Cô gái viết tiếp câu chuyện cỏ bàng

15/09/2022 - 03:57

 - Sinh ra và lớn lên ở thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), chị Trần Thị Trang được gia đình dạy nghề đan đệm, giỏ từ cỏ bàng - nghề truyền thống lâu đời. Học thêm nghề may, chị mở xưởng gia công sản phẩm thủ công mỹ nghệ, kết hợp may và đan cỏ bàng. Không chỉ góp phần giữ gìn nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một, chị còn giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi địa phương.

Chị Trang biết đan đệm bàng từ nhỏ, dành tình cảm đặc biệt, “nên duyên” với nghề. Nhưng rồi, cuộc sống ngày càng hiện đại, đệm bàng, giỏ bàng ngày càng ít người sử dụng. Thị trường thu hẹp, thợ lành nghề nản chí, tìm công việc khác mưu sinh.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị Trang rời quê đến tỉnh Bình Dương xin làm công nhân may. Năm 2016, chị quyết định trở về quê, mở xưởng may túi xách, đồ thủ công mỹ nghệ… Đây là xưởng may túi xách từ cỏ bàng đầu tiên ở thị trấn Ba Chúc, từng sản phẩm được chị lên ý tưởng thiết kế, may cho đến thành phẩm.

Để có lượng khách hàng ổn định, hành trình khởi nghiệp của chị vô cùng gian nan, nhiều thử thách. Thời gian đầu, chưa có kinh nghiệm, ít người biết đến, nên chị Trang chỉ nhận được đơn đặt hàng từ người thân, bạn bè nên sản phẩm chưa vươn xa hơn được. Tiền mặt bằng, tiền vận hành xưởng… nhiều, trong khi đơn đặt hàng ngày càng ít.

Sau một thời gian, chị không trụ được, đành tạm gác đam mê, tiếp tục quay trở lại tỉnh Bình Dương làm công nhân may. Qua một lần thất bại, chị Trang bình tĩnh, rút được nhiều kinh nghiệm cho bản thân: Muốn thành công, không được nóng vội.

Chị Trang tâm huyết với nghề truyền thống

Ban ngày làm công nhân may, tối đến, chị dành thời gian lên mạng học hỏi, tích lũy thêm kiến thức về sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là từ cỏ bàng. Ý tưởng gầy dựng lại xưởng may gia công sản phẩm mỹ nghệ từ cỏ bàng chưa bao giờ ngơi nghỉ trong chị. Nó là động lực để chị cố gắng làm việc, tích lũy vốn từng ngày ở nơi xa xứ.

Đến năm 2019, chị Trang một lần nữa trở về quê nhà, gầy dựng lại xưởng may. Trước đó, chị Trang tham gia vào các hội, nhóm thủ công mỹ nghệ trên facebook để tìm kiếm khách hàng, đăng bài bán sản phẩm. Sản phẩm được làm tỉ mỉ, đẹp mắt, giá cả phải chăng… giúp chị tiếp cận được rất nhiều khách hàng, từ khách lẻ rồi đến khách sỉ.

Số lượng mỗi đơn đặt hàng từ hàng trăm đến cả ngàn sản phẩm. Khi có lượng khách hàng ổn định, chị Trang dành thời gian sáng tạo mẫu mã, cho ra đời nhiều sản phẩm mới, độc đáo, bắt kịp xu hướng sử dụng, thời trang của khách hàng.

Đến nay, mỗi khi nhắc về hành trình khởi nghiệp, chị Trang vẫn còn thổn thức như ngày đầu tiên. Lúc quay trở về quê, hành trang chỉ có ý tưởng về xưởng may, trong túi vỏn vẹn 3 triệu đồng. Số tiền này đủ mua 1 chiếc máy may đã qua sử dụng. Tiền vốn nhập hàng, mua vải… chị phải mượn của gia đình. Những đơn đặt hàng đầu tiên, chị Trang giống như “bỏ công làm lời”, vậy mà vẫn vui cả đêm không ngủ được.

“Nhờ tham gia mạng xã hội, đăng bài giới thiệu sản phẩm, bán hàng thường xuyên vào các hội, nhóm chuyên túi thủ công mỹ nghệ mà khách hàng biết đến sản phẩm nhiều hơn. Thêm phần nữa là họ biết xưởng của tôi được mở ở làng nghề truyền thống, khách hàng càng tin tưởng, đơn đặt hàng nhiều hơn. Bởi vậy, quy mô của xưởng của được mở rộng, tôi thuê thêm thợ may, đặt nhiều bà con đan cỏ bàng ở địa phương để làm. Mọi người đều có thu nhập, cùng giữ gìn được nghề truyền thống này” - chị Trang chia sẻ.

Xưởng của chị Trang giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 60 lao động địa phương. Trong hành trình khởi nghiệp của mình, chị Trang nhận được sự hỗ trợ từ địa phương, như hỗ trợ khu trưng bày sản phẩm tại Nhà mồ Ba Chúc để quảng bá cho khách du lịch, tiếp cận khách hàng.

Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tri Tôn, thị trấn Ba Chúc tạo điều kiện giúp chị Trang tham gia học hỏi kinh nghiệm ở các địa phương, tham gia cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp, giới thiệu tiếp cận nguồn vay để có vốn đầu tư trang thiết bị…

ÁNH NGUYÊN