Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Ngày 18-1, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 79/QĐ-BTNMT về việc công bố 10 sự kiện của ngành tài nguyên và môi trường năm 2020.
Đây là những sự kiện nổi bật nhất, có ý nghĩa chính trị quan trọng, thu hút sự quan tâm của dư luận về cơ chế chính sách; tình hình thiên tai, những cam kết đóng góp của Việt Nam về biến đổi khí hậu và hợp tác hành động về nhưa.
10 sự kiện của ngành tài nguyên và môi trường trong năm 2020 được Bộ Tài nguyên và Môi trường lựa chọn gồm:
1. Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi
Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi gồm 16 chương, 171 Điều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Với Luật này, lần đầu tiên, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường; luật quy định tăng cường tham vấn và phát huy vai trò giám sát, phản biện của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường; quy định kiểm toán môi trường…
Bên cạnh đó, Luật cũng đã có những quy định quan trọng như thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao; giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, nhất là môi trường không khí, môi trường nước; thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; quy định cách thức quản lý, ứng xử với chất thải để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; quy định ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển thị trường cacbon trong nước; bảo vệ di sản thiên nhiên phù hợp pháp luật quốc tế;…
2. Năm thiên tai bất thường, cực đoan nhất trong lịch sử
Ngay giờ đầu, ngày đầu Tết Nguyên đán 2020, mưa đá, dông lốc đã trút xuống dữ dội ở nhiều tỉnh thành miền Bắc. Mùa khô năm 2020 thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long, xâm nhập mặn xảy ra sớm, lấn sâu và kéo dài nhiều ngày đã vượt năm hạn mặn khốc liệt kỷ lục được ghi nhận (năm 2016).
Mùa mưa, các tỉnh miền Trung phải hứng chịu chuỗi đa thiên tai liên tiếp và dồn dập. Trong vòng 42 ngày chịu ảnh hưởng trực tiếp của 6 cơn bão và 1 cơn áp thấp nhiệt đới, trong đó cơn bão số 9 là một trong hai cơn bão có cường độ mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây; mưa lớn kéo dài với tổng lượng mưa phổ biến cao hơn gấp 3 - 5,5 lần so với trung bình nhiều năm, nhiều điểm vượt giá trị lịch sử.
Lũ lớn trên sông Hiếu gây ngập diện rộng tại khu vực xã Thanh An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Lũ lớn xảy ra hầu khắp các sông trên toàn quốc, đỉnh lũ phổ biến vượt mức báo động 3 từ 0,5 - 2m; ngập lụt sâu diện rộng và kéo dài nhiều ngày. Bão, mưa lũ, sạt lở đất diễn ra nghiêm trọng ở miền Trung gây thiệt hại lớn về người, tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân ở khu vực này.
3. Tích hợp, vận hành Chính phủ điện tử
Năm 2020 cũng để lại dấu ấn quan trọng khi tích hợp, vận hành Chính phủ điện tử, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với khối lượng thông tin dữ liệu lớn và chất lượng cung ứng dịch vụ công lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Chuyên trang hỗ trợ tiếp cận thông tin của Bộ Tài nguyên và Môi trường. (Ảnh: Monre)
Trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, ngành tài nguyên và môi trường tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đã đảm bảo hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành, đặc biệt đã tổ chức hàng loạt hội nghị quốc tế quy mô khu vực và toàn cầu thông qua hình thức trực tuyến. Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) ngành tài nguyên và môi trường được đánh giá cao.
4. Hoàn thành cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định
Trong bối cảnh phải ứng phó với nhiều thách thức, đặc biệt do đại dịch COVID-19 và nguồn lực hạn chế, Việt Nam vẫn là một trong số ít quốc gia hoàn thành Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) với cam kết tăng mức đóng góp về ứng phó với biến đổi khí hậu. Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ ban hành với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm theo 7 nhóm lĩnh vực và liên ngành.
(Ảnh minh họa: mrtomcowell.com)
Việt Nam tích cực tham gia sáng kiến quản lý các chất fluorocacbon và làm mát hiệu quả nhằm bảo vệ tầng ozone, góp phần thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone và NDC cập nhật.
5. Thành lập Ủy ban chỉ đạo quốc gia về chiến lược biển
Trong năm 2020, Việt Nam đã thành lập Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch.
