Nghĩa tình trên non cao
Sau Tết, thanh niên trên núi Cấm gác lại cuộc vui, nhanh chóng ngược lên tỉnh Bình Dương trở lại làm công nhân. Trên núi giờ đây còn lại những người trung niên chạy “xe ôm” đưa rước khách lên, xuống núi. Còn người già thì cuốc đất, trồng cây thu hoạch huê lợi bán cho du khách. Hôm ghé lại quán nước dưới chân chùa Phật nhỏ, gặp bà con và du khách đang ngồi nói chuyện huyên thuyên. Họ thân nhau như bà con ruột thịt.
Ban đầu, chúng tôi ngỡ họ là hàng xóm, nói chuyện xưng “chú Hai, thím Bảy, dì Ba” rộn rả. Hỏi ra mới biết, những lữ khách nghỉ qua đêm trên núi. Cô Năm Ngoan (63 tuổi, chủ quán nước dưới chân chùa Phật nhỏ) cười tươi: “Năm nào cũng vậy, du khách đi hành hương trên núi Cấm thường ghé qua chùa Phật nhỏ nghỉ đêm. Họ xuống quán của tôi ăn, uống. Vào dịp Tết, rằm lớn trong năm, du khách quay trở lại, dần dà thân quen cho tới bây giờ”.
Ông Nguyễn Văn Trọng (quê tỉnh Đồng Tháp) đã có mặt tại chùa Phật nhỏ từ rất sớm, vãng cảnh núi non. Ông Trọng cho hay, đã viếng núi Cấm được 2 ngày. Ngày đầu, ông qua vồ Thiên Tuế cúng Phật Di Lặc, chùa Phật lớn, chùa Vạn Linh. Sau đó, ông leo tiếp đến điện 13, điện Cửu Phẩm, rồi lên điện Bồ Hong. Không muốn ngủ đêm tại điểm du lịch bên vồ Thiên Tuế, ông Trọng chọn nghỉ đêm tại chùa Phật nhỏ. “Khí hậu ở đây se lạnh dễ chịu, bà con trên núi sống đầy nghĩa tình. Bên hông chùa Phật nhỏ có chỗ nghỉ miễn phí, không gian thật an yên không nơi nào có được” - ông Trọng bộc bạch.
Cuộc sống bình yên trên khu vực chùa Phật nhỏ
Trong ngôi chùa Phật nhỏ có một không gian dành cho lữ khách nghỉ ngơi. Cạnh đó, người dân mắc những chiếc võng dù, nếu du khách leo núi “đuối sức” có thể nằm thư thả, rồi leo núi tiếp. Ông Nguyễn Văn Bo (quê tỉnh Cà Mau) lên núi Cấm viếng chùa đã 3 ngày. Ngả lưng trên chiếc võng tại chùa Phật nhỏ, ông Bo trần tình, mấy năm nay, gia đình ông nuôi tôm sú bán được giá nên lên núi cúng Phật trả lễ. Sau đó, qua chùa Phật nhỏ cúng viếng. “Khu vực này mát mẻ, yên tĩnh, dễ chịu, cảnh vật thanh bình và con người hiền hòa, mến khách” - ông Bo hồ hởi.
Người dân tử tế
Hôm ghé thăm vườn cây ăn trái tại thung lũng nằm phía trên chùa Phật nhỏ khoảng 2km, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Bé (80 tuổi) đang chạy “xe ôm” đưa rước khách lên, xuống khu vực vồ Bà, điện Thị Bọng, chùa Phật nhỏ. Ngoắt chiếc “xe ôm” thuê ông Bé chở cho bớt mệt, sau một quãng đường vòng vèo, ông đã đưa chúng tôi đến nơi. Tôi trả tiền, nhưng ông Bé một mực không nhận.
