Lãnh đạo tỉnh An Giang và các sở, ngành đối thoại với nông dân
Nhiều vấn đề được quan tâm
Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Lê Phước Dũng, những năm qua, tỉnh chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Trong đó, đã triển khai thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững nhằm nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn phát triển thiếu bền vững, việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số còn hạn chế, thu nhập và đời sống của nông dân tuy có thay đổi nhưng chưa rõ nét. Do đó, nông dân vẫn còn nhiều băn khoăn.
Kiến nghị với lãnh đạo tỉnh, ông Lê Hoàng Vũ (Hội Nông dân phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) đặt câu hỏi: “Vấn đề khó khăn nhất trong sản xuất của nông dân hiện nay là đầu ra cho nông sản. Chúng ta thường nghe điệp khúc “được mùa thì mất giá” và thấy nông dân tự phát “trồng rồi chặt” từ năm này sang năm khác. Vấn đề này, lãnh đạo tỉnh có những định hướng, giải pháp thực hiện thế nào để mang lại hiệu quả kinh tế, hướng dẫn nông dân tập trung sản xuất tốt hơn trong thời gian tới”.
Ông Đoàn Văn Giàu (xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên) thì quan tâm đến vấn đề gạo của Việt Nam xuất khẩu hàng năm sản lượng đứng nhất, nhì trên thế giới, nhưng giá cả thấp, đời sống của nông dân còn khó khăn. Do đó, cần làm gì để thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó có gạo An Giang, được thế giới biết đến, giúp người nông dân nâng cao thu nhập.
Tham gia đối thoại với lãnh đạo tỉnh, ông Thái Văn Nhã (nông dân xã Bình Chánh, huyện Châu Phú) lại quan tâm đến Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, khi giúp nông dân giảm giống, giảm nước tưới, giảm sử dụng phân, thuốc hóa học để tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, khi liên kết lại bán lúa thì mức giá lại theo thị trường, nên chưa thực sự thu hút nông dân. Ông Nhã mong muốn các ngành có giải pháp để thúc đẩy liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp (DN) trong việc thực hiện đề án, nhằm tăng lợi nhuận, thu hút nông dân tham gia nhiều hơn.
Ngoài ra, nông dân còn kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến chính sách thu hút nông dân, DN tham gia thực hiện chuỗi giá trị; biện pháp duy trì nguồn giống IR4625 (nếp Long An) hoặc lai tạo giống nếp mới chất lượng cao cung cấp cho nông dân; chính sách hỗ trợ nông dân kết nối với các DN, các sàn thương mại điện tử để quảng bá, kinh doanh sản phẩm…
Đề xuất giải pháp
Trên cơ sở những thắc mắc, kiến nghị của nông dân, các sở, ngành tỉnh đã tập trung đưa ra những giải pháp phù hợp. Trong đó, để hạn chế tình trạng “được mùa, mất giá”, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thành Huân cho rằng: “Trước hết, cần phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững. Trong đó, phải đẩy mạnh mối quan hệ giữa nhà nông - Nhà nước - nhà khoa học - nhà DN để đảm bảo sự phối hợp hiệu quả trong sản xuất và tiêu thụ. Bên cạnh đó, ngành chuyên môn cần nghiên cứu, định hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường, thông qua việc thường xuyên tổ chức khảo sát, nắm bắt nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu”.
Cũng theo ông Nguyễn Thành Huân, việc hỗ trợ nông dân tiếp cận với công nghệ mới trong canh tác và chế biến, đầu tư xây dựng hệ thống kho lạnh, nhà máy chế biến nông sản để gia tăng giá trị và giảm thất thoát sau thu hoạch cũng là một giải pháp khả quan. “Cần phát triển các sàn giao dịch nông sản trực tuyến để kết nối trực tiếp nông dân với người mua, giảm trung gian, bảo vệ quyền lợi người sản xuất. Đồng thời, việc tăng cường hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã cung ứng hàng hóa vào các hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại sẽ giúp giải quyết đầu ra cho nông dân hiệu quả” - Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thành Huân thông tin thêm.
Về giải pháp giúp tăng giá trị hạt gạo khi xuất khẩu, ông Nguyễn Thành Huân cho hay, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo tỉnh An Giang giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh cũng giao Sở Công Thương thực hiện Đề án Xây dựng và Phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. “Năm 2025, chúng tôi sẽ tập trung triển khai đề án theo các chương trình được UBND tỉnh ban hành, gắn với quá trình phát triển vùng nguyên liệu theo Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao tại An Giang, nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân” - Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thành Huân cho biết thêm.
Đối với giải pháp thúc đẩy liên kết giữa nông dân với DN trong thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Hiệp cho biết, ngành nông nghiệp tiếp tục mời gọi DN ngoài tỉnh có năng lực đến An Giang tham gia đầu tư, triển khai liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, nhất là đối với diện tích lúa canh tác theo đề án. Sở NN&PTNT cũng tham mưu UBND tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ DN phù hợp, tạo động lực để họ gắn bó lâu dài với nông dân. Đồng thời, sẽ tìm biện pháp hỗ trợ về mặt pháp lý trong quá trình liên kết, nhằm đảm bảo quyền lợi cho nông dân…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị đối thoại, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng yêu cầu các sở, ngành tỉnh tích cực tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển ngành nông nghiệp theo Quyết định 1369/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, phối hợp Hội Nông dân tỉnh giải quyết những kiến nghị, đề xuất của nông dân; tham mưu UBND tỉnh thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới. |
THANH TIẾN