Chuyện về công an xã bán chuyên trách

29/03/2024 - 07:26

 - An Giang là một trong những địa phương đi đầu bố trí công an chính quy về xã, theo đề án của Bộ Công an. Tuy nhiên, biên chế của lực lượng này vẫn còn mỏng, phải có sự tiếp sức của công an xã bán chuyên trách. Sau 2 năm áp dụng, một số vấn đề nổi lên liên quan đến quy định, chế độ, chính sách… rất cần tháo gỡ sớm.

Thiếu hàng trăm quân số

Theo Công an tỉnh An Giang, trước đây, hơn 840 công an xã bán chuyên trách hoạt động. Số lượng này chưa đảm bảo, nhưng khó tuyển dụng thêm nhân sự, vì nhiều lý do. Sau khi áp dụng quy định mới, tính đến hết tháng 2/2024, trên địa bàn tỉnh còn 766 người tiếp tục được sử dụng tham gia bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở. So với quy định, vẫn còn thiếu 430 người, tức là toàn tỉnh cần gần 1.200 công an xã bán chuyên trách mới tạm đủ quân số hoạt động.

“Thực hiện đề án đưa công an chính quy về xã, hơn 7.000 công an xã bán chuyên trách cả nước không biết “đi đâu về đâu”. Tại An Giang, Công an tỉnh phối hợp Sở Nội vụ, một số sở, ngành liên quan tham mưu Nghị quyết 36/2022/NQ-HĐND, ngày 12/12/2022 của HĐND tỉnh quy định số lượng, mức phụ cấp đối với công an xã bán chuyên trách tiếp tục được sử dụng tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở. Ngay từ đầu dự thảo, chúng tôi đề xuất được phép tuyển mới lực lượng này, vì đã dự báo trước tình hình công an xã bán chuyên trách giữ lại rất ít” - đại tá Huỳnh Thanh Lâm, Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết.

Đoàn khảo sát, giám sát Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm việc tại Công an tỉnh

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ An Giang Trương Long Hồ, thời điểm ấy, dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đang được Quốc hội bàn thảo. Vì vậy, Nghị quyết 36/2022/NQ-HĐND không thể quy định việc tuyển mới, chỉ áp dụng đối với công an xã bán chuyên trách tiếp tục được sử dụng trở lại (2 người/ấp). Trường hợp thiếu công an xã bán chuyên trách, UBND cấp xã có thể bố trí, tái sử dụng lực lượng công an xã bán chuyên trách trước đó đã giải quyết thôi việc, thực hiện chế độ chính sách.

Sau thời gian áp dụng Nghị quyết 36/2022/NQ-HĐND, tình hình thiếu quân số công an xã bán chuyên trách diễn ra khắp toàn tỉnh. Có nhiều lý do khiến lực lượng này không tiếp tục tham gia hoạt động. Phần vì chế độ, chính sách quá thấp, chưa đủ sức níu chân họ ở lại công tác. Phần vì giai đoạn chuyển tiếp từ lúc đưa công an chính quy về xã đến lúc Nghị quyết 36/2022/NQ-HĐND có hiệu lực cách nhau một khoảng thời gian dài. Nhiều công an xã bán chuyên trách khi được giải quyết thôi việc, tranh thủ tìm việc làm khác ổn định hơn, nên từ chối trở lại công việc cũ.

Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Lê Thanh Phương thông tin: “Trước khi có Nghị quyết 36/2022/NQ-HĐND, toàn huyện có 83 công an xã bán chuyên trách. Sau đó, chỉ có thể giữ lại 66 người tiếp tục tham gia. Số còn lại cho rằng điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, khó đảm đương công việc, trong khi mức phụ cấp hàng tháng không đảm bảo”. Tại huyện cù lao Chợ Mới, hơn 450.000 người sinh sống, nhưng từ 184 công an xã bán chuyên trách, nay chỉ còn 142 người. Toàn huyện thiếu gần 50% chỉ tiêu công an xã bán chuyên trách. Nhiều xã chưa đủ quân số bố trí, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện nhiệm vụ.

 Áp lực từ nhiều phía

Công an xã Kiến An (huyện Chợ Mới) phụ trách 12 ấp, dân số 40.000 người, nhưng chưa đầy 10 công an chính quy đảm đương nhiệm vụ. Trong khi đó, tình hình tệ nạn xã hội, ANTT trên địa bàn khá phức tạp, kéo dài. “Lực lượng công an bán chuyên trách trước đây thật sự nắm rõ địa bàn, chắc nghiệp vụ, hỗ trợ công an chính quy rất nhiều. Nhưng tình hình chung cho thấy, nhiều công an xã bán chuyên trách tìm được việc làm ổn định, thu nhập tốt, nên không mặn mà trở lại công việc cũ. Vì vậy, chúng tôi không đảm bảo đủ 24 đồng chí cho 12 ấp theo quy định” - trung tá Nguyễn Phú Cường, Trưởng Công an xã Kiến An chia sẻ.

Đại tá Huỳnh Thanh Lâm khẳng định: “Những công an xã bán chuyên trách quyết tâm trụ lại xuất phát từ lòng yêu nghề, yêu lực lượng. Họ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm sự quản lý, lãnh, chỉ đạo trực tiếp từ chỉ huy công an xã. Họ tham gia tích cực trong tuần tra kiểm soát, giải quyết hành vi vi phạm pháp luật; bảo vệ hiện trường; hòa giải, tuyên truyền, động viên quần chúng nhân dân tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và các chương trình mục tiêu quốc gia; cùng triển khai thực hiện Đề án 06/CP. Những đóng góp ấy thể hiện rõ, công an xã bán chuyên trách được sử dụng tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở thật sự là “cánh tay nối dài” của lực lượng công an”.

Công an xã đảm nhận nhiều nhiệm vụ nặng nề ở cơ sở

Ngoài mặt tích cực, lực lượng công an xã nói chung, công an xã bán chuyên trách nói riêng đang gặp áp lực lớn. Tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, ma túy, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy… diễn biến phức tạp, đòi hỏi công an xã phải thực hiện cùng lúc hàng trăm đầu công việc.

Một chỉ huy công an xã tâm sự: “Có thời điểm, công an chính quy vỏn vẹn 3 người, phụ trách hơn 27.000 nhân khẩu trong xã. Với cương vị chỉ huy, tôi buộc phải bám trụ đơn vị, cùng anh em giữ vững địa bàn. Hàng tháng trời, tôi không thể về nhà, đặt công việc lên trên gia đình. Thậm chí, khi gia đình xảy ra biến cố, tôi cũng không thể có mặt, xử lý kịp thời”.

Là lực lượng gần dân, sát dân, thực hiện nhiệm vụ hết sức nặng nề, nhưng công an xã bán chuyên trách không có trụ sở làm việc, mà hoạt động chung tại văn phòng ban nhân dân ấp theo quyết định của UBND xã. Thực tế, phần lớn thời gian, lực lượng này làm việc tại trụ sở công an xã, để hỗ trợ tuần tra đảm bảo ANTT, trật tự an toàn giao thông, thông báo người dân làm căn cước công dân… Công cụ hỗ trợ, trang thiết bị, phương tiện, sổ sách… cũng dùng chung với công an chính quy.

 Áp lực từ việc thiếu quân số dẫn đến tình trạng một số UBND xã quyết định thu mới lực lượng tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở. Theo Công an tỉnh An Giang, từ khi Nghị quyết 36/2022/NQ-HĐND được ban hành, đến cuối tháng 2/2024, toàn tỉnh thu mới 107 trường hợp, nhưng 53 trường hợp không đúng đối tượng. Hiện nay, các địa phương tranh thủ giải quyết cho nghỉ việc, tránh để sai sót kéo dài. Trường hợp tiếp tục bố trí, sử dụng thì được hỗ trợ phụ cấp từ ngân sách, các nguồn xã hội hóa và nguồn thu hợp pháp khác của từng địa phương (TP. Long Xuyên, TX. Tân Châu, huyện Thoại Sơn và An Phú).

Trước câu hỏi “lực lượng đảm bảo ANTT tại ấp có cần thiết không”, trung tá Huỳnh Hữu Nhân, Phó Trưởng Công an huyện Chợ Mới nhìn nhận: “Theo tôi, lực lượng này rất cần thiết. Họ hoạt động vô cùng hiệu quả, nhiều đồng chí có trình độ đáp ứng nhiệm vụ được giao, hỗ trợ công an chính quy gần như mọi mặt. Nếu không thu tuyển, bổ sung đủ quân số, chắc chắn nhiệm vụ bảo đảm ANTT tại địa bàn khó lòng hoàn thành. Áp lực này buộc nhiều nơi chọn giải pháp thu tuyển công an xã bán chuyên trách chưa đúng đối tượng. Về lý, rõ ràng hoạt động này chưa đúng. Nhưng về tình, cần được xem xét lại một cách nhiều chiều, khách quan”.

Trăn trở mức đãi ngộ

Theo Nghị quyết 36/2022/NQ-HĐND, công an xã bán chuyên trách nhận mức phụ cấp bằng 1,0 lần mức lương cơ sở/người/tháng; trợ cấp bằng 0,5 lần mức lương cơ sở/người/tháng (tổng cộng 2,7 triệu đồng/người/tháng). Ngoài ra, lực lượng này còn được hưởng một số chế độ, chính sách khác theo quy định tại Pháp lệnh Công an xã và văn bản liên quan.

Đó là được cấp trang phục hàng năm theo định mức (dao động từ 1 - 1,2 tỷ đồng, từ nguồn kinh phí địa phương phân bổ cho Công an tỉnh An Giang), được cấp bảo hiểm y tế. Đặc biệt, một số địa phương cân đối từ nguồn kinh phí được giao, hỗ trợ tiền ăn hàng ngày cho công an xã bán chuyên trách, phần nào tạo tâm lý an tâm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Ngày 18/3/2024, trả lời ý kiến cử tri An Giang, Bộ Công an cho biết, đã chỉ đạo công an các địa phương rà soát, căn cứ vào vị trí việc làm, khối lượng công việc, tình hình ANTT... để bố trí số lượng cán bộ phù hợp, đảm bảo tối thiểu mỗi xã 5 đồng chí, tiến tới tối thiểu 8 đồng chí.
Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường, trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho Công an tỉnh An Giang gồm 25 danh mục với 36.121 đơn vị sản phẩm. Dự án tăng cường trang bị phương tiện, thiết bị, công cụ hỗ trợ cho công an xã, phường, thị trấn đang chờ được phê duyệt, hỗ trợ cho công an cấp xã trên toàn quốc, đáp ứng tốt hơn yêu cầu bảo đảm ANTT ở cơ sở.

Nhưng kinh phí cấp riêng cho lực lượng này không có, chủ yếu phụ thuộc từ nguồn kinh phí địa phương (3 - 7 triệu đồng/xã/tháng) và một số nguồn kinh phí khác cấp cho hoạt động của lực lượng công an xã trên địa bàn tỉnh. Những con số này như “gió vào nhà trống”, hoàn toàn không thể đáp ứng mức sống bình quân của vùng nông thôn. Không thể trang trải được cuộc sống cá nhân và gia đình từ thu nhập chính, làm sao lực lượng công an xã bán chuyên trách có thể toàn tâm toàn ý phục vụ công việc, đảm bảo ANTT ở cơ sở, đây là điều dễ hiểu.

Có ý kiến đề nghị, công an xã bán chuyên trách có trình độ đại học trở lên được hỗ trợ thêm hệ số bằng 0,64 lần mức lương cơ sở. Trình độ cao đẳng được hỗ trợ thêm bằng 0,4 lần; trình độ trung cấp 0,16 lần. Đồng thời, hỗ trợ ngày công lao động vào ban đêm mức 40.000 đồng/người/ngày. Nếu có thời gian công tác liên tục từ đủ 60 tháng trở lên được hỗ trợ 70.000 đồng/tháng. Ngày cuối tuần, lễ, Tết (không được bố trí nghỉ bù), có thể xem xét hỗ trợ thù lao làm việc ngoài giờ… Ý kiến này có thể chưa được xem xét, do vướng nhiều quy định khác nhau, phụ thuộc kinh phí địa phương. Tuy nhiên, đó vẫn là mong mỏi chính đáng của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Chế độ, chính sách cần tương đồng với công sức, thời gian họ bỏ ra, để tăng thêm động lực bám trụ với công việc nặng nề này.

Tham gia đoàn khảo sát, giám sát Ban Pháp chế HĐND tỉnh về tình hình thực hiện Nghị quyết 36/2022/NQ-HĐND, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Nguyễn Văn Nhiên chia sẻ: “Tôi đã từng làm trưởng công an xã. Sau 30 năm, dường như chế độ, chính sách dành cho lực lượng này không thay đổi nhiều, trong khi nhiệm vụ phải thực hiện ngày càng tăng. Khi tham gia tiếp xúc cử tri các địa phương trong tỉnh, chế độ chính sách dành cho lực lượng tham gia đảm bảo ANTT ở cơ sở cũng là vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm”.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh An Giang Võ Minh Hoàng khẳng định: “Việc đưa công an chính quy về cơ sở là chủ trương đúng đắn, phù hợp, tất yếu phải thực hiện. Lực lượng công an xã bán chuyên trách cơ bản “hoàn thành sứ mệnh được giao” từ năm 1975 đến nay. Do đó, Nghị quyết 36/2022/NQ-HĐND mang tính nhân văn, kịp thời quy định số lượng, mức phụ cấp đối với công an xã bán chuyên trách tiếp tục được sử dụng tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở. Nghị quyết càng có ý nghĩa khi thực hiện trong giai đoạn “quá độ”, chờ Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở chính thức có hiệu lực thi hành (từ ngày 1/7/2024)”.

Trong đợt khảo sát, giám sát, Ban Pháp chế HĐND tỉnh cùng sở, ngành, địa phương đã trao đổi sâu về các vướng mắc, khó khăn gặp phải khi thực hiện Nghị quyết 36/2022/NQ-HĐND. Đoàn công tác chia sẻ nỗ lực và áp lực của đơn vị, địa phương liên quan đến bố trí nhân sự công an xã bán chuyên trách; đề nghị nhanh chóng giải quyết dứt điểm việc thu tuyển nhân sự chưa đúng quy định; đề xuất cách thức triển khai Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở thời gian tới. “Chúng tôi sẽ tiếp tục nắm tình hình, tham mưu HĐND có nghị quyết mới phù hợp thực tế, đúng quy định của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Trước mắt, tạm thời giữ nguyên số lượng công an xã bán chuyên trách hiện tại. Chỉ huy công an xã chú ý phân công nhiệm vụ cho lực lượng này đúng quy định” - đồng chí Võ Minh Hoàng đề nghị.

GIA KHÁNH