Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một dấu son chói lọi, một võ công hiển hách nhất, đồng thời đây cũng là một trong những sự kiện quan trọng, có tầm vóc và ý nghĩa to lớn trong lịch sử thế giới thế kỷ 20.
Cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 cũng đã để lại cho chúng ta nhiều bài học lịch sử vô cùng quý giá đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới hiện nay.
- Thứ nhất là bài học chớp thời cơ chiến lược. Sau chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” (12-1972), Hiệp định Paris được ký kết (1-1973), dân tộc ta đã hoàn thành thắng lợi một bước căn bản của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là “đánh cho Mỹ cút”. Nhưng để hoàn thành sự nghiệp đấu tranh chống ngoại xâm và thống nhất đất nước thì dứt khoát phải “đánh cho ngụy nhào”.
Vấn đề là chúng ta có thể và cần phải thực hiện nhiệm vụ đó như thế nào và vào bao giờ?
Khoảnh khắc lịch sử xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30-4-1975, đánh dấu thắng lợi trọn vẹn của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đỉnh cao của Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. (Ảnh: Trần Mai Hưởng-TTXVN)
Sau những thăm dò chiến lược, cơ bản chúng ta có thể khẳng định rằng: mặc dù không muốn bỏ Việt Nam và địa bàn chiến lược Đông Nam Á, song, khả năng Mỹ quay trở lại can thiệp trực tiếp với quy mô lớn vào Việt Nam là không hiện thực trong tương lai gần. Nhưng, nếu kéo dài thêm thì tình hình sẽ phức tạp, khó phán đoán, nhất là khi nước Mỹ có tổng thống mới vào năm 1977.
Về phe XHCN, sau khi có những tiếp xúc ngoại giao cấp cao nhất và những thỏa thuận đã đạt được với Mỹ, cả Liên Xô và Trung Quốc đều có những điều chỉnh chiến lược bất lợi đối với cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của ta.[1] Từ khoảng giữa năm 1972, viện trợ của hai nước này cho Việt Nam đều bị cắt giảm mạnh. Nếu tổng viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam năm 1971 đạt khoảng 332 triệu rúp thì năm 1973 còn 248 triệu, năm 1974 còn 98 triệu và năm 1975 chỉ còn 76 triệu (chỉ bằng gần 23% mức của năm 1971). Tương tự, viện trợ của Trung Quốc cho Việt Nam đạt 141 triệu nhân dân tệ vào năm 1973 thì năm 1974 chỉ còn 45 triệu và năm 1975 là 19 triệu (chỉ bằng 13,4% mức của năm 1973).[2]
Như thế là trên bình diện quốc tế, thời cơ chiến lược để quân và dân ta đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn không thực sự to lớn, thuận lợi, và thời cơ này chỉ tồn tại trong khoảng thời gian khá ngắn, từ 1 đến 2 năm. Nếu không chớp được thời cơ này thì có thể chúng ta không bao giờ còn có thể kết thúc cuộc chiến tranh với thắng lợi hoàn toàn, trọn vẹn.
Tuy nhiên, ở trong nước, tương quan lực lượng, xét về mọi phương diện, đang có lợi cho cách mạng. Thắng lợi của việc “đánh cho Mỹ cút” đã mang lại một khí thế vô cùng mạnh mẽ, củng cố thêm ý chí và quyết tâm toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng. Lực lượng cách mạng được củng cố và tăng cường ở cả miền Bắc và miền Nam, sẵn sàng, quả quyết bước vào trận đánh mới mang tầm vóc một trận quyết chiến chiến lược. Trong khi đó, quân đội và chính quyền Sài Gòn hoang mang cực độ, tuy cố gào thét “tràn ngập lãnh thổ” để tự lên dây cót tinh thần, song, chúng cũng tự biết ngày tàn của chế độ không còn xa.
