Thông điệp xuyên suốt chuyến đi là việc thúc đẩy sớm ký, phê chuẩn và thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) nhằm đem lại lợi ích cho cả Việt Nam và EU.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu Đoàn cấp cao Việt Nam (phía sau) dự Phiên họp toàn thể thứ nhất Hội nghị Cấp cao ASEM 12. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Không chỉ thắt chặt quan hệ với các đối tác châu Âu, kết quả nổi bật trong hành trình 3 điểm đến của Thủ tướng và “mở ra cánh cửa lớn” cho việc ký kết EVFTA là việc Ủy ban châu Âu thông qua việc trình Hội đồng châu Âu chấp thuận để ký chính thức và trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn văn kiện quan trọng này.
Sau đây là tổng hợp của Đặc phái viên TTXVN tháp tùng Đoàn.
Cột mốc trong quan hệ Việt Nam-Áo
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz và Chính phủ Cộng hòa Áo đã dành cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một Lễ đón chính thức hết sức trọng thị tại đại sảnh Cung Điện Hofburg, thủ đô Vienna; thể hiện sự coi trọng của Chính phủ Áo trong phát triển mối quan hệ, hợp tác toàn diện với Việt Nam.
Trong hội đàm, Thủ tướng Cộng hòa Áo - quốc gia hiện đang là Chủ tịch EU nhấn mạnh chuyến thăm chính thức Áo lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một cột mốc trong quan hệ hai nước và cho rằng, chuyến thăm đã mở ra những bước phát triển mạnh mẽ và toàn diện của mối quan hệ song phương Việt Nam-Áo.
Thủ tướng Sebastian Kurz nhấn mạnh với vai trò là Chủ tịch EU trong sáu tháng cuối năm 2018 và là một đối tác gắn bó với Việt Nam, Áo ủng hộ và sẽ thúc đẩy sớm ký và phê chuẩn Hiệp định EVFTA.
Trong trao đổi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Sebastian Kurz cùng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định cho hợp tác và phát triển, giải quyết các khác biệt và tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Nếu muốn đi xa thì đi cùng nhau
Như thường lệ, hoạt động xúc tiến đầu tư luôn là một trọng tâm trong các chuyến đối ngoại của Thủ tướng mà hơn thế, châu Âu là thị trường rất lớn với hơn 400 triệu dân và cũng đang là một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Thăm chính thức Cộng hòa Áo, hai bên đã ký kết các hiệp định, thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực mà nổi bật là Dự án “Nâng cấp trang thiết bị y tế cho Trung tâm ung bướu Chợ Rẫy thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy,” trị giá 25 triệu euro giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Ngân hàng Raiffeisen của Áo.
Phát biểu với hàng trăm doanh nghiệp hai nước tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Áo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến câu nói, “nếu muốn đi xa thì phải đi cùng nhau” và mong muốn các doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác cùng có lợi.
Chia sẻ và hợp tác
Thăm bang Hạ Áo (Niederösterreich) - bang lớn nhất về diện tích và thứ nhì về dân số của Cộng hòa Áo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị chính quyền bang Hạ Áo ủng hộ các hoạt động kết nối hợp tác, kinh doanh giữa các trường đại học và các doanh nghiệp của bang với các đối tác Việt Nam, để tạo nên những hình mẫu tốt cho hợp tác hai nước.
Trong số nhiều cuộc gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài, cuộc gặp của Thủ tướng với bà con tại thủ đô Vienna có những điểm khác biệt lớn bởi có sự tham gia của không chỉ cộng đồng người Việt tại Áo mà còn cả những người Việt đang sinh sống, học tập, công tác tại một số nước châu Âu cùng vượt đường sá xa xôi để tham gia cuộc gặp mặt.
Động lực mới trong quan hệ Việt Nam-Bỉ
Diễn ra trong bối cảnh hai nước đang kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Vương quốc Bỉ - “trái tim” của châu Âu, được Thủ tướng Bỉ Charles Michel nhìn nhận như “một động lực mới” thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Bỉ phát triển mạnh mẽ.
Trong hội đàm, hai Thủ tướng nhất trí xác định trọng tâm ưu tiên, nâng cao hiệu quả các dự án đã và đang thực hiện và hiệu quả phối hợp giữa các cơ chế hợp tác hai nước.
