Hội nghị tại điểm cầu tỉnh An Giang
Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được lập cho tất cả các nhóm/loại khoáng sản làm VLXD (trừ khoáng sản làm VLXD thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ). Ranh giới các khu vực phân bố khoáng sản và chế biến khoáng sản làm VLXD trên diện tích đất liền, hải đảo và thềm lục địa của cả nước. Phạm vi quy hoạch có điều chỉnh mở rộng so nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 131/QĐ-TTg (chỉ trên phạm vi diện tích đất liền).
Quy hoạch cho các nhóm khoáng sản được phân theo mục đích sử dụng: Nhóm khoáng sản làm xi-măng (đá vôi làm xi-măng; sét làm xi-măng; cát kết, bazan, laterit, puzolan... làm phụ gia xi-măng). Nhóm khoáng sản làm đá ốp lát, mỹ nghệ (đá vôi, đá dolomit, đá hoa, đá granit, đá gabro, đá bazan, đá metacarbonat...). Nhóm khoáng sản làm gốm sứ, vật liệu chịu lửa (cao lanh, felspat, đất sét trắng, đất sét chịu lửa, thạch anh, quarzit...). Nhóm khoáng sản làm kính xây dựng (cát trắng, felspat, đá vôi, dolomit). Nhóm khoáng sản làm vôi công nghiệp (đá vôi, dolomit).
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, mục tiêu quy hoạch, nhằm phát triển bền vững hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD hiệu quả, tương xứng với tiềm năng khoáng sản, đáp ứng tối đa nhu cầu nguyên liệu sản xuất VLXD cho nền kinh tế, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, cảnh quan.
Qua đó, hình thành ngành khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD tập trung, đồng bộ, hiệu quả với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, phù hợp với xu thế của thế giới. Phát huy hiệu quả các cơ sở chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD hiện có, như: Sản phẩm làm xi-măng, vôi công nghiệp, đá hoa, cát trắng silic...; tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, giảm giá thành.
Tin, ảnh: HỮU HUYNH