Chính trong bối cảnh đó, Trung ương Đảng đã sáng suốt, dũng cảm chớp thời cơ chiến lược, quyết tâm đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Quá trình chớp thời cơ này bắt đầu từ Hội nghị Trung ương 21 (tháng 7-1973), trải qua quá trình vừa tấn công địch, vừa thăm dò tình hình thế giới để đi tới kết luận của Hội nghị Bộ Chính trị tháng 9-1974, quyết tâm hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976, và đặc biệt là Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng cuối năm 1974, đầu năm 1975, khi tình hình đã rõ hơn, với nhận định vô cùng sáng suốt: Chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến lược lớn để hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc. Trên cơ sở đó đã đưa ra quyết định lịch sử: “…gấp rút chuẩn bị mọi mặt để kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh cứu nước trong năm 1975 hoặc năm 1976”.[3] Đây chính là cội nguồn, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Bài học nhận định, nắm bắt thời cơ chiến lược tiếp tục được vận dụng sáng tạo, góp phần quyết định giúp cho Đảng ta lãnh đạo đất nước vượt qua những thử thách sống còn, giành được những thắng lợi có tính chất lịch sử. Quyết định phát động công cuộc Đổi mới vào năm 1986 (Đại hội Đảng lần thứ VI), và quyết định đưa ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991 (Đại hội Đảng lần thứ VII) là những quyết định lịch sử đã đưa đất nước ta thoát khỏi cuộc khủng hoảng có tính chất dây chuyền của phe XHCN thế giới, tiến từng bước vững chắc trên con đường Đổi mới. Đến năm 2011, tại Đại hội XI của Đảng, Cương lĩnh chính trị lại được bổ sung, sửa đổi, phù hợp với yêu cầu mới của thời đại và của cách mạng Việt Nam, nhất là của công cuộc đổi mới và hội nhập ngày càng toàn diện và sâu rộng vào toàn cầu hóa.
Giờ đây, trước thềm Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đất nước ta lại đang đứng trước thời cơ chiến lược mới với những thách thức mới, nghiêm trọng và phức tạp. Quá trình toàn cầu hóa ngày càng tăng tốc đã đưa lại cho sự nghiệp phát triển bền vững đất nước những nguồn lực và vận hội mới. Chưa bao giờ hàng hóa thuộc nhiều chủng loại của Việt Nam lại vươn xa đến thế trên khắp hoàn cầu; Việt Nam cũng tham gia ngày càng tích cực và có trách nhiệm trong các công việc mang tầm vóc thế giới và khu vực, uy tín quốc gia ngày càng được nâng cao. Song, toàn cầu hóa cũng đặt ra nhiều thách thức hiểm nghèo chưa từng có. Biến đổi khí hậu toàn cầu có thể đặt một số vùng của nước ta trước nguy cơ thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn khó bề khắc phục; làn sóng xâm thực văn hóa có thể làm xói mòn hệ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; dịch bệnh, như đại dịch bệnh COVID-19 chẳng hạn, gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn v.v…
Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp mới cũng mở ra cơ hội vô cùng to lớn cho các nước “đi sau” như Việt Nam có thể thực hiện thành công chiến lược phát triển “rút ngắn” để thoát khỏi tình trạng tụt hậu, gia nhập vào hàng ngũ những quốc gia tiên tiến nhất. Song, kèm theo đó, nguy cơ mà cuộc cách mạng này đưa lại cũng rất lớn: đó có thể là sự lệ thuộc lâu dài và vĩnh viễn về công nghệ và sự kiểm soát vô giới hạn của những tập đoàn công nghệ toàn cầu đối với mọi lĩnh vực của đời sống dân tộc.[4]
Trong bối cảnh đó, bài học về sự phân tích khoa học, về tầm nhìn và bản lĩnh chớp thời cơ chiến lược của Đại thắng mùa Xuân 1975 càng có giá trị thiết thực. Thực tế là, giống như 45 năm trước, đất nước Việt Nam, cách mạng Việt Nam không có lựa chọn nào khác, ngoài việc cả quyết xông vào dòng thác lũ của thời đại, chấp nhận thách thức lịch sử, do đó, “biến nguy thành cơ”, phát huy cao độ ý chí và khát vọng của dân tộc để chiếm lấy những lợi thế, vượt qua trở ngại để tiến bước.
