Các đại biểu tham dự Lễ Công bố Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung; thiếu tướng Huỳnh Văn Ngon, Phó Chính ủy Quân khu 9; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng; các đồng chí nguyên lãnh đạo Trung ương, tỉnh An Giang qua các thời kỳ, các tỉnh, thành phố bạn; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang… tham dự buổi lễ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước công bố Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang và Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước tặng hoa Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung
Quy hoạch tỉnh An Giang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1369/QĐ-TTg, ngày 15/11/2023. Phạm vi, ranh giới quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính tỉnh An Giang, có diện tích tự nhiên 3.536,7 km2, thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Mục tiêu tổng quát của quy hoạch đến năm 2030, An Giang là tỉnh phát triển khá trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, có kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững, là trung tâm nghiên cứu phát triển giống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dược liệu ứng dụng công nghệ cao; là trung tâm du lịch sinh thái của vùng; đầu mối giao thương, hợp tác với Vương quốc Campuchia, có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy; quốc phòng- an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội ổn định; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của người dân được ấm no, hạnh phúc.
Tầm nhìn đến năm 2050, An Giang là tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững, là đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của vùng với thị trường Campuchia và các nước khu vực ASEAN; bản sắc văn hóa thống nhất trong đa dạng của các dân tộc trên địa bàn tỉnh và mang đậm văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long. Quốc phòng- an ninh vững mạnh, trật tự, an toàn xã hội ổn định, người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.
Quy hoạch đề ra các đột phá phát triển, gồm: Xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách nhằm thu hút các nguồn lực, nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực đột phá phát triển, như: Nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, dịch vụ, du lịch, logistics và chuyển đổi số. Tập trung huy động tối đa các nguồn lực, để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông và đẩy mạnh đầu tư phát triển các hành lang kinh tế, trọng tâm là hành lang kinh tế Châu Đốc - Long Xuyên; hành lang kinh tế biên giới Tịnh Biên - Châu Đốc - An Phú - Tân Châu (Khu Kinh tế Cửa khẩu tỉnh An Giang), các khu, cụm công nghiệp, đô thị động lực. Phát triển mạng lưới hạ tầng thương mại và dịch vụ chất lượng cao; đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của tỉnh.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhấn mạnh, để thực hiện tốt nội dung Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, biến khát vọng và tầm nhìn thành hiện thực, các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh An Giang cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của quy hoạch đến cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân, nhằm tạo thống nhất về nhận thức, hành động và hiệu quả trong thực hiện quy hoạch.
Trên cơ sở nội dung quy hoạch, các cấp, các ngành và địa phương phối hợp triển khai kế hoạch thực hiện đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, nhịp nhàng. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, đơn vị mình để tập trung chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện. Tăng cường tính chủ động, trách nhiệm, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý quy hoạch, vừa bảo đảm quy hoạch được triển khai trong thực tế, vừa phát huy tối đa nguồn lực thực hiện.
Song song đó, cần tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch tỉnh. Nghiên cứu, đánh giá mức độ thiết yếu, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình, dự án quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo đúng định hướng quy hoạch tỉnh.
Đặc biệt, chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, phục vụ các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tăng cường bảo vệ môi trường, ứng dụng khoa học - công nghệ. Khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã và nhà đầu tư đến với tỉnh An Giang.
Trao biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư cho 9 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh
Dịp này, UBND tỉnh An Giang đã trao biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư cho 9 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
MỸ LINH – TRUNG HIẾU – DUY ANH