Cơ hội phát triển đàn bò ở An Giang

10/01/2020 - 03:35

 - Trong bối cảnh bệnh dịch tả heo Châu Phi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đàn heo, khiến lượng cung không đủ cầu thì đây cũng là cơ hội phát triển các loài vật nuôi thay thế thịt heo, trong đó chăn nuôi bò là một trong những thế mạnh của An Giang. Tuy nhiên, cần chú trọng chất lượng con giống, xây dựng vùng nguyên liệu đồng cỏ và liên kết sản xuất với doanh nghiệp (DN) nhằm đảm bảo hiệu quả lâu dài, bền vững.

Điều kiện phù hợp

Khi Tập đoàn TH quyết định đầu tư chuỗi giá trị gia tăng bò sữa tại An Giang với tổng vốn dự kiến 6.000 tỷ đồng, quy mô 900ha, có ý kiến hoài nghi về tính hợp lý của dự án này. Tuy nhiên, với những người am hiểu về An Giang, lựa chọn đầu tư phát triển đàn bò hoàn toàn có cơ sở.

“An Giang xây dựng được hệ thống đê bao khép kín, có thể canh tác liên tục mà không lo ngập nước. Đặc biệt, ở 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên có diện tích đất nông nghiệp rộng, một số cây trồng như: lúa, màu chưa phát huy hiệu quả. Nếu chuyển sang trồng cỏ, có thể cung cấp thức ăn tươi quanh năm cho đàn bò. Ở Úc, New Zealand, vào mùa đông không trồng được cỏ, họ phải dự trữ thức ăn cho đàn bò, An Giang có điều kiện thuận lợi hơn” - TS Hồ Việt Hiệp (nguyên Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy) phân tích.

Chất lượng đàn bò ngày càng được cải thiện

Theo “Bản kế hoạch châu thổ Mekong” do Chính phủ Hà Lan và Việt Nam phối hợp xây dựng thì An Giang, Đồng Tháp và Long An được xác định nằm trong tiểu vùng thượng nguồn. Về dài hạn, đây là vùng trọng điểm sản xuất lúa, đảm bảo dự trữ chiến lược cho an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu.

An Giang đang định hướng sản xuất theo quy mô lớn, phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới để liên kết với các DN có tiềm lực đầu tư vào nông nghiệp. Sản xuất lớn sẽ tạo ra lượng phụ phẩm nông nghiệp tập trung, như: rơm rạ, cám gạo…

Đây sẽ là nguồn dự trữ và bổ sung thức ăn quan trọng cho đàn bò. TS Hồ Việt Hiệp cho rằng, bên cạnh duy trì diện tích lúa nhất định để đảm bảo an ninh lương thực, có thể chuyển một phần diện tích để liên kết trồng cỏ nuôi bò theo yêu cầu của DN.

“Khi cần, những diện tích chuyển đổi hoàn toàn có thể quay trở lại trồng lúa bởi điều kiện sản xuất giống nhau. Chỉ mất vài tháng là có ngay nguồn lương thực đáp ứng nhu cầu quốc gia” - TS Hiệp nhấn mạnh.

Triển vọng giống bò mới

Ở góc độ nghiên cứu, ông Nguyễn Viết Năng, Công ty Cổ phần Nghiên cứu và Dịch vụ khoa học công nghệ nông nghiệp Tây Nam Bộ (Công ty Tây Nam Bộ), cho biết, dù chăn nuôi bò là một nghề truyền thống lâu đời của nông dân Việt Nam nhưng do chất lượng con giống thấp, phương thức chăn nuôi chủ yếu là tận dụng nguồn thức ăn có sẵn nên đàn bò trong nước chỉ cung cấp khoảng 4,5-5% tổng sản phẩm thịt do ngành chăn nuôi sản xuất.

Tính toán của Cục Chăn nuôi cho thấy, mức tiêu thụ thịt bò trung bình của người Việt Nam trong năm 2018 chỉ 3,15kg thịt xẻ/người, xấp xỉ 1/3 bình quân chung thế giới (9,46kg/người) và chưa bằng 1/10 mức tiêu thụ của người Mỹ (36,48kg/người).

“Điều này cho thấy, cùng với nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng cao loại thịt đỏ này, ngành chăn nuôi bò thịt còn rất nhiều tiềm năng để phát triển trong thời gian tới” - ông Năng đánh giá.

Đại diện Công ty Tây Nam Bộ cho biết, là 1 tỉnh có diện tích đất tự nhiên rộng hơn 353.666ha, trong đó phần lớn là đất nông nghiệp, An Giang có lợi thế phát triển đàn bò. Trên thực tế, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2441/QĐ-UBND ngày 11-8-2017 về phê duyệt Dự án “Phát triển đàn bò theo hướng công nghệ cao” giai đoạn 2017-2020 với nhiều hình thức hỗ trợ như: cung ứng tinh và bò giống chất lượng cao, tập huấn chuyển giao công nghệ mới, xây dựng liên kết ngành hàng…

Tuy nhiên, các kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Để phát triển đàn bò bền vững, cần hỗ trợ các hộ nuôi, DN đầu tư trang trại quy mô lớn, phát triển đồng cỏ và công nghệ chế biến thức ăn thô xanh, chú trọng chất lượng con giống.

“Thời gian qua, nhằm cải tiến chất lượng đàn bò địa phương, An Giang đã chủ trương đẩy mạnh công tác lai tạo bằng cách nhập, sử dụng tinh và con giống bò ngoại cao sản. Các thế hệ con lai F1, F2 của các giống bò thịt chất lượng cao như: Red Angus, Charolaise, Brahman, Droughtmaster… với bò cái địa phương, lai Sind... đã chứng tỏ được ưu thế lai rõ rệt, không chỉ được người chăn nuôi mà cả thương lái, người tiêu dùng ưa chuộng” - ông Năng nhận xét.

Cùng với các giống hiện tại, Công ty Tây Nam Bộ đã thử nghiệm thành công giống bò Senepol. Đây là giống bò quý đang được nuôi rộng rãi ở nhiều bang của Hoa Kỳ, Australia, Châu Âu, Châu Á, Châu Phi... với các đặc điểm nổi bật như: hiền lành không sừng, thành thục sớm (12-13 tháng), hệ bầu vú phát triển tốt, mắn đẻ (1 lứa/năm), cho sữa nhiều, khả năng sinh trưởng nhanh, sức sản xuất thịt cao, chất lượng thịt tốt (thịt mềm, màu sắc đỏ tươi, tỷ lệ mỡ giắt cao), dễ nuôi, chịu khó gặm cỏ (đặc điểm mà người chăn nuôi rất ưa chuộng), có tính kháng bệnh cao, chống chịu ký sinh trùng, ve, chét rất tốt. Nhờ khả năng sản xuất sữa tương đối tốt nên giống bò Senepol còn được gọi là giống bò kiêm dụng thịt sữa.

“Giống bò Senepol có khả năng chịu nhiệt rất tốt nên còn gọi bò thịt nhiệt đới, phù hợp điều kiện nuôi ở An Giang. Giống bò này sẽ góp phần nâng cao chất lượng đàn bò của tỉnh” - ông Năng nhận định.

NGÔ CHUẨN