- Bài học quý báu thứ hai mà Đại thắng mùa Xuân năm 1975 để lại cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày nay là bài học về sự sáng tạo và mưu lược trong chỉ đạo chiến lược. Bản thân sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta đã là quá trình sáng tạo không ngừng, hơn nữa, trong chỉ đạo chiến tranh, nhất là những chiến dịch quyết chiến chiến lược thì sự sáng tạo và mưu lược là đòi hỏi rất cao và mang tính bắt buộc. Người xưa từng nói, để giành thắng lợi trong chiến tranh thì: “Người giỏi cầm quân thì không cần bày trận, người giỏi bày trận thì không cần đánh, người giỏi đánh thì không thua...”[5] Cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là minh chứng tiêu biểu nhất của tài nghệ cầm quân xuất chúng của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương. Cả nước cùng ra trận, tập trung toàn bộ các nguồn lực để tạo thành xung lực tổng hợp như Phù Đổng vươn mình. Lần đầu tiên sự chỉ huy tác chiến hợp đồng các binh chủng, các quân đoàn, các mặt trận được thống nhất và nhịp nhàng và vô cùng hiệu quả. Sau các đòn tấn công quân sự và ngoại giao thăm dò là đòn tấn công điểm trúng yếu huyệt của đối phương ở Buôn Ma Thuột, đẩy quân địch ra khỏi Tây Nguyên, mở ra thế trận mới. Tiếp đó là chiến dịch Huế - Đà Nẵng tiến tới giải phóng hoàn toàn dải đất miền Trung bằng những đòn tấn công quyết liệt, đánh bại các nỗ lực phòng ngự và làm tan rã tinh thần và ý chí của đối phương. Thế trận thuận lợi đã mở ra cho chiến dịch cuối cùng là chiến dịch Hồ Chí Minh với phương châm: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng Miền Nam. Quyết chiến! Toàn thắng!”[6]
Bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay cũng đặt ra yêu cầu rất cao về tính sáng tạo và mưu lược đối với sự lãnh đạo và chỉ đạo chiến lược của Đảng và nhà nước ta. Đương nhiên, sự sáng tạo và mưu lược đó không có sẵn trong sách vở nào, cũng không chỉ dựa được vào sự già dặn của tích lũy kinh nghiệm và thông minh, tài trí cá nhân, mà trước hết phải là thành tựu của sự lãnh đạo tập thể, trước hết là tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương Đảng, của Quân ủy Trung ương, các cơ quan nhà nước.Song, cũng còn cần phải phát huy trí tuệ, tham mưu của đội ngũ chuyên gia, các bộ chỉ huy các cấp và của toàn thể nhân dân. Sự sáng tạo và mưu lược trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và văn minh trí tuệ lại càng phải dựa vào những kết quả nghiên cứu, phân tích thực sự khách quan, khoa học của các cơ quan và đội ngũ nghiên cứu chuyên nghiệp, cũng như những sáng kiến phong phú của nhân dân.
Thành tựu của công cuộc đổi mới, nhất là của công cuộc phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng an ninh, đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian vừa qua đã cho thấy rõ bản lĩnh, sự sáng tạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Hiện nay và trong tương lai, sự cạnh tranh phát triển khốc liệt nhất giữa các quốc gia, các nền kinh tế, các tập đoàn và các công ty chính là cạnh tranh về tốc độ đổi mới tri thức, tốc độ rút ngắn vòng đời công nghệ, và tựu trung lại là mức độ tích hợp văn hóa và hàm lượng trí tuệ trong các sản phẩm kinh tế và văn hóa. Trong bối cảnh đó, Đảng ta đã xác định rất chính xác: khoa học – công nghệ và giáo dục – đào tạo là quốc sách hàng đầu; phát triển văn hóa, nhất là công nghiệp văn hóa phải tạo bước đột phá để văn hóa trở thành một nguồn lực phát triển trực tiếp, gắn phát triển văn hóa với phát triển con người để văn hóa thực sự đóng vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội. Tuy nhiên, nhận thức trong chỉ đạo chiến lược còn có lúc, có nơi chưa thực rõ, nhất là chưa tìm ra được khâu đột phá then chốt nhất để tạo ra được chuyển biến có tính chất mở đường, tạo ra chuyển động có tính dây chuyền, làm thay đổi toàn bộ công cuộc phát triển.
- Bài học vô giá thứ ba mà Cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 để lại cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng và nhân ta hiện nay là bài học về phát huy cao độ hào khí dân tộc trên nguyên tắc đặt đại nghĩa dân tộc và lợi ích quốc gia lên trên hết.
Lịch sử đã cho thấy, trước những khúc quanh, trong những thời khắc quyết định, nếu hào khí dân tộc được phát huy, đại nghĩa dân tộc được giương cao thì nhất định dân tộc Việt Nam sẽ vượt qua mọi thử thách và lập được những kỳ công hiển hách. Những trang sử vàng của dân tộc đã từng ghi đậm nét những thời khắc như vậy: đó là lúc bài thơ “Nam quốc sơn hà” vang lên khi cuộc kháng chiến chống Tống năm 1075 đến hồi quyết liệt; [7] Đó là khi các bô lão cùng thét vang một từ “đánh” tại Hội nghị Diên Hồng năm 1284 “muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng” để đáp lại lời vua Trần Nhân Tông hỏi về việc ứng phó với giặc Nguyên Mông; [8] Đó cũng là lúc toàn dân ta đồng loạt vùng lên phá tan gông xiềng nô lệ, “đem sức ta mà giải phóng cho ta” theo lời hiệu triệu của Đảng và của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mùa Thu năm 1945.
