Công việc thầm lặng của người thợ sửa chữa phà

10/06/2024 - 06:50

 - Nằm cạnh bến phà An Hòa (bờ Chợ Mới), Xí nghiệp Cơ khí giao thông (trực thuộc Công ty Cổ phần Phà An Giang) có tuổi đời nửa thế kỷ, cần mẫn làm tròn trách nhiệm bảo trì phà, dần mở rộng nhiều dịch vụ khác.

Trong khuôn viên rộng 10.000m2, có 2 chiếc phà lớn đang được hoán cải. Nhiều nhóm công nhân tập trung sản xuất 2 chiếc cầu thép (mỗi cầu dài 33m), phấn đấu 2 - 3 tháng hoàn thành, bàn giao cho đối tác ở tỉnh Đồng Tháp. Ngoài trời, nắng như đổ lửa, kết hợp với lửa hàn càng khiến không khí rát bỏng. Bên trong xưởng tiện, dày đặc thiết bị chuyên dùng, ai nấy tập trung tối đa.

Ngày nào mới tham gia công tác, thấm thoát đã hơn 20 năm, ông Nguyễn Văn Thơm (Tổ trưởng Tổ hàn) trở thành người có thâm niên nhất, kỳ cựu nhất tại xí nghiệp. Con trai ông từng gắn bó nơi đây vài năm, nhưng bị công việc khác cuốn đi, không theo nghề nữa.

“Muốn theo nghề này lâu dài, cần nhất là tính kiên trì, sốt sắng, sáng tạo. Phải luôn tìm cách uyển chuyển để thực hiện công việc tốt hơn. Đặc biệt, phải thích nghi được với môi trường làm việc khắc nghiệt: Khi nắng nóng gay gắt, khi mưa dầm, lúc lại đối mặt với sức nóng dữ dội trong hầm máy. Nhiều thời điểm vất vả đến mức tôi muốn bỏ cuộc. Nhưng nghĩ lại, vẫn phải cố gắng hết sức mình, để công việc hoàn thành đúng tiến độ”- ông Thơm chia sẻ.

Ông Sơn (nón trắng) trao đổi công việc với công nhân

Hai thập kỷ gắn bó với nghề để lại nhiều dấu ấn đậm sâu trong lòng ông. Khoảng năm 2009, khi trang thiết bị còn thiếu thốn, đơn vị phải thuê phao 500 tấn ở tỉnh Long An kéo về. Chiếc phao lớn ngoài sức tưởng tượng của anh em công nhân, chưa ai có kinh nghiệm, gặp trục trặc trong quá trình kéo.

Tổng cộng, 15 công nhân mất ròng rã 10 ngày xuyên suốt mới xử lý xong, chỉ được nghỉ duy nhất ngày mùng 1 Tết. Họ phải thức khuya, đợi nửa đêm, khi con nước lớn mới kéo vào bờ. Sau lần ấy, kinh nghiệm của họ ngày càng nhiều lên, thời gian khắc phục ngày càng giảm xuống, từ 1 tuần còn 2 - 3 ngày.

“Trông con nước” là câu chuyện thường xuyên diễn ra ở xí nghiệp. Nghề nghiệp gắn liền với sông nước, nên mọi người “tận dụng” sức nước, canh thời điểm phù hợp để kéo phương tiện thủy. Dần dần, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến mực nước thấp hơn hẳn ngày trước. Vừa canh con nước, những người thợ còn linh hoạt ủi bãi, hút bùn, chỉnh độ lài của bãi, phù hợp điều kiện thực tế.

Điểm đặc biệt của Xí nghiệp Cơ khí giao thông là chuyên sửa chữa, bảo trì phà các loại (từ 30 - 200 tấn), phao nổi, ponton… Công việc sửa chữa được chia thành 2 loại. Ngoài sửa chữa nhỏ, công nhân đảm nhiệm sửa chữa lớn (trên đà và định kỳ). Về sau, trang thiết bị đầy đủ, tay nghề thợ chất lượng, đơn vị mạnh dạn đảm nhận thêm dịch vụ sửa chữa cho tư nhân, các bến phà lân cận của tỉnh Đồng Tháp, cất nhà tiền chế, cầu… Tóm lại, các dịch vụ liên quan đến sắt thép, đơn vị tự tin thực hiện. Nhưng chủ lực vẫn là bảo trì phương tiện phà cho nội bộ Công ty Cổ phần Phà An Giang.