“Lâu lâu, mấy chú mới có dịp lên đây một lần, tôi cho quá giang. Có những du khách lên núi hết tiền, chúng tôi đưa rước miễn phí đến tận đỉnh” - ông Bé thật tình. Tuy nghề “xe ôm” là kế mưu sinh, nhưng người dân nơi đây lại xem nhẹ chuyện tiền bạc, coi trọng nghĩa tình.
Sáng sớm, có mặt trên khu vực chùa Phật nhỏ mới cảm nhận được không gian tĩnh lặng như chốn “tiên bồng”. Men theo đường mòn lên núi, chúng tôi nghe tiếng nước suối chảy róc rách còn sót lại trong mùa khô, cộng với tiếng chim hót líu lo trên cành cây thật êm tai. Xa xa, từng bước chân lữ khách khẽ chạm lá khô y như nốt nhạc điểm tô mùa Xuân. Họ đi trong màn sương, rồi khuất dần sau ngõ núi.
Người dân trên núi tuy không giàu, nhưng sống rất tử tế. Nhà cửa không rào che chắn, vườn tược không lối ngăn chống trộm. Họ nói rằng, bà con ở đây ai cũng có vườn, cây đeo víu trái, nhưng không nghe ai nói bị mất trộm. “Quýt, bơ, bòn bon, mãng cầu... trái oằn cành, có đường đi hẳn hoi vào tận vườn, nhưng không thấy ai phá phách. Còn nếu du khách muốn đến chụp ảnh, hái vài ba trái cây, chủ vườn không quở trách một lời” - ông Bé thật tình.
Cô Năm Ngoan lên núi lập vườn hơn 40 năm. Ngày trước, đất rừng hoang sơ, vợ chồng cô Năm vác leng, vác cuốc lên núi khai khẩn hơn 2ha, trồng nhiều loại cây, như: Quýt, bơ, bòn bon và tre mạnh tông lấy măng. Sau này, con khôn lớn lập gia đình, rồi cô Năm sống lặng lẽ trên núi. Để phục vụ du khách đến tham quan, viếng chùa Phật nhỏ, cô Năm mở luôn hàng quán vừa bán trái cây nhà trồng, nước giải khát, vừa bán thức ăn kiếm sống hàng ngày. Mấy năm nay, cô tăng cường trồng tre Mạnh Tông thu hoạch măng bán cho tiểu thương. Cô Năm Ngoan cho biết, vụ măng vừa rồi rớt giá, chỉ còn 3.000 - 5.000 đồng/kg, nên cô quyết định không bán mà chừa lại ủ muối chờ sau Tết bán với giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, kiếm thu nhập khá hơn.
Gần đó, ông Chau Tà Sanh (75 tuổi) đang dọn lại khu vườn 2ha của mình. Chiếc máy cưa gỗ nổ xoèn xoẹt làm vang rộng khắp núi rừng. Gặp chúng tôi ghé thăm, ông Tà Sanh khoe, ông trồng mãng cầu, sầu riêng, mít, gừng, chuối… xen canh. Khu vực chùa Phật nhỏ có đồi núi thoai thoải, khí hậu mát mẻ nên cây trái phát triển tốt. Vào mùa mưa, nơi đây hứng lượng nước rất lớn, đủ nước tưới cây trong 6 tháng mùa khô. Bà con phải xây ô, hồ tích trữ nước mưa cho mùa khô, cũng là để phục vụ khách hành hương...
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã An Hảo Trịnh Văn Đệ cho biết, trên núi Cấm có 3 ấp (Thiên Tuế, Vồ Bà, Vồ Đầu), với 3.177 người sinh sống. Được thiên nhiên ban tặng khí hậu mát mẻ, trong lành là điều kiện để bà con phát triển vườn cây ăn trái, phục vụ du lịch, kiếm thêm thu nhập.
Giờ đây, đường sá lên núi được bà con hiến đất mở rộng tráng bê-tông, xe gắn máy chạy một mạch, việc vận chuyển đồ rẫy xuống núi dễ dàng. Điện, Internet được đấu nối từng nhà, bà con đã tiếp cận công nghệ thông tin.
|
LƯU MỸ