Công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2020: An Giang xếp hạng 26/63 tỉnh, thành phố

24/06/2021 - 18:48

 - Chiều 24-6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2020 và Chỉ số CCHC năm 2020 của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư chủ trì tại điểm cầu An Giang, cùng các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình CCHC tỉnh An Giang, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh tham dự.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư chủ trì tại điểm cầu An Giang

Theo đánh giá, Chỉ số CCHC 2020 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt giá trị trung bình là 83.72%, cao hơn 2.57% so giá trị trung bình năm 2019 (đạt 81.15%) và cao nhất trong 5 năm gần đây. So sánh kết quả của 63 địa phương cho thấy, có 38 đơn vị đạt Chỉ số CCHC cao hơn giá trị trung bình của cả nước. Đáng chú ý, có 58 địa phương đạt Chỉ số CCHC trên 80%, trong đó tỉnh Quảng Ninh tiếp tục là địa phương xếp vị trí thứ nhất bảng xếp hạng, với 91,04 điểm, cao hơn 0,53 điểm so đơn vị xếp vị trí thứ 2 là Hải Phòng, đạt 90,51 điểm.

Riêng tỉnh An Giang, Chỉ số CCHC năm 2020 đạt 84,67 điểm, xếp hạng 26/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (giảm 15 bậc so năm 2019) và xếp hạng 4/13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL (giảm 1 bậc so năm 2019). Về chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020, tỉnh An Giang có tổng số điểm 83,25 điểm, đứng 45/63; xếp hạng thứ 10/13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong triển khai hiệu quả công tác CCHC năm 2020, với nhiều giải pháp mới, sáng tạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả CCHC, góp phần to lớn trong công cuộc phát triển đất nước.

Để nâng cao chất lượng CCHC thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương có nhiều giải pháp đổi mới hiệu quả, phù hợp để nâng cao chất lượng hành chính công ở địa phương; có nhiều giải pháp thiết thực hiệu quả, tạo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng; hoàn thiện thể chế kinh doanh và cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, cùng với tăng cường phòng, chống tham nhũng.

Tiếp tục đổi mới cải cách, cắt giảm thủ tục, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công; xây dựng hoàn thiện chính sách pháp luật bộ máy hành chính nhà nước; rà soát tinh giản tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm trong bổ nhiệm, tuyển dụng...

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin chuyển số đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ công cho người dân, phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số. Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế..., góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại.

Tin, ảnh: HẠNH CHÂU