Hạn mức thẻ tín dụng là gì?
Hạn mức thẻ tín dụng là số tiền tối đa ngân hàng cung cấp để khách hàng chi tiêu mua sắm và thanh toán cho các nhu cầu cá nhân. Mỗi ngân hàng phát hành thẻ sẽ có hạn mức tín dụng tối thiểu và hạn mức tôi đa. Số tiền này khác nhau cho từng loại thẻ phát hành. Trong cùng một sản phẩm thẻ, hạn mức tín dụng của mỗi người cũng khác nhau.
Thông thường, khi cấp hạn mức thẻ tín dụng, ngân hàng sẽ dựa vào một số yếu tố như:
- Thu nhập: Đây là yếu tố quan trọng quyết định đến hạn mức thẻ tín dụng. Trong quá trình nộp hồ sơ, ngân hàng sẽ yêu cầu khách hàng chứng minh thu nhập của bản thân. Khi thu nhập càng cao và ổn định thì hạn mức tín dụng được phê duyệt càng cao.
- Công việc: Khi có công việc ổn định, ngân hàng sẽ thấy được khả năng thanh toán dư nợ tín dụng trong dài hạn. Vì vậy, các ngân hàng luôn kiểm tra tình trạng nghề nghiệp trong hồ sơ đăng ký mở thẻ tín dụng.
- Lịch sử tín dụng: Khi xét duyệt hồ sơ đăng ký tín dụng, ngân hàng sẽ kiểm tra các thông tin như: có mở quá nhiều thẻ tín dụng không, có thói quen trả nợ đúng hạn không, thói quen chi tiêu thế nào...Tất cả những thông tin này giúp ngân hàng đánh giá khả năng thanh toán dư nợ tín dụng.
Nếu chi tiêu vượt quá hạn mức được cấp, khách hàng sẽ bị ngân hàng tính phí vượt hạn mức. (Ảnh minh họa)
Có sử dụng vượt hạn mức thẻ tín dụng được không?
Theo chính sách hạn mức thẻ tín dụng hiện nay, việc ban hành hạn mức vừa để khống chế, điều tiết lượng sử dụng nguồn tiền từ phía ngân hàng, vừa hình thành thói quen “có bao nhiêu, dùng bấy nhiêu”. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp được ngân hàng cho phép dùng vượt hạn mức tín dụng. Mức vượt sẽ tùy thuộc vào quy định của mỗi ngân hàng.
Để được sử dụng vượt hạn mức được cấp, thẻ tín dụng phải đảm bảo lịch sử sử dụng và lịch sử thanh toán có độ uy tín, tín nhiệm cao.
Hạn mức tín dụng được ngân hàng cấp ngay sau khi mở thẻ, chủ thẻ chỉ được chi tiêu trong hạn mức này. Nếu chi tiêu vượt hạn mức thẻ tín dụng, khách hàng phải chấp nhận trả phí vượt hạn mức.
Trong quá trình sử dụng thẻ tín dụng, nhu cầu chi tiêu tăng lên, hạn mức tín dụng cũ không còn đáp ứng được nữa, chủ thẻ có thể nghĩ đến giải pháp tăng hạn mức tín dụng.
Nếu lịch sử tín dụng tốt, ngân hàng sẽ tự động tăng hạn mức tín dụng cho khách hàng. Ngoài ra, chủ thẻ cũng có thể chủ động liên hệ với ngân hàng để yêu cầu nâng hạn mức hoặc tăng/tách hạn mức, mở thêm thẻ tín dụng.
Thế nhưng, để được ngân hàng tăng hạn mức tín dụng, khách hàng phải đáp ứng một số tiêu chí mà các nhà băng đưa ra như mức thu nhập tăng lên, luôn thanh toán dư nợ tín dụng đúng thời hạn, hạn chế tối đa việc hủy thẻ tín dụng sớm, mua sắm thường xuyên qua thẻ để giúp điểm và lịch sử tín dụng tốt hơn.
Theo VTC