“Vừa trực tiếp sử dụng phà, vừa sửa chữa, bảo trì phà, nên kinh nghiệm của chúng tôi rất dày. Chưa kể, hệ động lực của phà là lĩnh vực rất khó, nếu không nắm rõ sẽ sửa chữa không đạt, phương tiện mau hư lần nữa. Quá trình bảo trì, trải nghiệm thực tế, rút kinh nghiệm… giúp chúng tôi nâng cao chất lượng tay nghề hơn. Hiện nay, xí nghiệp phụ trách bảo trì, sửa chữa khoảng 40 phương tiện cho toàn bộ bến phà trực thuộc công ty, ponton 500 tấn, sà lan 2.000 tấn; mở rộng thực hiện dịch vụ theo yêu cầu tư nhân” - Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí giao thông Võ Thanh Sơn cho biết.

Ngoài làm việc theo giờ hành chính, chia tổ (hàn, tiện, sơn, máy), công nhân trong xí nghiệp còn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ đột xuất bất kể ngày nghỉ, lễ, Tết. Chuyện phà bị hỏng hóc diễn ra thường xuyên, như: Trục trặc hệ động lực, hộp số, máy chính, rịn nước... Có những chiếc phà được sản xuất từ năm 1974, 2012, đều được hoán cải, đáp ứng yêu cầu đăng kiểm, nhưng vẫn xảy ra sự cố nhỏ.

Để đảm bảo năng lực vận tải hành khách, không bị ùn ứ cục bộ, công nhân phải di chuyển đến tận nơi, tranh thủ khắc phục trong đêm, bảo đảm sáng hôm sau phà vận hành bình thường. Đa phần, cao điểm hoạt động sẽ rơi vào trước Tết Nguyên đán, các đợt nghỉ lễ dài ngày. Mọi người tăng ca, tăng cường làm ban đêm, bảo đảm phương tiện phục vụ suôn sẻ cho hành khách.

Mấy tuần nay, đơn vị hoán cải phà B11.AG - 00352, hoàn thành 70% tiến độ, dự kiến ngày 29/5 hạ thủy, đầu tháng 6 bàn giao; phà B12.AG - 00359 đạt 55% tiến độ, dự kiến hạ thủy ngày 14/6, hoàn thành bàn giao giữa tháng 6. Ngoài ra, công nhân hoàn thành sản xuất mới, lắp đặt lưỡi gà rùa cầu phía dưới ponton bờ Nhơn Mỹ (Xí nghiệp Phà Mương Ranh); sửa chữa ngựa đò ponton bến An Hòa - bờ Hòa Bình…

“Xí nghiệp ngày càng phát triển, nguồn hàng dồi dào, công nhân có việc làm thường xuyên, tiến tới tăng số lượng và chất lượng công nhân… là những mong mỏi lớn của Ban Điều hành Xí nghiệp. Thu nhập được khoán theo khối lượng công việc, nên ai cũng mong có thật nhiều việc để làm, vừa ổn định cuộc sống gia đình, vừa đóng góp vào thành tích kinh doanh chung của công ty” - ông Sơn bày tỏ.

Năm 2023, Xí nghiệp Cơ khí giao thông hoàn thành nhiệm vụ thi công sửa chữa, cụ thể: Hoán cải, chuyển đổi công năng 5 công trình, sửa chữa trên đà 11 công trình, hơn 10 công trình sửa chữa nhỏ, khắc phục sự cố. Đồng thời, sửa chữa 2 công trình khách hàng bên ngoài công ty (sửa chữa trên đà poton 500 tấn, phà 100 tấn).

 

GIA KHÁNH