Ủy ban này có trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, thống nhất, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành liên quan đến phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Du lịch biển Quy Nhơn. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Bên cạnh đó, phê duyệt và tổ chức thực hiện nhiều đề án, kế hoạch, chương trình để cụ thể hóa Nghị quyết số 36-NQ/TW như hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030; tăng cường năng lực cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác quản lý tổng hợp và điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển, hải đảo đến năm 2030; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ…
6. Công viên Địa Đắk Nông ghi dấu ấn trên thế giới
Công viên Địa chất Đắk Nông đã được công nhận gia nhập mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu tại Phiên họp lần thứ 209 Ủy ban Chương trình và Quan hệ quốc tế, Hội đồng chấp hành UNESCO.
Công viên này có diện tích 4.760km, trải dài trên địa phận 6 huyện, thị xã thuộc tỉnh Đắk Nông với 118 điểm di sản địa chất, địa mạo, gần 50 hang động tổng chiều dài hơn 10.000 m, các miệng núi lửa, thác nước.
Vẻ kỳ vĩ của Công viên Địa chất Đăk Nông. (Ảnh: TTXVN phát)
Trong năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các địa phương cũng đã công bố thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy (Thái Bình) và Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang-Cầu Hai (Thừa Thiên-Huế).
7. Khởi động Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa
Diễn đàn Kinh tế thế giới và Bộ Tài nguyên và Môi trường ký kết khởi động Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa và Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; các chính sách của Việt Nam chung tay cộng đồng quốc tế giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, ô nhiễm nhựa đại dương đang được thế giới quan tâm.
Trong bối cảnh hợp tác quốc tế trên toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, ngành tài nguyên và môi trường đã tích cực, chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế.
Việt Nam cam kết sẽ hành động mạnh mẽ giảm thiểu ô nhiễm từ rác thải nhựa. (Ảnh: TTXVN)
Theo đó, nhiều sự kiện hợp tác quốc tế đa phương và song phương được tổ chức thành công, như: Tuần lễ Giải pháp biển ở cấp Bộ trưởng về rác thải và giải pháp ngăn ngừa ô nhiễm nhựa trên biển, Hội nghị cao cấp ASEAN về môi trường lần thứ 31, Hội nghị Bộ trưởng Môi trường G20, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông...
8. Hoàn thành bộ bản đồ địa hình biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia
Trong năm 2020 đã hoàn thành bộ bản đồ địa hình biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia tỷ lệ 1:25.000, thể hiện đầy đủ kết quả phân giới cắm mốc với 2.047 mốc quốc giới bao gồm mốc chính, mốc phụ, cọc dấu để bàn giao cho phía Campuchia và các bộ, ngành của Việt Nam.
Việc hoàn thành bộ bản đồ địa hình biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia là cơ sở quan trọng để tổ chức lễ trao đổi Văn kiện phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985, Hiệp ước bổ sung năm 2005 và Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới đất liền giữa hai nước được ký năm 2019 có hiệu lực…
9. Hoàn thành giai đoạn I dự án trọng điểm tìm kiếm nguồn nước
Trong bối cảnh mùa khô thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng, xâm nhập mặn xảy ra sớm, lấn sâu và kéo dài vượt năm hạn mặn khốc liệt kỷ lục năm 2016, ngành tài nguyên và môi trường đã hoàn thành giai đoạn I dự án Chính phủ “Điều tra tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước.”
Niềm vui của trẻ em khi có nước sạch sinh hoạt. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Theo đó, toàn ngành đã thi công 454 công trình, đủ điều kiện xây dựng 189 trạm cấp nước sinh hoạt tập trung thuộc 36 tỉnh, lưu lượng khai thác công trình dự báo trên phạm vi các vùng điều tra đạt khoảng 104.911 m3/ngày, có thể cung cấp cho 1,05 triệu người dân với tiêu chuẩn sử dụng nước 100 l/người/ngày…
10. Tổng kết Chương trình khoa học về ứng phó với biến đổi khí hậu
Trong năm 2020, Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016 - 2020 đã được tổng kết đánh giá với nhiều đóng góp quan trọng; nhiều đề tài, công trình đã được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ; xuất bản sách chuyên khảo, chuyên ngành.
Trong năm 2020, nhiều cá nhân ngành tài nguyên và môi trường được quốc tế vinh danh, như: Tổ chức UNESCO bổ nhiệm phó giáo sư, tiên sĩ Trần Tân Văn đảm nhiệm thành viên Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu nhiệm kỳ 2020 - 2024; phó giáo sư, tiến sĩ Hồ Thị Thanh Vân được Tạp chí Asian Scientits xếp hạng 23/100 nhà khoa học tiêu biểu của châu Á năm 2020 với công trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo./.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Norton Rose Fulbright)
Theo HÙNG VÕ (Vietnam+)