Cứu sống một thanh niên bị tai nạn giao thông mất hơn 4 lít máu

30/03/2018 - 14:04

Bệnh nhân R.N (sinh năm 1998, ngụ tại Huyện Tri Tôn, Tỉnh An Giang) được chuyển đến bệnh viện đa khoa Xuyên Á (TP Hồ Chí Minh) sau tai nạn giao thông trong tình trạng sốc mất máu rất nặng, rung thất, huyết áp không đo được, dọa ngưng tim, ngưng thở.

Qua thăm khám nhanh lâm sàng và X-Quang, bệnh nhân vị gãy xương sườn I trái, kèm ngập máu trong khoang màng phổi trái, các bác sĩ nghĩ ngay đến tổn thương động mạch dưới đòn trái - một trong 3 thân động mạch lớn ở quai động mạch chủ. Bệnh nhân được hồi sức đồng thời phẫu thuật cấp cứu ngay tức khắc.

Hiện tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định và có thể tự thở được. Ảnh:BV

Tim của bệnh nhân xuất hiện rung thất khi chuẩn bị mở ngực, dọa ngưng tim. Phẫu thuật viên mở ngực nhanh qua cưa volet dọc giữa xương ức và cắt ngang về khoảng gian sườn III trái, động mạch dưới đòn trái đang phun máu được cầm máu tạm thời với ép bằng tay. 

Đồng thời, phẫu thuật viên phải xoa bóp tim trực tiếp để tim có nhịp trở lại, vừa phẫu tích rộng gốc động mạch dưới đòn để cặp dụng cụ cầm máu. Động mạch dưới đòn trái bị tổn thương dạng “nhổ gốc” (arrachement) ngay sát quai động mạch chủ được phẫu thuật viên cặp bên quai động mạch chủ mới cầm máu được, sau đó khâu cầm máu.

Máu ra nuôi tay trái (qua động mạch dưới đòn trái) được tái lập bằng cách ghép đoạn mạch máu nhân tạo (prothèse) đi từ động mạch chủ lên đến đoạn cuối động mạch dưới đòn trái (sau khi cắt bỏ đoạn động mạch bị tổn thương). Lượng máu mất trong lồng ngực của bệnh nhân lên đến khoảng 4,2 lít, được bù 21 đơn vị máu và chế phẩm máu.

Sau 3 ngày điều trị và theo dõi hậu phẫu tích cực, tình trạng của bệnh nhân đã có những cải thiện đáng kể và tích cực, huyết động của bệnh nhân đã ổn định, không còn dùng thuốc vận mạch, các rối loạn về đông máu và về cân bằng toan - kiềm,... đã được điều chỉnh tốt. Bệnh nhân đã tỉnh và tự thở.

Theo các bác sĩ, đây là một trong những phẫu thuật tối cấp cứu, phức tạp và nặng nề nhất trong chuyên khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực. Vì vị trí tổn thương trong trường hợp này đối với các phẫu thuật viên tim mạch, đây là “góc khuất” của giải phẫu và là “góc khó” của ngoại khoa.

Các bác sĩ của bệnh viện cũng cho biết thêm, tính mạng của bệnh nhân được cứu sống trong gang tấc nhờ chạy đua với thời gian cùng với kỹ thuật chuyên sâu của ê kíp phẫu thuật Ngoại Tim mạch - Lồng ngực và sự sẵn sàng của ê kip gây mê hồi sức.

Theo Đ.PHƯƠNG (Báo Tin Tức)