Sau cuộc hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến việc ký kết Thỏa thuận đối tác chiến lược giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Bỉ về lĩnh vực nông nghiệp; Bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu cảng hàng rời thông minh tại Hải Phòng giữa Công ty Hateco (một doanh nghiệp phát triển và vận hành trung tâm logistics thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam) và Tập đoàn Rent-A-Port của Bỉ.
Còn tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-EU và Bỉ - một sự kiện chính của chuyến thăm, phát biểu trước hơn 250 doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU khi có hiệu lực sẽ mở cánh cửa rộng lớn để doanh nghiệp hai bên phát huy tiềm năng hợp tác to lớn.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Tôi mong rằng cộng đồng doanh nghiệp EU và đặc biệt là doanh nghiệp Bỉ có tiếng nói ủng hộ để Hiệp định sớm được ký kết.”
Cũng trong chuyến thăm chính thức Vương quốc Bỉ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến Nhà vua Bỉ Philippe; hội kiến Chủ tịch Hạ viện Siegfried Bracke.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã tiếp xúc với các chính quyền Vùng Flanders và Vùng Wallonie.
Tin vui của doanh nghiệp và người dân
Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Á Âu lần thứ 12 (ASEM 12), thăm và làm việc với Liên minh châu Âu được coi là nội dung quan trọng nhất trong chuỗi các hoạt động đối ngoại cả đa phương và song phương của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần này tại châu Âu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Trưởng đoàn ASEM chụp ảnh chung, sáng 19-10 vừa qua, tại phiên họp toàn thể thứ hai. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Trong chương trình hoạt động dày đặc từ ngày 14/10 vừa qua, Thủ tướng và Đoàn công tác của Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc với các đối tác song phương và lãnh đạo EU.
Kết quả rất tích cực là 12 giờ ngày 17-10 vừa qua, Ủy ban châu Âu đã kết thúc phiên họp và đã thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng châu Âu chấp thuận để ký chính thức EVFTA và trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn.
Đây là kết quả của cả quá trình phối hợp tích cực các nỗ lực về chính trị, đối ngoại, đàm phán, hợp tác, đấu tranh… của cả hai bên, là tin vui cho toàn thể người dân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và EU; đồng thời cũng là dấu ấn nổi bật của chuyến đi.
Trao đổi với Thủ tướng về nội dung này, ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu (EP), cơ quan có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy EVFTA cho rằng, đây là bước quan trọng để Nghị viện châu Âu bắt đầu quá trình xem xét phê chuẩn, đáp ứng được sự mong đợi của cả hai bên, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa EU và Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương.
Còn trong cuộc hội kiến với Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Antonio Tajani, Chủ tịch EP nhấn mạnh cơ quan này sẽ nỗ lực để hoàn tất việc phê chuẩn các hiệp định EVFTA và IPA ngay trong đầu năm 2019 và cho rằng đây là lợi ích quan trọng của cả hai bên và có ý nghĩa lớn đối với thương mại châu Âu và châu Á.
Trong thông báo của EU cũng đã nêu ý kiến của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean Claude Junker nhấn mạnh Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam là ví dụ điển hình thể hiện chính sách thương mại hiện nay của EU, mang lại những lợi ích chưa từng có đối với doanh nghiệp và người dân châu Âu và Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, trên thực tế, Việt Nam đã ký và đang chuẩn bị phê chuẩn Hiệp định CPTPP với 11 nước. Đó cũng là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có tiêu chuẩn cao.
Dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc phê chuẩn hiệp định này trong phiên họp tới đây.
Chuyến thăm của Thủ tướng đã tạo ra hiệu ứng rất tốt, vừa thể hiện được thông điệp rất mạnh mẽ là Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, vừa sẵn sàng cùng thế giới duy trì hệ thống thương mại đa phương mở và dựa trên luật lệ để cùng hợp tác và phát triển.
Kết nối doanh nghiệp hai châu lục
Ngay trước thềm Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác Á Âu (ASEM) lần thứ 12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Thủ tướng Norway Erna Solberg là hai nhà Lãnh đạo ASEM được mời phát biểu chính tại Diễn đàn Doanh nghiệp Á Âu (AEBF) lần thứ 16.
