫn còn bao trăn trở. Từng chứng kiến nhiều bạn bè quanh mình - là những người lập nghiệp xa quê - mỗi năm hoặc có khi hai, ba năm mới về quê ăn Tết một lần, họ thường lên “kế hoạch Tết” từ rất sớm. Có người còn cẩn thận làm một loạt liệt kê: vé tàu xe vợ chồng, con cái; tiền biếu ông bà nội, ngoại; tiền lì xì người già, trẻ con; tiền tất niên bạn bè, đồng nghiệp; tiền quà cáp người thân, họ hàng...
Muôn thứ tiền, muôn chi phí chỉ để dành cho... Tết, khiến nhiều người có thu nhập thấp phải mất ngủ. Để thấy, không phải cứ điều vui bao giờ cũng khiến người ta hạnh phúc. Ngoài những việc hiển nhiên phải chi tiêu, còn đó một nếp ứng xử “bất thành văn” nhiều khi làm cho người trong cuộc dở khóc, dở cười.
Đành rằng biếu chút tiền, chút quà cho bố mẹ hai bên nội ngoại ăn Tết là điều rất nên làm, thể hiện hiếu đạo của con cái, dù chẳng bố mẹ nào chờ đợi điều này cả. Tuy nhiên, biếu ông bà bao nhiêu, đôi khi còn phải nhìn vào anh, chị, em trong gia đình hay người khác để tham khảo. Chuyện này với người có điều kiện thì không có gì để nói, nhưng với người hầu bao eo hẹp thì còn đó muôn nỗi băn khoăn, không tránh khỏi tâm lý xấu hổ, tủi thân...
Với nhiều người xa quê, để thể hiện sự hiếu kính, họ còn chuẩn bị cả quà cáp cho người thân, họ hàng mỗi dịp về quê ăn Tết. Thông lệ này hiện tại vẫn được duy trì ở nhiều nơi và cũng tồn tại khá nhiều câu chuyện trọng - khinh, yêu - ghét không đáng có xoay quanh nghĩa cử vốn dĩ rất nghĩa tình này.
Ảnh minh họa (sưu tầm)
Tục lì xì trẻ con đầu năm mới cũng là một nét đẹp văn hóa, với ý nghĩa gửi gắm sự may mắn, mong trẻ khỏe mạnh, chăm ngoan. Vậy nhưng, ngày nay nét ứng xử này lại mang đến cơn “đau đầu” cho nhiều ông bố, bà mẹ. Hễ có khách đến chơi nhà hoặc đến nhà bạn bè chơi Tết, nơi đâu có trẻ con là nơi ấy có mừng tuổi. Chưa hết, bố mẹ còn phải tinh ý xem người ta mừng tuổi con mình bao nhiêu để mình “đáp lễ” lại con của họ cho phải phép, tránh bị đánh giá. Và nguy hại hơn, tục lì xì đã tạo cho những đứa trẻ tâm lý đón đợi, lên kế hoạch cất giữ tiền sau mấy ngày Tết. Trẻ được tiếp xúc với đồng tiền quá sớm và đôi khi có những nhận thức méo mó về tiền bạc. Cuối cùng, như cách nói vui là “thu nhập của con”, nhưng “nợ” của bố mẹ.
Ngày Tết, nơi nơi rỉ rả nhóm họp triền miên từ những ngày cuối năm cho đến những ngày đầu năm mới. Từ liên hoan Tất niên cơ quan, khu phố, xóm mạc cho đến liên hoan lớp cũ, hội đồng hương... Đồng ý rằng, những cuộc hội ngộ ấy gắn liền với ý nghĩa tích cực như “xả hơi” cho một năm dài quăng quật làm việc, hội ngộ bạn bè cũ, thắt chặt tình đoàn kết cơ quan, xóm giềng. Vui thì rất vui và mệt cũng rất mệt. Đặc biệt, không tham gia thì cũng khó xử với những nhìn nhận tiêu cực. Cắc cớ là thế và cũng không thể không nhắc tới một khoản chi phí không nhỏ cho “chuỗi hoạt động” này.
Người Việt ta nói chung được nhìn nhận là trọng lễ nghi, ứng xử, đặc biệt trong dịp quan trọng như Tết Nguyên đán. Một vài góc nhìn đề cập trong bài viết là những truyền thống của người Việt nhưng cũng cần những cách ứng xử văn hóa và tế nhị. Dù là lễ nghi hay phong tục gì, nếu được thể hiện bằng sự chân thành, lòng hiếu kính mà không câu nệ, đong đếm về vật chất thì sẽ đem lại niềm vui, sự hân hoan cho cả người cho và người nhận. Bởi vậy, sẽ thật không hay khi chúng ta biến những điều vốn nhân văn và đầy ý nghĩa thành nỗi lo âu, phấp phỏng mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Theo Báo Pháp Luật
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: