Chuyện về nhà nữ khảo cổ và nghề... “chạm tay vào quá khứ”!

18/02/2018 - 01:05

 - Leo từng bước từ chiếc thang nhỏ được đặt hờ hững xuống Di tích Gò Cây Thị A (thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn), người phụ nữ ấy cứ hết chụp hình lại ghi ghi, chép chép, rồi lại khom khom chùi quét vật gì đó, trong hơi lạnh của những ngày mùa đông, thoáng chốc chúng tôi lại nghe thấy tiếng thở dài trong gió…

“Đây là một phần nhỏ trong công việc khảo cổ. Người không biết sẽ chẳng hiểu việc chúng tôi đang làm. Nhưng cũng chỉ có chúng tôi mới biết mình đang làm gì và cần gì”- nhà nữ khảo cổ học Nguyễn Thị Hà (giảng viên Bộ môn khảo cổ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ.

Cô Hà đang nghiên cứu, đánh giá tác động của muối và rêu ở Khu di tích Gò Cây Thị A

Cô Hà đang nghiên cứu, đánh giá tác động của muối và rêu ở Khu di tích Gò Cây Thị A

“Với người theo nghề khảo cổ, viết nhật ký là công việc vô cùng quan trọng. Nó là nơi để chúng tôi lưu giữ những gì đã tìm thấy, nghiên cứu được, làm tư liệu quý báu phục vụ những đề tài khoa học đang và sẽ triển khai. Bởi ở đó, chúng tôi đề cập tất cả dữ liệu liên quan khi đi thực địa khảo sát, nghiên cứu lịch sử. Đôi lúc, chúng tôi dành trắng đêm cho công việc này” - cô Hà bộc bạch.

Câu chuyện về công việc của những người nghiên cứu lịch sử phút chốc như lắng lại khi chúng tôi đề cập đến gia đình. Có thể với cánh nam giới, việc khảo cổ tuy vất vả nhưng không gặp phải áp lực như phụ nữ. Vì ngoài tập trung cho nhiệm vụ chuyên môn, họ còn phải “gồng gánh” trên đôi vai nhỏ bé cả trọng trách, vai trò làm vợ và làm mẹ.

Hiện, cô Hà đang thực hiện việc đào thám sát (thăm dò) ở di tích Kênh Cùng (ấp Trung Sơn, thị trấn Óc Eo). Trước đó, cô Hà đã tham gia nghiên cứu, khai quật di tích Nam Linh Sơn (thị trấn Óc Eo), di tích khảo cổ Đá nổi (xã Phú Thuận, Thoại Sơn)…

“Với chúng tôi, việc cầm trên tay một mảnh vỡ cổ nào đó thì phải biết nhận định đó là vật dụng nào, ai đã làm ra nó, bằng chất liệu gì. Không dừng lại ở đó, người làm khảo cổ còn phải nhận định được tâm tư, tình cảm của người thợ làm ra mảnh vỡ đó (vui hay buồn, vội vã hay tĩnh tại). Rồi phải xác định được niên đại của mảnh vỡ, hoa văn trên đó được vẽ hay khắc, mang ý nghĩa gì.

Từ những dữ liệu đó, người nghiên cứu sẽ gián tiếp hiểu được bức tranh xã hội người xưa đã sống và sinh hoạt, nhận biết thân phận con người trong thời đại ấy. Tôi cho rằng, đó là niềm hạnh phúc và vinh dự không gì sánh nổi…!” - nhà nữ khảo cổ học Nguyễn Thị Hà trải lòng.

Với những người làm khảo cổ, họ không sợ cực, sợ khổ, chỉ sợ nhất là khi mình dồn tất cả trí lực vào đó mà không phát hiện được di tích hoặc giả, di tích đã bị tàn phá nặng nề, không phục vụ cho việc nghiên cứu. Đó là chuyện của khai quật, việc bảo tồn di tích đang là vấn đề trăn trở và nan giải của nhiều nhà nghiên cứu.

Theo cô Hà, di tích khảo cổ Gò Cây Thị A ngày nay so với lúc xưa đã bị mai một phần nào. Nguyên nhân do cấu trúc bề mặt gạch ở một số chỗ bị ăn mòn bởi sự xâm nhập của muối và sự tàn phá của rêu xanh.

“Tôi đã hoàn thiện hồ sơ gửi quỹ Bảo tồn văn hóa (Đại sứ quán Hoa Kỳ) với mong muốn họ xem xét, hỗ trợ nguồn kinh phí cho việc bảo tồn di tích khảo cổ Gò Cây Thị. Đây là chương trình tài trợ lớn nhằm bảo tồn các công trình kiến trúc cổ, các tòa nhà lịch sử và các bộ sưu tập lớn của bảo tàng mà công chúng có thể tiếp cận được và được pháp luật Việt Nam bảo vệ. Nếu được, chúng ta sẽ có thêm sự ủng hộ rất lớn về tinh thần cũng như vật chất để cùng nhau giữ gìn, phát huy giá trị tinh thần mà người Phù Nam xưa để lại” - cô Hà bày tỏ hy vọng.

PHƯƠNG LAN