Với chủ đề “Kết nối-Tạo dựng cầu nối giữa châu Á và châu Âu,” Diễn đàn có sự tham dự của hơn 400 lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu, đại diện cộng đồng doanh nghiệp hai châu lục..
Đây cũng là hoạt động xúc tiến đầu tư có quy mô lớn nhất trong toàn bộ hành trình chuyến thăm châu Âu lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên toàn thể thứ nhất với chủ đề: “Cùng vun đắp tương lai: Thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và kết nối bền vững.” (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất tăng cường kết nối Chính phủ và doanh nghiệp; kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp và doanh nghiệp cần đóng góp tích cực thúc đẩy kết nối giữa con người và con người.
Phát biểu tại Hội nghị ASEM 12 với sự tham gia của 43 nguyên thủ và 10 lãnh đạo quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu 3 đề xuất nhằm khẳng định vai trò tiên phong của ASEM trong đẩy mạnh hợp tác đa phương, đóng góp xây dựng cơ chế quản trị toàn cầu hiệu quả, công bằng và dân chủ hơn.
Thủ tướng cũng đã đưa ra một đề xuất đáng chú ý là việc tổ chức “Hội nghị ASEM về thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế và xã hội ở châu Á và châu Âu” và “Hội thảo ASEM về thúc đẩy kinh tế số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư” trong năm 2019.
Bên lề Hội nghị cấp cao ASEM 12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc tiếp xúc song phương với một số nhà lãnh đạo các thành viên ASEM tham dự hội nghị quan trọng này như Chủ tịch Ủy ban châu Âu; Thủ tướng Quốc Vụ viện Trung Quốc, Thủ tướng Na Uy, Thủ tướng Slovenia, Thủ tướng Tây Ban Nha, Tổng thống Mông Cổ, Thủ tướng Hà Lan, Thủ tướng Ba Lan, Thủ tướng Phần Lan.
Một văn kiện hợp tác đáng chú ý bên lề Hội nghị cấp cao Á Âu lần thứ 12, là việc Việt Nam và EU ký Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT).
Cốt lõi của Hiệp định này là đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU là có nguồn gốc hợp pháp bất kể là gỗ khai thác trong nước hay nhập khẩu.
Phép màu của “nàng tiên cá” trong quan hệ hai nước
Lần đầu tiên thăm chính thức Vương quốc Đan Mạch trên cương vị Người đứng đầu Chính phủ, phát biểu tại hội đàm với Thủ tướng Đan Mạch Løkke Rasmussen, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ Đan Mạch tiếp tục triển khai Chiến lược Tăng trưởng của Đan Mạch đối với Việt Nam.
Tiếp kiến Nữ hoàng Đan Mạch Margrethe Đệ nhị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện với Đan Mạch.
Đẩy manh hợp tác trong tăng trưởng xanh
Với vai trò là một trong số các quốc gia tham gia sáng lập Diễn đàn P4G, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ về tầm quan trọng của tăng cường hợp tác quốc tế trong thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh toàn cầu đến 2030.
Thủ tướng nhấn mạnh: Việt Nam sẵn sàng đẩy manh hợp tác thực hiện các sáng kiến của Diễn đàn về thúc đẩy các dự án hợp tác công-tư (PPP) trong tăng trưởng xanh, đặc biệt về tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo, nông nghiệp, tài nguyên nước, phát triển đô thị thông minh, kinh tế tuần hoàn...
Bên lề Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có tiếp xúc với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Tổng thống Ethiopia Mulatu Teshome và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte.
Tham dự buổi đối thoại bàn tròn cấp cao với các doanh nghiệp hàng đầu của Đan Mạch và Việt Nam, Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp Đan Mạch ủng hộ việc EU sớm ký và phê chuẩn EVFTA và cùng hợp tác chặt chẽ để thực thi hiệu quả hiệp định quan trọng này; coi đây như một “nàng tiên cá,” một “phép màu” trong hợp tác, đầu tư và vì sự thịnh vượng chung của người dân hai nước.
Thành công tốt đẹp của chuyến tham dự ASEM 12, P4G, thăm chính thức Áo, Bỉ, Đan Mạch, thăm làm việc tại EU lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã một lần nữa truyền tải thông điệp Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương, tham gia hiệu quả, đóng góp giải quyết các thách thức toàn cầu tại các tổ chức đa phương./.
Theo QUANG VŨ (Vietnam+)