Mùa Xuân năm 1975, cả nước ta đã nhất tề vào trận với khí thế hào hùng và với quyết tâm như ý chí dân tộc nghìn năm hội tụ. Ý chí sắt đá và khí thế ngút trời toát ra trong lời đáp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng – Chủ tịch Hội đồng chi viện miền Nam, [9] khi được hỏi về việc chuẩn bị đạn dược: “đủ bắn cho nó sợ đến ba đời!”; trong lời dặn tha thiết mà hào sảng của Bí Thư thứ nhất Lê Duẩn khi tiễn đồng chí Lê Đức Thọ và Bộ Tư lệnh tiền phương: “phải thắng mới được về!”; và trong bản quân lệnh lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Xốc tới mặt trận, giải phóng Miền Nam. Quyết chiến! Toàn thắng!”
Trong bối cảnh mới của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, hào khí dân tộc càng đang rất cần được khơi dậy và phát huy để toàn dân tộc chung sức, đồng lòng, cộng trí, cộng lực để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng tụt hậu, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Vấn đề là phải biết cách để khơi dậy hào khí dân tộc nghìn năm.
Nhớ lại khi công cuộc Đổi mới vừa bắt đầu, đời sống nhân dân cả nước vô cùng khó khăn, niềm tin “bị xói mòn nghiêm trọng”. Giữa lúc đó, khẩu hiệu “lấy dân làm gốc” đã nhanh chóng đi vào lòng dân, đường lối Đổi mới nhanh chóng giành được sự tin cậy, ủng hộ mạnh mẽ của toàn dân.
Nói đến hào khí dân tộc, người ta rất dễ cho rằng đó chỉ đơn thuần là sự bột phát của tình cảm dân tộc. Lịch sử dân tộc và lịch sử Đảng ta cho thấy thực tế không chỉ là như vậy. Hào khí dân tộc là tình cảm, nhưng còn là niềm tin duy lý, khi được khơi dậy và phát huy nó mới có đủ sức bền, đủ sức mạnh để trở thành lý tưởng và ý chí của toàn dân. Cốt lõi của niềm tin duy lý đó chính là sự kiểm chứng thực tế nguyên tắc chính trị của Đảng: luôn đặt đại nghĩa dân tộc, hạnh phúc của nhân dân và lợi ích quốc gia lên trên hết. Lê Lợi và Nguyễn Trãi tuyên bố: “Việc nhân nghĩa trước ở an dân”,[10] còn Hồ Chí Minh nói: “Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác” [11] là vì như vậy.
Niềm tin duy lý đó khi được hiện thực hóa bằng tấm gương tận tụy hy sinh của hàng triệu cán bộ, đảng viên và được khơi dậy và định hướng bởi những khẩu hiệu hành động chính xác, có sức lay chuyển mạnh mẽ lòng dân, thì hào khí dân tộc sẽ được phát huy ở mức cao nhất.
45 năm đã trôi qua, tầm vóc, ý nghĩa và những bài học lịch sử của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 ngày càng được khẳng định và nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn. Chiến công hiển hách đó không chỉ mở ra một trang sử mới trong lịch sử dân tộc mà còn luôn cổ vũ toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trên những chặng đường cách mạng mới.-.
[1] Xem: Phạm Hồng Tung, “Cuộc đấu tranh thống nhất đất nước Việt Nam từ 1954 đến 1975 – tiếp cận từ một số phương diện quốc tế”.
[2] Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, Chiến tranh Cách mạng Việt Nam 1945-1975: Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 588.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 36, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, 2004, tr. 6.
[4] Xem: Phạm Hồng Tung, “ in trong: Nguyễn Văn Kim – Phạm Hồng Tung, Lịch sử và văn hóa: tiếp cận đa chiều, liên ngành, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2019, tr.
[5] Đây là lời đề tựa của danh tướng Trần Khánh Dư cho cuốn “Vạn kiếp tông bí truyền thư” của Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Xem: Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr. 84.
[6] Bản Quân lệnh của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, ngày 7 tháng 4 năm 1975.
[7] Xem: Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr. 279.
[8] Xem: Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr. 50.
[9] Hội đồng được thành lập theo Nghị quyết số 241-NQ-TW ngày 25-3-1975 của Bộ Chính trị.
[10] Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, sđd, tr. 282.
[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 31.
GS.TS. Phạm Hồng Tung
Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ĐHQGHN
Theo Theo Báo Điện Tử Đảng Cộng Sản Việt Nam